OCB và IFC ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh

Vừa qua, Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) chính thức ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ và doanh nghiệp SME, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả cho ngân hàng, khách hàng, xã hội.

Theo đó, IFC với sự hỗ trợ của chính phủ Australia và Thụy Sỹ, sẽ hỗ trợ OCB thực hiện hành trình chuyển đổi xanh, đồng thời tăng cường năng lực dịch vụ ngân hàng số dành cho các doanh nghiệp SME và bán lẻ. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu mà còn mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhóm doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Mối quan hệ hợp tác giữa OCB – IFC đã được thiết lập từ năm 2011 thông qua nhiều chương trình. OCB được đánh giá cao bởi tính minh bạch, tốc độ xử lý nhanh về dịch vụ và chính xác trong các nghiệp vụ tài trợ thương mại. Gần đây nhất, vào tháng 3/2023, ngân hàng đã nhận thêm khoản vay 100 triệu USD từ IFC, với kỳ hạn 5 năm nhằm mở rộng cho vay doanh nghiệp SME tại Việt Nam. Năm 2021, OCB được IFC bình chọn là "Ngân hàng chuyên nghiệp nhất trong hoạt động tài trợ thương mại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương",  ghi nhận những nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm và nâng tầm dịch vụ của ngân hàng.

OCB và IFC

Đại diện OCB và IFC thực hiện ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số

Là một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới – IFC hiện là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân.

“Trong bối cảnh Việt Nam cần  dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng giá trị cao và  ít phát thải carbon,  khí hậu và phát triển bền vững là trọng tâm của các hoạt động của IFC tại đây. Chương trình hợp tác mới với OCB là một phần trong nỗ lực của chúng tôi giúp xanh hóa khu vực tài chính nhằm hướng nguồn vốn đến các dự án khí hậu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng các cơ hội kinh doanh, việc làm và nâng cao mức sống,” ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào cho biết.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, “Ngân hàng đã xây dựng các chuẩn mực xanh trong hoạt động từ nhiều năm trước, nhưng trong năm 2024, chúng tôi quyết định đưa các nội dung này thành chiến lược tổng thể, xây dựng dựa trên 3 trụ cột: môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để điều chỉnh tất cả các sản phẩm OCB đưa ra thị trường, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn trong quản trị, quản lý nội bộ trong ngân hàng. Sự hợp tác chiến lược lần này giữa OCB và IFC đã khẳng định mạnh mẽ cam kết của ngân hàng trong việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững một cách hiệu quả, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng xanh tiên phong tại Việt Nam, góp phần xây dựng một tương lai xanh và thịnh vượng”.

OCB

Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB chia sẻ về mục tiêu đưa OCB trở thành ngân hàng xanh đầu tiên tại Việt Nam

Ngay từ năm 2012, OCB đã từng bước xây dựng và hoàn thiện khung chính sách tín dụng xanh, hệ thống quản lý rủi ro MT&XH làm cơ sở cho các hoạt động của ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Với hệ thống quản lý rủi ro MT&XH, OCB đã cụ thể hóa được vai trò của mình như đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số. Ngay cả trong hoạt động quản lý nội bộ cũng được điều chỉnh theo hướng thân thiện hơn với môi trường thông qua việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh hoạt động trực tuyến, số hóa hầu hết các quy trình... nhằm giảm thiểu các công việc liên quan đến giấy tờ, văn phòng phẩm và tiêu thụ năng lượng.

Ngân hàng hiện đã và đang đẩy mạnh mảng tín dụng xanh, với đà tăng trưởng tích cực về quy mô nguồn vốn, hỗ trợ khách hàng có hoạt động kinh doanh bền vững. Áp dụng chương trình phê duyệt tín dụng chuyên biệt với tốc độ xử lý hồ sơ, giải ngân ưu tiên và lãi suất ưu đãi đối với khách hàng đầu tư trong các nhóm ngành năng lượng tái tạo; Công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả và nhóm ngành nông nghiệp bền vững.

OCB cũng xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng cụ thể cho những dự án tài chính vi mô (như sản phẩm cho vay nông nghiệp nông thôn, sản phẩm cho vay phát triển điện mặt trời áp mái) để đảm bảo sự đồng bộ trong thủ tục, nhanh chóng trong thời gian xét duyệt và giải ngân cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, với sự trợ lực từ các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là IFC, OCB đã không ngừng mở rộng danh mục cho vay đối với các dự án phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực xã hội và khí hậu đủ điều kiện. Quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8-10% trên tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn ngân hàng. Trong khi đó, đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Huy Tưởng