Cả hệ thống chính trị vào cuộc
CPTPP là hiệp định đầu tiên sau WTO đòi hỏi Việt Nam phải triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi cam kết ở phạm vi rộng nhất. Để chuẩn bị cho việc phê chuẩn và triển khai thực thi CPTPP, Việt Nam đã tiến hành một đợt rà soát để đánh giá tác động của các cam kết CPTPP với hệ thống pháp luật Việt Nam, qua đó xác định các văn bản, quy định pháp luật cụ thể phải được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới nhằm thực thi CPTPP.
Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các luật, pháp luật, nghị định đang có hiệu lực (tại thời điểm 30/4/2018) với các cam kết CPTPP. Đã có tổng cộng 265 văn bản được rà soát, bao gồm 56 luật, 4 pháp lệnh, 186 nghị định, 2 nghị quyết của Quốc hội, 2 nghị quyết của Chính phủ, 1 nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao và 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ .
Sau khi rà soát, đưa ra 7 Luật, 6 Nghị định và 6 Thông tư cần được sửa đổi hoặc xây dựng mới. Cụ thể là: Xây dựng Luật sửa đổi một số Luật để thực thi Hiệp định CPTPP. Các Luật được sửa đổi gồm có: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Bộ luật Lao động năm 2012; Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Một số Nghị định, Thông tư cần xây dựng mới: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh 2018; Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khi thực hiện Hiệp định CPTPP; Nghị định hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP; Thông tư quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP…
Ở địa phương, chỉ sau 1 năm thực thi CPTPP thì có hơn 460 văn bản pháp luật ở cấp tỉnh, thành phố đã được sửa đổi, ban hành. Dù trong đó có một số văn bản không nói đích danh đến CPTPP nhưng đã có những nội dung đề cập đến CPTPP.
Những con số trên cho thấy, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc rà soát các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo tương thích với Hiệp định CPTPP. Việt Nam đã thực sự quyết tâm đảm bảo hệ thống pháp luật sau khi gia nhập CPTPP là tương thích với Hiệp định này.
Hài hòa lợi ích quốc gia - cam kết quốc tế
Ngày 24/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan sửa đổi: Luật An toàn thực phẩm 2010; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010; và Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Việc sửa đổi các luật này đã giúp hệ thống văn bản pháp luật trong nước tương thích với các quy định, cam kết trong thực thi CPTPP, đồng thời, việc lựa chọn định hướng chính sách, cũng như công tác tổng hợp, thu thập đầy đủ các thông tin nhiều chiều về tất cả các khía cạnh liên quan tới quy định (cả về pháp lý và thực tiễn, cả tổng kết thực tiễn trong nước và các xu hướng thế giới)… đã được xử lý một cách nghiêm túc, cẩn trọng.
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều,bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019. Trong đó, các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); chia các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe; bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.
Bên cạnh đó, về nội dung doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Luật sửa đổi đã mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đã kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật có từ trước; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng; bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế, các FTAs mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, sửa đổi Điều 35 liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thông tin quản lý quyền v.v… để phù hợp với cam kết quốc tế. Hay sửa đổi khoản 1 Điều 72, bổ sung nội dung bảo hộ nhãn hiệu âm thanh nhằm thi hành nghĩa vụ tại Điều 18.18 Hiệp định CPTPP về loại dấu hiệu có thể đăng ký làm nhãn hiệu, v.v…
Việc nội luật hóa các văn bản pháp luật trong nước không chỉ nhằm đảm hài hòa lợi ích quốc gia và sự tương thích với các cam kết quốc tế trong thực thi các FTAs, mà còn đáp ứng các yêu cầu của đối tượng chịu tác động chỉnh sửa luật, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ dễ bị tác động từ các vướng mắc trong thực thi các FTAs.
[Quảng cáo]