Nỗi niềm mùa thi

Tháng 6 đã đến, ở mọi cấp học, học sinh và cả phụ huynh đều chuẩn bị bước vào một “mùa thi” nóng bỏng, căng thẳng. ở bậc tiểu học là cuộc... “thi chạy” vào trường điểm. Tiếp đó, các em học sinh THCS s

                              Mẹ ơi, con muốn ngủ...

                Đó là câu nói mà chúng tôi tình cờ nghe được khi đi ngang qua cổng trường tiểu học TL (Hà Nội). 5h15 chiều, cậu bé nọ đeo chiếc cặp to như tấm phản sau lưng, lững thững bước ra. Phía sau cặp kính cận dày, đôi mắt cậu bé như chỉ muốn díp vào. Trèo lên sau xe, cu cậu chỉ kịp nói mỗi một câu: Mẹ ơi, con muốn ngủ... rồi gục vào lưng mẹ làm một giấc ngon lành, mặc cho chiếc xe vẫn chạy, mặc tiếng ồn ào xung quanh. Cảnh tượng này khá phổ biến sau những giờ tan học. Phải nói thêm rằng, TL là một trường tiểu học thuộc loại trường điểm của Thành phố Hà Nội. Để con cái được vào học tại đây, phụ huynh của các em phải mất rất nhiều tiền của, thời gian và công sức. Chị Lê Hoa ở khu tập thể C3 Thanh Xuân Bắc cho biết: con gái của chị năm nay vào lớp 1, để con học trường điểm trái tuyến, vợ chồng chị đã phải chạy chọt khắp các “cửa”, săn đón, quà cáp cho thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó hết gần 7 triệu đồng. Vậy mà con chị vẫn chỉ học ở “lớp thường”. Theo lệ các trường, mỗi giáo viên sẽ có vài suất trái tuyến dành cho người thân. Các suất còn lại do lãnh đạo nhà trường quyết định. Tuy đến đầu tháng 7, các trường mới nhận hồ sơ tuyển sinh, nhưng từ trước đó hàng tháng, các suất trái tuyến hầu như đã có chủ. Theo các bậc phụ huynh, “giá” để vào các trường điểm bậc Trung học còn cao hơn rất nhiều. Bởi cấp học càng cao thì càng “gần” cổng trường Đại học - cái đích mà tất cả đều mong muốn. Hiện tượng “chạy trường điểm” làm các em vất vả khi phải đi học xa, trái tuyến. Phụ huynh thì tốn kém, mệt mỏi và ngay cả thầy cô cũng hết sức khó xử, phiền hà. Cô Hạnh Sương, giáo viên trường tiểu học T.L than thở: “Bạn bè, họ hàng đều nhờ mình xin cho con cái họ vào học. Nhận thì không được, mà từ chối thì mất lòng nhau”. Rồi Sương kể thêm: “Cô hiệu trưởng của mình mới thật sự khổ, suốt ngày lo nơm nớp, không dám nghe điện thoại số lạ, đi làm về là đóng cửa kín mít, chẳng dám tiếp khách nữa”. Có một thực tế đáng lo ngại là hiện nay, tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh liên quan đến học đường như cận thị, vẹo cột sống... tăng cao. Nguyên nhân chính của tình trạng này là các em phải học hành quá nhiều. Ngày nào đến lớp cũng phải đeo trên lưng một đống sách vở nặng trĩu. Nhiều trường vì chạy theo thành tích mà đề ra những quy định khắt khe, bắt học sinh học thêm quá sức. Ngoài việc học chính khóa ở trường, các em còn phải “nhồi nhét” rất nhiều kiến thức vi tính, ngoại ngữ, nhạc họa... thời gian nghỉ ngơi thường cũng chỉ ở dạng “chơi mà học”... những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bình thường của trẻ.

                Cả nhà cùng thức.

                Năm nay, chị Kim Hằng ở khu đô thị mới Định Công, có hai cậu con trai đều sắp bước vào những kỳ thi quan trọng: Đứa lớn đăng ký thi Đại học Ngoại thương, đứa bé thi vào THPT Dân lập Lương Thế Vinh. Mấy hôm nay nắng nóng, đêm nào hai đứa cũng đánh trần, nằm bò ra sàn nhà mà học cho đến tận 4-5 giờ sáng hôm sau mới chợp mắt một chút, rồi lại ôm cặp đến trường. Thương con, hai vợ chồng chị cũng thức cùng, người pha nước, nấu mì, người thì lọ mọ từ tầng 7 xuống đất mua kem, mua mía. Tất cả vì một mục tiêu duy nhất: các con phải đỗ đạt.

                Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều môn thiên về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Sinh... khiến nhiều sĩ tử học lệch khá vất vả. Tuy nhiên kỳ thi Đại học, thử thách quan trọng nhất chỉ thực sự bắt đầu sau khi thi tốt nghiệp chưa đầy một tháng. Quãng thời gian đó mới đủ để các em xem xét lại khái quát các kiến thức đã học mà thôi. Cho đến thời điểm này, các lò luyện thi vẫn khá vắng vẻ. Đây là điểm khác biệt, so với những mùa hè trước. Dường như nguyên tắc “3 chung” của Bộ GD-ĐT đưa ra đã thực sự phát huy tác dụng. Các thí sinh yên tâm hơn với kiến thức cơ bản của mình, không phải đổ xô đến “lò” ở các trường Đại học lớn với hy vọng “ôn trúng thầy, thi trúng đề”. Đó là dấu hiệu đáng mừng của mùa thi năm nay bởi bớt đi các lò luyện thi cũng có nghĩa là giảm bớt sự nóng nực, mệt mỏi cho các em.

                Dù muốn hay không thì chuyện thi cử vẫn là điều tất yếu đối với mỗi học sinh khi muốn vượt qua một khóa, một cấp học. Chỉ có điều, xã hội chúng ta cần phải điều chỉnh làm sao để giảm bớt sức ép học hành thi cử, mà vẫn đảm bảo kiến thức cho các em. Một mùa thi nữa lại đến, xin chúc tất cả các em thành công!

  • Tags: