Có thể thấy, các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận những năm qua đã sử dụng nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ đúng mục đích, đúng chế độ chính sách, cũng như đúng quy định về hoạt động khuyến công, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển sản xuất kinh doanh.
Năm 2024, là năm đầu có sự thay đổi về đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến công trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (Công tác khuyến công được chuyển về Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận). Với sự thay đổi trên, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan hoàn thiện các đề án chi tiết trình Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận thẩm định, trình UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt, với tổng kinh phí tạm giao 630 triệu đồng với 7 đề án. Trong đó có 04 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiên trong chế biến thủy sản, lâm sản, gia công cơ khí và chế biến táo sấy với tổng kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 485 triệu đồng.
Hộ kinh doanh Trung Tuấn (thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) là 1 trong 4 đơn vị được thụ hưởng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ tại đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến táo sấy” với tổng kinh phí thực hiện đề án là 290 triệu đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 130 triệu đồng (chiếm 44,82%); kinh phí đối ứng của Hộ kinh doanh Trung Tuấn là 160 triệu đồng (chiếm 55,18%). Máy móc mới 100%, Hộ kinh doanh Trung Tuấn đưa vào ứng dụng trong sản xuất táo gồm: 01 Máy sấy táo lưới ngang, năng suất 300-400 kg/mẻ, xuất xứ từ Việt Nam.
Ông Phan Ngọc Tuấn - Chủ Hộ kinh doanh Trung Tuấn cho biết: Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến táo sấy đã giúp Hộ kinh doanh Trung Tuấn tăng năng suất gấp 02 lần so với sản xuất máy móc thiết bị cũ, chất lượng được nâng cao, giữ được hương vị và màu sắc tự nhiên, giảm chi phí công lao động, cải thiện hiệu quả công việc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạ giá thành, từ đó đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, theo đó mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cùng với đó, là đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, gia công cơ khí” tại Hộ kinh doanh Phan Thị Hồng (TN 93 Thống Nhất, phường Đạo Long, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), với kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ 140 triệu đồng. Sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ Hộ kinh doanh Phan Thị Hồng đã mạnh dạn đầu tư mới 100%: 01 Máy uốn ba trục thủy lực, công suất 3 pha x 2.2kw; 01 Máy uốn một trục, công suất: 3 pha x 2.2kw.
Bà Phan Thị Hồng - Chủ Hộ kinh doanh Phan Thị Hồng vui vẻ nói: Máy móc, thiết bị đi vào hoạt động đã giúp Hộ kinh doanh Phan Thị Hồng, tăng năng suất gấp 04 lần so với sản xuất máy móc thiết bị cũ, điều chỉnh tự động nên độ chính xác cao, sản phẩm không bị lỗi sai số, uốn được các loại sắt có kích thước lớn và hình dạng phức tạp hơn sắt V, sắt U,… Đồng thời, đảm bảo an toàn cho người lao động, hạ giá thành, từ đó đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ông Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến mới, hiện đại trong sản xuất, áp dụng công nghệ thiết bị vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm sau chế biến, qua đó giúp các cơ sở sản xuất nâng cao năng lực, mang lại hiệu quả cao và tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, mang lại hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế CNNT tại các địa phương theo hướng bền vững.
Đánh giá về việc triển khai chương trình, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh, bà Phan Thị Ánh Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết: Các chương trình, đề án khuyến công đã bám sát với tình hình thực tế, nhu cầu thiết thực của các cơ sở CNNT, thông qua các đề án khuyến công đã hỗ trợ các hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), làng nghề, sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh, sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh, sản phẩm truyền thống,.. Bên cạnh đó, trong công tác triển khai thực hiện, cán bộ thực hiện công tác khuyến công đúc kết được nhiều kinh nghiệm, trình độ chuyên môn quản lý từng bước được nâng lên, kết quả xây dựng triển khai các đề án khuyến công quy mô lớn, lan tỏa rộng tác động thúc đẩy phát triển CN-TTCN của tỉnh. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh và tạo ra sản phẩm mới, giá trị gia tăng, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên phạm vi cả nước và xuất khẩu, đóng góp một phần vào giá trị xuất khẩu của tỉnh Ninh Thuận.