Sức mạnh của “phái yếu”
Được sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Công ty đã có nhiều giải pháp cải thiện điều kiện làm việc cho nữ lao động, luôn đảm bảo sự hài hoà tương đối trong việc sắp xếp việc làm cho nữ lao động giữa lao động trực tiếp và lao động gián tiếp, giữa năng lực, trình độ và sức khoẻ. Những chị em có kiến thức và năng lực công tác tốt đều được giao nhiệm vụ tương ứng. Những chị em có trình độ và kinh nghiệm về công tác đoàn thể, công tác Đảng và có tinh thần trách nhiệm đã được tập thể tín nhiệm bầu vào cấp ủy Đảng, Ban chấp hành Công đoàn. Kết quả là trong số 80 nữ lao động hiện đang công tác tại Công ty có: 02 chị là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công ty; 09 chị là cán bộ chủ chốt của Công ty; 05 chị là ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Công ty; 10 chị là Chủ tịch Công đoàn bộ phận trực thuộc.
Để phong trào nữ công từ các Công đoàn bộ phận đến Công đoàn Công ty duy trì và phát triển đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, công tác vận động chị em tham gia hưởng ứng các hoạt động do Công ty đề ra là việc làm cần thiết và thường xuyên. Công đoàn Công ty đã quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức về mọi mặt cho nữ CNVCLĐ bằng nhiều hình thức. Điển hình như trang bị cho các Công đoàn bộ phận các tài liệu, văn bản của Nhà nước về chế độ chính sách, quy chế của Công ty trong lĩnh vực quản lý để chị em tự nghiên cứu hoặc tổ chức sinh hoạt tập trung, nghe nói chuyện về các chuyên đề về phụ nữ, giới tính... nhân dịp họp mặt kỷ niệm các ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10 để chị em tâm sự, mạn đàm, đề xuất những ý kiến, biện pháp giúp cho hoạt động Công ty ngày càng phát triên và nhằm cải thiện về sức khoẻ và giải trí sau những ngày làm việc vất vả. Mỗi lần tổ chức đi xa, các chị lại có thêm điều kiện gần gũi nhau hơn, thông cảm với hoàn cảnh của nhau, qua đó tinh thần đoàn kết của các chị được gắn bó hơn, cùng giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ Công ty giao cũng như các công việc riêng của mỗi người.
Mỗi năm đâu chỉ một 8/3
Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" đã được nữ CNVCLĐ Công ty CP Kim khí Hà Nội - VNSTEEL hưởng ứng đã đạt được những kết quả nhất định như: Công ty đã có những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua “giỏi việc nước”, có chị được nhận bằng khen của Công đoàn Công Thương, bằng khen của Công đoàn Tổng công ty và nhiều chị nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực phấn đấu của đại đa số nữ lao động Công ty vẫn còn một số ít nữ lao động thiếu tinh thần phấn đấu, mang tư tưởng tự ti, an phận.
Không chỉ “giỏi việc nước”, nữ CNVLĐ Công ty luôn nỗ lực trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Công đoàn Công ty đã vận động chị em xây dựng gia đình ấm no, hoà thuận, bình đẳng, hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan học giỏi, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia phòng chống tệ nạn xã hội. Biết lắng nghe, học hỏi lẫn nhau để giáo dục con ngoan, sống hiếu thảo, hướng cho con mình phải học tập tốt ngay từ khi còn nhỏ nên nhiều chị đã có cả 2 con đạt thành tích cao trong học tập, đạt giải cấp Thành phố, Quốc gia.
Nữ CBCNVLĐ Công ty đã sống đoàn kết, nhân ái, quan tâm tới mọi người trong cộng đồng tại nơi làm việc, nơi sinh sống và trong xã hội. Bao dung độ lượng, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh thiệt thòi của bản thân để tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần cho chồng con tập trung công tác và học hành. Không ít chị em cũng có lúc phải đi công tác xa nhà, nhưng các chị đã khéo léo thu xếp công việc một cách hài hoà để vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao vừa đảm bảo công việc gia đình, xứng đáng là dâu hiền, vợ đảm.
Chia sẻ một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng phong trào thi đua 2 giỏi
Một là: Kiện toàn và bồi dưỡng đội ngũ làm công tác nữ công: cần quan tâm đến việc chọn cán bộ phải có tinh thần trách nhiệm, chịu thương, chịu khó, nhiệt tình, có tâm huyết với công tác được giao, là trung tâm đoàn kết và luôn lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng chính đáng từ chị em.
Hai là: Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong chị em: Ban nữ công phải gần gũi và thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em; kịp thời phản ánh những trường họp khó khăn, đột xuất với Chuyên môn, Ban chấp hành Công đoàn để được hỗ trợ giúp đỡ, tạo động lực cho chị em phấn đấu vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ba là: Xây dựng chương trình hoạt động và dự trù kinh phí ngay từ đầu năm, tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí từ Chuyên môn để tổ chức các hoạt động, phong trào nhằm tạo sân chơi cho chị em nữ trong những giờ làm việc căng thẳng, mệt nhọc. Nội dung sinh hoạt phải cô đọng, phong phú, sinh động, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, quan tâm đến những vấn đề thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của các chị em như: vấn đề tiền lương, tiền thưởng, BHYT, BHXH, chế độ làm thêm giờ, đào tạo, đề bạt, thi đua khen thưởng...
Bốn là: Ban Chấp hành Công đoàn phối hợp với Chuyên môn tạo điều kiện cho chị em nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng hoạt động. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, người phụ nữ nói chung và nữ CNVLĐ nói riêng gánh trên vai rất nhiều chức năng và trách nhiệm: người mẹ hiện đại, người công dân tốt, người vợ hiền - đảm đang, người cán bộ CNV tài năng, lao động giỏi... để dung hòa các trách nhiệm trên đòi hỏi mỗi nữ CNVLĐ phải tự trang bị cho mình những kiến thức, vận dụng một cách sáng tạo, đổi mới, sinh hoạt, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.