Đèo Long Lanh, còn được gọi với nhiều tên khác như đèo Omega hay đèo Khánh Lê, đèo Hòn Giao hoặc đèo Bidoup. Đèo Long Lanh chạy qua Lạc Dương, một huyện nhỏ của tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm Đà Lạt hơn 50km.
Chuyện kể rằng trước đây có đoàn đi khảo sát cung đường nối thành phố hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) với thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa). Từ những cánh rừng âm u đại ngàn, sau một đêm ngủ trong lều, sáng thức giấc, họ nhìn thấy những giọt sương trong nắng sớm đẹp hơn nhiều nơi khác, họ gọi đó là “cung đường long lanh”.
Đèo Long Lanh dài 30 km xuyên qua dãy núi Lang Biang và Vườn quốc gia Bidoup. Xã Đạ Chais nơi con đèo “trườn” qua là có diện tích rộng (341,04 km2) gần bằng một nửa diện tích tỉnh Bắc Ninh (823,1 km2) và là một xã tiếp giáp với ba tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Đất rộng, ít người sinh sống nên không khí trong lành. Ở đây có nhiều loại gỗ quý nhưng có một loại cây cần phải nhắc đến đó là cây gió cho trầm hương. Với nhiều người trước làm nghề tìm trầm, họ không lạ với những cánh rừng nơi đây. Nếu tiếp cận được và thật sự thân tình, họ sẽ tiết lộ cho bạn vài bí quyết như nghe tiếng chim kêu trong đêm để đoán vị trí của cây gió. Và sáng hôm sau, họ sẽ đi theo tiếng chim hót đêm qua tìm đến khu vực có trầm.
Đường đèo này có thể được xem là chặng đường mới nhất và non trẻ nhất so với những cung đường đèo khác. Có chiều dài khoảng 30km và cũng có những khúc quanh khúc khuỷu, song nhờ đường mới, mặt đường khá bằng phẳng, độ dốc nghiêng không gắt, đã làm cho Đèo Long Lanh trở thành cung đường chinh phục khá nhẹ nhàng và dễ thở cho du khách hành khách từ Nha Trang đến Đà Lạt.
Khu vực đỉnh đèo cao đến 1.700m so với mực nước biển nên đi vào buổi sáng sớm sẽ thấy sương mờ giăng lối, long lanh dưới ánh nắng tờ mờ, nhàn nhạt. Đây là tuyến đường nhanh và thuận tiện nhất để di chuyển từ Nha Trang đến với Đà Lạt.
Đường đèo Long Lanh bắt đầu ở đoạn cánh rừng thông đẹp trải dài, để chinh phục đèo bạn nên đi với vận tốc 20km/giờ. Khi đổ đèo bạn phải vững tay lái vì những đoạn dốc bắt đầu xuất hiện sương mù, có những đoạn cua gấp. Độ cao của đèo sẽ tăng dần từ khoảng 1000m đến 1500m rồi lên đến đỉnh khoảng 1700m.
Rồi công cuộc đổ đèo rơi từ khoảng 1700m xuống khoảng 500m như đang chơi trò chơi tàu lượn, trò yêu thích của những bạn thích cảm giác mạnh, trò chơi này không dành cho những ai yếu tim.
Quang cảnh dọc theo Đèo Long Lanh đẹp tuyệt vời. Nếu như đèo Mimosa đẹp đặc trưng với loài hoa mimosa kiêu sa, đèo Sông Pha nổi bật với những hàng cây cổ thụ, đèo Dran ấn tượng với những hàng dã quỳ vàng rực và mai anh đào dịu dàng hồng phấn, thì Đèo Long Lanh óng ánh với những giọt sương mai tan dần theo nắng lên, rồi đượm 7 sắc khi hoàng hôn buông xuống.
Nếu qua đèo buổi sáng, du khách như có thể tay chạm sương mai, đầu chạm mây bồng bềnh ở lưng chừng và nơi đỉnh đèo. Và khi qua đèo lúc chiều buông, quyện trong màn sương mỏng là khói lam chiều đâu đó mang đầy hương của phố núi, vần vũ rồi biến mất trong ánh hoàng hôn nhẹ nhàng ấm áp của cao nguyên bình yên.
Rất hiếm khi được ngắm sương phủ trên bạt ngàn đồi núi, cũng không dễ dàng có những khoảnh khắc ngắm mặt trời lên hay đổ bóng, mà vẫn còn đâu đó những giọt sương lấp lánh, còn đọng lại trên cây cỏ đầy vương vấn. Và cũng thật khó để có những giây phút tâm hồn như được tháo gỡ khỏi những chật chội của bao xô bồ tấp nập, hay được thay thế vào đó với những khoảng trống nhẹ lâng tinh khiết. Nhưng một lần chinh phục Đèo Long Lanh, chắc chắn bất cứ ai cũng nhận được đầy đủ những trải nghiệm ấy, những trải nghiệm vừa thi vị vừa mong manh quý giá không gì đánh đổi được.