Ninh Bình: Lấy công nghiệp ô tô làm động lực tạo sức bật thu hút đầu tư

Trong định hướng phát triển, tỉnh Ninh Bình xác định, lấy công nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò chính trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo ra sức bật mới địa phương.

Trong định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Ninh Bình, sản xuất, lắp ráp ô tô được xác định là mũi nhọn chiến lược phát triển công nghiệp, trong đó đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị gắn với cơ cấu lại ngành công nghiệp. Lấy công nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò chính trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo ra sức bật mới địa phương.

Với tâm thế “tăng tốc bứt phá”, năm 2024 Sở Công Thương Ninh Bình tập trung mọi nguồn lực, thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công nghiệp và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực, trong đó sản xuất công nghiệp có sự bứt phá mạnh mẽ với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 47.949 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.694 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 52,1% kế hoạch năm. Các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng khá so với cùng kỳ như: linh kiện điện tử tăng 39,3%; linh kiện phụ tùng ô tô các loại tăng 63,3%; hàng thêu ren tăng 29,3%…Tổng giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.567,4 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 48,9% kế hoạch năm; trong đó các mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn như: linh kiện phụ tùng ô tô các loại đạt 423,7 triệu USD, linh kiện điện tử đạt 454,2 triệu USD, phụ liệu sản xuất giày dép đạt 349,2 triệu USD...

Lắp ráp ô tô
Sản xuất, lắp ráp ô tô tại nhà máy của Hyundai Thành Công tại KCN Gián Khẩu Ninh Bình

Ngành sản xuất ô tô phát triển góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu

Theo quy hoạch của tỉnh, công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô luôn được tỉnh Ninh Bình xác định là mũi nhọn chiến lược, đột phá cho phát triển công nghiệp. Tỉnh đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư. Những chính sách ưu việt của tỉnh đã kích cầu làn sóng đầu tư của hàng loạt các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là với sản xuất, lắp ráp ô tô. Giúp công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của tỉnh Ninh Bình có sự phát triển nhanh, từ đó làm tăng thu nhập, việc làm cho người lao động, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Tỉnh Ninh Bình đã thu hút được hàng chục dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô như: Công ty CP Sejung tại Cụm công nghiệp Cầu Yên sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm; dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô của Công ty TNHH ADM 21, công suất 20 triệu sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Khánh Phú; Nhà máy SAMSE VINA tại Cụm công nghiệp Cầu Yên sản xuất cáp đồng trục tự động cho ô tô với công suất 400 tấn/năm; nhà máy sản xuất lắp ráp bộ dây cáp điện ô tô ESMO VINA tại Cụm công nghiệp Gia Phú với công suất 450.000 sản phẩm/ năm; dự án của Công ty Daewon Auto Vina tại Khu công nghiệp Phúc Sơn với công suất 100.000 sản phẩm ghế ngồi ô tô/năm, Tập đoàn A1 Taizhan có trụ sở tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan, chuyên sản xuất các thiết bị, linh kiện, phụ kiện công nghệ cao cung cấp cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử, dụng cụ thể thao và công nghiệp bán dẫn tại CCN Văn Phong...

Nhà máy sản xuất dây cáp điện ô tô của Công ty TNHH Esmo Vina (Cụm công nghiệp Gia Phú, huyện Gia Viễn)
Nhà máy sản xuất dây cáp điện ô tô của Công ty TNHH Esmo Vina tại CCN Gia Phú, huyện Gia Viễn, Ninh Bình

Đặc biệt, từ khi đầu tư tại tỉnh Ninh Bình từ năm 2007 đến nay, Tập đoàn Thành Công cùng với đối tác liên doanh đã đầu tư 08 dự án tại đây với tổng vốn đăng ký gần 12.300 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng gần 93ha; công suất sản xuất, lắp ráp 195.000 xe ô tô các loại/năm và các dịch vụ Logistics, phân phối sản phẩm. Hoạt động hiệu quả, Dự án liên doanh ô tô Hyundai của Tập đoàn Thành Công liên tục có bước tăng trưởng về quy mô, sản lượng, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 đươc khách thành đi vào hoạt động từ tháng 11/2022, tại KCN Gián Khẩu mở rộng. Đây là nhà máy ô tô hiện đại, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của Hyundai toàn cầu, được xây dựng trên tổng diện tích 50ha, công suất 100.000 xe/năm, đưa tổng công suất các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe Hyundai của Liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam tại KCN Gián Khẩu lên 180.000 xe/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực, đưa liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất khu vực của Hyundai Motor.

Công nghiệp sản xuất ô tô tạo động lực cho thu hút đầu tư FDI của tỉnh

Hai nhà máy của Hyundai Thành Công đạt tổng sản lượng lắp ráp 78.000 xe, giá trị sản xuất hàng năm trung bình chiếm gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Ninh Bình, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động địa phương với mức thu nhập cao, đóng góp gần 70% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, giữ vị trí doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách địa phương với gần 12.000 tỷ đồng.

Nhà máy lắp ráp ô tô số 2 của Hyundai Thành Công tại KCN Gián Khẩu, Ninh Bình
Nhà máy lắp ráp ô tô số 2 của Hyundai Thành Công tại KCN Gián Khẩu, Ninh Bình

Thành công của các dự án sản xuất ô tô Thành Công - Hyundai là kết quả của quan điểm, định hướng đúng đắn và sự kiên định trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Sự phát triển của Nhà máy Hyundai Thành Công đã thu hút hàng loạt các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô đến đầu tư tại Ninh Bình.

Đến nay tỉnh Ninh Bình có 97 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.675,63 triệu USD với các nhà đầu tư đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hàn Quốc là đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với 45 dự án và đứng thứ 2 về vốn đầu tư (đạt 450,18 triệu USD), chiếm 27% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh.

Hiệu quả đầu tư của Hai nhà máy của Hyundai Thành Công và chính sách thuận lợi của tỉnh Ninh Bình thu hút làn sóng đầu tư của hàng loạt các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ ô tô, điện tử, giúp tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của địa phương và đưa Ninh Bình trở thành một trong các trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất cả nước./.

Chung Thắng