Thành phố Ninh Bình: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư

Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của thành phố Ninh Bình có bước phát triển tích cực. Chính quyền thành phố luôn ưu tiên các lĩnh vực có lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư.
Ninh Bình

Lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, thương mại và du lịch là sự kỳ vọng tạo sự bứt phá để xây dựng thành phố Ninh Bình xứng với vị thế, vai trò trung tâm chính trị-hành chính-kinh tế-văn hóa của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.

Kinh tế tăng trưởng khá

Đánh dấu 70 năm ngày giải phóng thành phố Ninh Bình (30/6/1954 – 30/6/2024), chính quyền và nhân dân thành phố Ninh Bình đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Nhiều lĩnh vực kinh tế của thành phố Ninh Bình liên tục tăng trưởng khá.

Năm 2023, tốc độ tăng doanh thu của các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt 14,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 29.156 tỷ đồng, tăng 28,9% so với năm 2022. Doanh thu sản xuất công nghiệp của các cơ sở trên địa bàn thành phố năm 2023 đạt 28.645 tỷ đồng, tăng 0,3% so với năm 2022. Tổng chi ngân sách thành phố là 1.439 tỷ đồng, bằng 126% dự toán. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao với thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của thành phố đạt 72 triệu đồng/người/năm, cao nhất cả tỉnh và cũng là mức cao của cả nước.

Trong phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế Thành phố tiếp tục phát triển, sản xuất công nghiệp vượt qua nhiều khó khăn để có được sự tăng trưởng cao, hơn 21% so với cùng kỳ năm 2023; các ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, Thành phố đang đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư công; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là công tác giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong phát triển kinh tế, thành phố quan tâm tạo điều kiện cho lĩnh vực công nghiệp, trong đó, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đã phát huy vai trò có vai trò thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Phát triển khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch 

Với vị trí giao thông thuận lợi, nằm trên giao điểm Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và Quốc lộ 38B đi qua các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, thành phố Ninh Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 01 khu công nghiệp (KCN) đa ngành là KCN Phúc Sơn, quy mô 142 ha, với tổng mức đầu tư 859,74 tỷ đồng. KCN này được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút các ngành nghề sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo. Ngoài ra, thành phố hiện tại cũng có 02 cụm công nghiệp là CCN Cầu Yên có diện tích 13,735 ha và CCN Ninh Phong có diện tích 13ha.

Ninh Bình
Nhà máy kéo sợi Lam Giang vinh dự được chọn là công trình kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình

Theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ Ninh Bình được ban hành, trong đó quy định về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, theo lộ trình tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư thành đơn vị hành chính thành phố mới, dự kiến lấy tên là thành phố Hoa Lư với diện tích tự nhiên là 150,24km2. Đồng thời hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có vị thế là đầu mối phát triển công nghiệp của tỉnh Ninh Bình.

Sau sát nhập, thành phố sẽ có thêm cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân (thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư) có diện tích quy hoạch là 30,64 ha, thu hút các dự án về chế tác đá mỹ nghệ. Không gian đô thị thành phố Ninh Bình mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng phát triển các khu công nghiệp KCN, CCN thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Ninh Bình
Nhà máy kéo sợi Lam Giang giải quyết được khoảng 450 lao động cho địa phương và đóng góp tích cực cho ngân sách của thành phố Ninh Bình

Thời gian tới, thành phố Ninh Bình sẽ bám sát quy hoạch phát triển của Tỉnh Ninh Bình để phát triển kinh tế- xã hội. Tỉnh tiếp tục xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong tương lai, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghiệp, góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo dựng thương hiệu của ngành công nghiệp thành phố, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ cho đông đảo lực lượng lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân địa phương.

Minh Huế