Những xu hướng trong ngành bán lẻ năm 2019

Mặc dù 2018 là một năm thành công đối với nhiều công ty bán lẻ trên thế giới, nhưng ngành này dự báo sẽ trải qua một năm 2019 bấp bênh hơn.

Đó là nhận định của Greg Petro, nguyên Giám đốc thương mại và là người sáng lập First Insight, nhà cung cấp hàng đầu thế giới các ứng dụng phần mềm cho các nhà bán lẻ.

Theo ông Petro, trong năm nay các nhà bán lẻ lớn trên thế giới sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức, từ việc bị đánh thuế cao hơn đến xu hướng các thị trường mới nổi lên đang dần dần chiếm lĩnh một “miếng bánh” lớn hơn trong lĩnh vực này, và đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng về kết nối internet trong mọi giao dịch.

Greg Petro, nguyên Giám đốc thương mại và sáng lập First Insight.
Greg Petro, nguyên Giám đốc thương mại và sáng lập First Insight.

 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng chính những thách thức này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ cũng như các nhãn hiệu đi đầu về công nghệ. Tác giả nhận định, năm 2019 ngành bán lẻ thế giới sẽ chứng kiến những xu hướng lớn sau đây.

1. Sử dụng thông tin của người tiêu dùng như là những “dữ liệu không thuộc về ai”

 

Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền được bảo vệ thông tin cá nhân của mình từ những sự cố của Facebook và từ Bộ luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR).

Nếu trong năm 2018, các nhà bán lẻ buộc phải từ bỏ việc khai thác thông tin của bên thứ ba thì trong năm nay 2019 họ sẽ phải tiếp tục nói “không” với các thông tin cá nhân của người tiêu dùng và nhận thức rõ đó là những “dữ liệu không thuộc về bên nào” (zero-party data), tức là những thông tin do người tiêu dùng chia sẻ với nhà bán lẻ một cách có dụng ý và chỉ nhằm phục vụ cho việc xây dựng quan hệ tốt hơn giữa hai bên, từ đó giúp các nhà bán lẻ điều chỉnh các nỗ lực tiếp thị, sản phẩm và dịch vụ của mình cho phù hợp và mang tính cá nhân nhất với từng đối tượng khách hàng thay vì phải dựa trên sự suy đoán.

Theo một khảo sát gần đây, 64% người tiêu dùng cho biết cảm thấy thoải mái với việc nhà bán lẻ lưu trữ thông tin về lịch sử mua hàng và các sở thích cá nhân của họ nếu những thông tin ấy được dùng để tạo ra sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm mang tính cá nhân cao hơn.

2. Các nhà bán lẻ nhỏ sẽ nhanh chóng lớn mạnh

 

Những nhãn hiệu trong các lĩnh vực “ngách” và hoạt động trong môi trường số đã nổi lên trong những năm gần đây, và 2019 sẽ là một năm chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của những công ty này, vượt xa các nhà bán lẻ truyền thống. Không chỉ ở kênh bán hàng trực tuyến, các công ty bán lẻ cỡ nhỏ cũng sẽ thành công hơn ở kênh bán hàng bên ngoài.

Theo một khảo sát do Retail Dive thực hiện, các nhãn hiệu ra đời từ môi trường số ở Mỹ có kế hoạch mở thêm 850 cửa hàng bên ngoài trong vòng năm năm tới. Trong khi đó, các nhà bán lẻ truyền thống đã đóng khoảng 7.000 cửa hàng nhưng chỉ mở mới 3.000 cửa hàng trong năm 2018.

3. Chú trọng khách hàng sẽ là xu hướng chính

 

Các nhà bán lẻ đã nói nhiều về việc “đặt khách hàng vào trọng tâm của mọi hoạt động” cách đây vài năm nhưng đa số vẫn còn chưa biết thực hiện điều này như thế nào một cách tốt nhất.

Năm 2018, các nhà bán lẻ đã nhận ra rằng nếu chỉ đơn giản giám sát các hoạt động tương tác với khách hàng trên kênh truyền thông xã hội không thôi vẫn chưa đủ.

Greg Petro cho rằng, với sự ra đời của những công nghệ như phân tích giọng nói của khách hàng (VoC), 2019 sẽ là năm ngành bán lẻ hiện thực hóa tốt nhất phương châm “khách hàng là trọng tâm”, bởi nó sẽ giúp các công ty xác định và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Theo nghiên cứu sáng tạo trong lĩnh vực kỹ thuật số năm 2018 của Kalypso mới được công bố gần đây, 84% nhà bán lẻ đánh giá cao tầm quan trọng của VoC và 54% cho biết sẽ đầu tư vào công nghệ này trong năm 2019.

4. Cả nhà bán lẻ lẫn người tiêu dùng sẽ chịu thêm gánh nặng của thuế

 

Áp lực này đến từ chính sách tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% áp lên hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Hiệp hội Các nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ hiện đang tìm cách đề nghị giảm trừ thuế đối với một số mặt hàng mà họ tin rằng việc tăng thuế chỉ làm cho người tiêu dùng Mỹ thiệt hại hơn. Samsonite và Gap, những công ty đặt nhiều cơ sở sản xuất lớn ở Trung Quốc, cho biết đã có kế hoạch tăng giá bán lẻ.

5. Việc áp dụng các thuật toán sẽ ngày càng phổ biến

 

Các nhà bán lẻ hàng đầu trước đây thường dựa trên sự đánh giá, suy đoán chủ quan của mình để đưa ra các danh mục sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Hiện nay, ngày càng có nhiều nhà bán lẻ vận dụng các công cụ sáng tạo để phân tích dữ liệu của người tiêu dùng, từ đó xác nhận lại sự suy đoán của mình hoặc làm cơ sở để thiết kế ra danh mục sản phẩm phù hợp hơn cho khách hàng. Theo Greg Petro, đây cũng sẽ là một trong những xu hướng lớn của ngành bán lẻ năm 2019.

6. Khách hàng “thiên niên kỷ” sẽ tăng cường mua hàng hiệu và hàng xa xỉ

 

Theo dự báo của Bain & Co., đến năm 2025 những khách hàng thế hệ Y và thế hệ Z sẽ chiếm 45% doanh số các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ cá nhân. Theo nhận định của Greg Petro, đây là một cơ hội nhưng đồng thời cũng là một thách thức cho các nhãn hiệu trong lĩnh vực này vì những người tiêu dùng trẻ có cách suy nghĩ và mua sắm khác với thế hệ cha mẹ của họ.

Những khách hàng thế hệ Y tìm mua các nhãn hiệu mà họ yêu thích ở bất cứ kênh nào. Tất nhiên họ thích mua hàng trực tuyến nhưng cũng đánh giá cao những trải nghiệm độc đáo từ các cửa hàng bên ngoài. Theo Greg Petro, Gucci là một nhãn hiệu điển hình nắm bắt rất tốt xu hướng này.

Đến năm 2025 những khách hàng thế hệ Y và thế hệ Z sẽ chiếm 45% doanh số các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ cá nhân

7. Khách hàng thế hệ X sẽ hạn chế chi tiêu

 

Nếu như thế hệ Y tăng cường mua sắm thì cha mẹ của họ, những người tiêu dùng thế hệ X, có xu hướng ngược lại. Người tiêu dùng thiên niên kỷ ở Mỹ được dự báo sẽ tăng lên 73 triệu nhưng người tiêu dùng thế hệ X sẽ giảm 72 triệu. Tuy nhiên, doanh số mua sắm của thế hệ X vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn và thói quen mua sắm của họ vẫn đang chi phối nền kinh tế.

8. Sự đi xuống của Apple

 

Trong những năm gần đây, người tiêu dùng gần như không chứng kiến được một sự sáng tạo đáng kể nào của nhãn hiệu này, có chăng chỉ là những cải tiến nhỏ với dòng sản phẩm iPhone và Mac từ năm 2010, trong khi lại tăng doanh thu bằng cách tăng giá bán. Năm 2018, mức giá trung bình của một chiếc iPhone là 765 USD, tăng 20% so với năm 2017, trong khi doanh số lại “đi ngang”.

“Tăng giá bán không phải là một chiến lược bền vững để tăng trưởng doanh nghiệp. Tôi cho rằng Apple đang bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái nếu nhãn hiệu này không tìm được hướng ra để làm một điều mà họ đã từng làm rất tốt trong quá khứ: đó là đưa ra thị trường những dòng sản phẩm hoàn toàn mới, đem đến sự ngạc nhiên, thích thú cho người tiêu dùng”, Gerg Petro nhận định.