Đến với Công ty Cổ phần Thăng Long vào thời gian này giống như lạc vào trong “Thời đại công nghiệp” của Charles Chaplin. Từ trong xưởng sản xuất đến nhà kho, sân bãi... mỗi người một việc, nhanh chóng và thuần thục đến chóng mặt để những chai vang có chất lượng tuyệt hảo ra lò. Hương thơm của men rượu lan toả trong không gian, dường như có thể làm say bất kỳ người nào đến với Công ty, giống như lời bài hát “Em cất lời ca vang Thăng Long” của nhạc sĩ Huy Thục: “Men đất, men trời, men cuộc đời, đậm đà hương sắc ấm đôi môi”... “say tình say nghĩa men lắng đọng, ủ kín hương lòng thoả nỗi mong. Nhớ Hà Nội, nhớ vang Thăng Long”... “giọt vang Thăng Long màu nâu tươi sáng, dịu dàng để anh say”...
Từ trong gian khó...
Để có được kết quả trên, dường như không một người công nhân nào đã từng gắn bó với Công ty có thể quên được những ngày gian khó trước đây. Cũng giống như nhiều cơ sở sản xuất trong thời gian bao cấp, Xí nghiệp Rượu - nước giải khát dường như bắt đầu đi lên từ con số không: không nhà xưởng, không nơi làm việc, thậm chí trong năm có những thời gian công nhân không có việc làm. Dãy nhà xưởng cấp 4 vừa là nơi sản xuất, vừa là kho bãi, vừa là nơi nghỉ trưa của công nhân đã hết hạn sử dụng từ lâu. Gọi là nhà cho oai, chứ mái nhà đôi chỗ đã nát, gạch ngói vỡ, tường nứt, lở linh tinh... Con đường vào Xí nghiệp làm bằng đất, trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội. Nhiều hôm trời mưa, xe chở hàng cứ chết dí một chỗ vì sa lầy. Đám công nhân lại phải hò nhau ra đẩy đít xe. Ngay đến nơi làm việc của Ban Giám đốc Xí nghiệp cũng ké tạm đầu hồi nhà ăn của công nhân. Khổ vậy, nhưng những người công nhân vẫn cứ hăng hái làm việc, không kêu ca, phàn nàn.
Bấy giờ sản xuất chủ yếu bằng thủ công (tính lương theo sản phẩm), nhỏ lẻ nên thường gần đến Tết, công nhân mới có việc làm. Đồng lương của 6 tháng gần Tết ấy “nuôi miệng” trong cả năm. Với đồng lương “ba cọc, ba đồng”, nhiều tháng thay nhau nghỉ việc, các gia đình công nhân thường rất vất vả. Ông Phạm Bang Ngạn - Giám đốc Công ty tâm sự: “Thời gian đó, nhìn vào nhà ăn (cấp 4) tiêu điều của công nhân vắng hoe mà lòng tôi sót xa và quặn đau. Thương công nhân lắm chứ!”. Đã vậy, đến năm 1991, Nhà nước có quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho các sản phẩm rượu từ 15% lên 50% thì gần như Xí nghiệp “chết hẳn”, không còn sản xuất được nữa. Giá thành sản phẩm tăng vọt, không ai còn có thể mua nổi một sản phẩm vang Thăng Long. Chính những điều này đã thúc đẩy ông Ngạn tìm hướng đi mới cho Xí nghiệp với 50 công nhân. Xí nghiệp quay sang sản xuất nước giải khát như nước cam, chanh, dâu, nho, xirô... nhưng chỉ mang tính cầm chừng và tạo thêm thu nhập cho người lao động. Những người công nhân phải trực tiếp đưa hàng đi mời chào và tiêu thụ ngoài thị trường. Nhưng sản phẩm nước giải khát “non trẻ” ấy ngay lập tức gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các loại sản phẩm cùng loại trên thị trường. Lại không bán được hàng, đóng cửa sản xuất nước giải khát, công nhân bị ảnh hưởng nặng đến thu nhập. Trăn trở mãi, ông Ngạn quyết định tìm mọi cách để xin được giảm thuế cho sản phẩm vang. Vì ông nghĩ, có như vậy công nhân Xí nghiệp mới có cơ hội được sản xuất “giọt vang Thăng Long màu nâu tươi sáng” (lời bài hát của nhạc sĩ Huy Thục). Thời gian đó, nhiều người đã gọi ông Ngạn là một giám đốc điên, Nhà nước đã có luật mà đòi đổi thay. Kiên trì, có lý lẽ và quan trọng là biết kiến nghị với Đảng, Chính phủ và Quốc hội đúng luật, ông Ngạn đã làm đơn giải trình vấn đề gửi tới nhiều đại biểu Quốc hội. Ông còn nhớ như in cái buổi Quốc hội đem vấn đề thuế có liên quan đến Xí nghiệp của ông ra bàn bạc, ông lo lắng và đứng ngồi không yên. Đến khi thuế suất được giảm từ 50% xuống còn 20%, ông vẫn không tin đó là sự thật. Thế là chính từ việc “cỏn con” của Xí nghiệp Vang Thăng Long mà các nhà hoạch định chiến lược, các nhà làm luật có căn cứ để xây dựng chính sách thuế chung cho ngành sản xuất rượu. Khi đã có chính sách thuế thông thoáng, kết hợp với việc áp dụng đề tài khoa học sử dụng quả táo mèo (sơn trà) vào sản xuất vang, nên đã mở đường cho Công ty phát triển nhanh. Năm 1991, Xí nghiệp sản xuất 190 ngàn lít, 1992: 530 ngàn lít, 1993: 1 triệu lít, 1994: 2 triệu lít, năm 1995: 4 triệu lít... Đến năm 1996, Công ty quyết định xây dựng lại cơ ngơi, nhà xưởng sản xuất. Năm 1998, Công ty tiếp tục đầu tư, thay đổi từng phần dây chuyền sản xuất. Mở đầu bằng việc thay thế hàng trăm tank (bồn chứa) bằng inốc đặt đứng cho những bồn chứa nằm ngang lạc hậu bằng sắt đã hoen gỉ theo thời gian. Điều này đã phần nào cải thiện được chất lượng men rượu ủ. Tiếp đến, Công ty vay vốn của Ngân hàng Đầu tư, trang bị lại hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại như hệ thống chiết chai của Pháp, dây chuyền rửa chai tự động của ý, máy dán nhãn của Đức và máy lọc của Thuỹ Sĩ... với công suất 7.000 chai/giờ và 5 triệu lít/năm. Ngoài ra, Công ty chú trọng xây dựng phòng hoá sinh làm nhiệm vụ nghiên cứu sản phẩm mới hàng năm, kiểm tra chất lượng từng sản phẩm trước khi xuất xưởng. Đáng chú ý, sau khi tiến hành cổ phần hoá (năm 2001-2003), Công ty càng có điều kiện đầu tư vào hiện đại hoá sản xuất bằng chính nguồn vốn và sức lao động của công nhân. Ông Ngạn tỏ ra vui mừng tâm sự: “Trước đây, không có vốn, không thể nhập trang thiết bị mới. Vay ngân hàng, trả lãi, thế chấp nhưng vẫn không đủ. Nay thì khác, vốn của các cổ đông và doanh nghiệp, cùng nhau xoay xở, đầu tư, phát triển. Hiện nay, vốn vay ngân hàng mua hệ thống công nghệ hiện đại trên, Công ty đã trả gần hết. Như vậy, tất cả thuộc về anh em công nhân - các cổ đông”.
...Vươn mình đứng lên
Điều quan trọng nhất khiến Vang Thăng Long đứng được trên thị trường chính là chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố then chốt để Vang Thăng Long ngày càng đi vào lòng người tiêu dùng. Khác với sản xuất bia và các loại rượu chưng cất khác, nguyên liệu vang Thăng Long không nhập ngoại, không dùng lương thực thiết yếu như gạo, ngô, khoai, sắn mà được chiết xuất và lên men từ các loại quả đặc sản trong nước như táo mèo (sơn trà), mơ, nho, dâu, vải... Vang Thăng Long thật sự khác biệt khi mang một hương liệu tự nhiên của những hoa quả vùng nhiệt đới. Có lẽ đây là điều đặc biệt, gây sự chú ý của khách quốc tế, để họ lựa chọn sản phẩm Vang Thăng Long trong bạt ngàn các nhãn mác rượu phong phú trên thị trường. Trong những năm gần đây, sản phẩm Vang Thăng Long đã có hướng đưa ra nước ngoài. Đối với thị trường nội địa, Công ty luôn giữ vững các mối quan hệ bạn hàng truyền thống ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, miền Trung. Hiện giờ, Công ty đang dần hình thành và đặt mối quan hệ tiêu thụ sản phẩm đối với các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên, các tỉnh biên giới Việt Trung, nhằm tạo tiền đề xúc tiến mở rộng thị trường sang Trung Quốc.
“Không có lĩnh vực nào đòi hỏi sáng tạo bằng phương pháp cách mạng” làm phương châm hoạt động, Công ty đã sớm xác định cho mình một hướng phát triển lâu dài và trước mắt, cụ thể bằng việc triển khai chiến lược phát triển sản phẩm đến năm 2010. Thực hiện đa dạng hoá sản phẩm, với hơn 10 loại sản phẩm (có 20 loại mặt hàng) trong đó bước đầu sản xuất thử nghiệm vang chát và rượu mạnh. Theo Giám đốc Phạm Bang Ngạn, trước đây, vang truyền thống có chất liệu ngọt, dễ uống có thể đáp ứng được đông đảo người tiêu dùng. Nhưng nay, Công ty đã quan tâm hơn đến những đối tượng “sành” rượu trong nước bằng việc cải tiến chất lượng vang Thăng Long theo thói quen tiêu dùng quốc tế, tìm hướng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường và xuất khẩu. Công ty đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào vùng trồng nho đặc chủng ở Bình Thuận và xây dựng nhà máy tại chỗ (Ninh Thuận) với công suất 2 triệu lít/năm.
Nhìn lại những chặng đường đã qua, Vang Thăng Long từ một đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, nghèo nàn, lạc hậu thành một doanh nghiệp hiện đại, cơ giới hoá, tự động hoá sản xuất, với hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO-9001: 2000 về sản xuất kinh doanh, ISO 14000 về quản lý môi trường, HACCP về Vệ sinh an toàn thực phẩm đồ uống). Do đó, doanh thu của Công ty đã tăng 47 lần, nộp ngân sách tăng 33 lần, tổng số vốn tăng 23 lần và thu nhập bình quân tăng 12 lần so với những năm đầu. Vào năm 1990, doanh thu của Công ty mới là 1,6 tỷ đồng nay đã là 71 tỷ đồng (2003) và 76 tỷ đồng (2004); nộp ngân sách Nhà nước từ chưa đầy 100 triệu đồng (năm 1989) tăng lên hơn 11 tỷ đồng (2003) và dự kiến là 15 tỷ đồng (năm 2004). Đến nay, số lượng lao động đã tăng thêm hàng trăm người, với thu nhập luôn đứng đầu trong ngành thương mại, bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Từ những kết quả trên, Công ty đã đạt danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Nhằm phát triển thương hiệu “Vang Thăng Long”, toàn Công ty đều có chung tâm huyết lớn là không chỉ sản xuất vang Thăng Long đơn thuần là một sản phẩm đồ uống có cồn, mà thông qua đó, đưa người thưởng lãm có được cảm giác đến với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nghìn năm
Ông giám đốc "Điên" và hành trình cứu công ty vượt qua bờ vực
TCCT
Cách đây chưa lâu, chai vang Thăng Long của Công ty Rượu- Nước giải khát Thăng Long (nay là Cty Cổ phần Thăng Long) được coi là hợp lý trong gói quà Tết hoặc trên bàn tiệc. Thưởng thức vang Thăng Long