Xử lý chè trộn bột đá, xi măng... Cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc

* Trung tâm YTDP tỉnh Yên Bái đã xét nghiệm 11 mẫu chè, phát hiện 8 mẫu chè không đạt tiêu chuẩn về vi sinh và hóa lý. * Trên 10 tấn chè đã bị cơ quan chức năng thu giữ và tiêu hủy, phạt hành chính

Thời gian gần đây, ở các tỉnh phía Bắc - nơi có nhiều vùng đất chè như Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Giang… rộ lên thông tin loại chè có nhiều tạp chất, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua tìm hiểu của phóng viên, thương nhân ở nước ngoài tràn vào thị trường nội địa, thu mua loại chè có chất lượng kém với giá rất cao, người dân thấy lợi, làm liều. Khi thương nhân nước ngoài dừng không mua nữa, chè có nhiều tạp chất trót làm rồi lại đem đi tiêu thụ tại thị trường trong nước. Hậu quả, nhiều thương hiệu chè nổi tiếng bị vạ lây. Các vùng chè nguyên liệu tan hoang.

Chè bẩn “ăn” nguyên liệu

Tại huyện Trấn Yên, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái xuất hiện một số hộ dân, doanh nghiệp sản xuất chè vàng (hay còn gọi chè tăm) đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới vùng nguyên liệu, làm giảm uy tín, thị trường và thương hiệu chè. Theo điều tra, các thương nhân nước ngoài sang thu mua loại chè vàng này với giá khá cao, còn mua như thế nào, mua để làm gì thì người làm chè không hay biết. Loại chè này được sản xuất theo quy trình: sau khi dùng máy, liềm cắt chè không kể phẩm cấp, nguyên liệu được sao qua rồi cho vào cối vò, vò xong đem phơi sương, phơi nắng ở sân bãi gần đường giao thông, nơi không đảm bảo vệ sinh nên lẫn đất, đá, bụi bẩn, một số hộ vì lợi nhuận trước mắt còn trộn cả bột sắn, bột khoai, một số tạp chất vào chè.

Riêng ở huyện Trấn Yên, Yên Bái, các cơ sở chế biến này chỉ trong 2 tháng vừa qua đã ngốn hơn 1.000 tấn chè nguyên liệu. Việc sản xuất chè phi truyền thống này khiến nhiềudoanh nghiệp nằm trên “chảo lửa” bởi nguồn nguyên liệu đang bị thu gom để biến thành chè “bẩn”. Việc sản xuất chè kể trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chè Yên Bái.

Sản xuất chè “bẩn” để làm gì?

Vì sao hơn 2 tháng nay, ở một số vùng chè, đất chè thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang…, làm chè “bẩn” đã bùng phát thành “phong trào” rộng khắp? Câu trả lời rất dễ thấy: Vì làm chè “bẩn” lãi quá! Một nhà sản xuất chè có tiếng ở Yên Bái cho biết: Để có 1kg chè khô sạch phải có 5kg chè búp tươi đúng chuẩn (1 tôm 2 lá hoặc 3 lá). Chè “bẩn” chỉ cần 3kg chè búp tươi, lại không cần chọn 1 tôm 2 lá, 3 lá mà cứ hái bừa 1 tôm 7 lá, 8 lá (tức là búp chè già câng). Một hộ gia đình làm chè “bẩn” chỉ cần bỏ ra 4 - 5 triệu đồng mua máy móc, dụng cụ làm chè là đã trở thành ông chủ, bà chủ của 1 xưởng chè. Và chỉ sau 1 tuần sản xuất chè “bẩn”, họ đã thu hồi toàn bộ vốn. Siêu lợi nhuận như thế nên giờ đây, ở các địa phương đã thành phong trào “nhà nhà làm chè, người người làm chè” (bẩn). Có một điều rất lạ là chè “bẩn” làm ra bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu! Thương lái đổ xô đến tận nhà người làm chè chế biến, chầu chực chờ mua, tranh mua. Chè “bẩn” đóng bao, đóng gói được kìn kìn chở đi.

Xử lý nghiêm 

Ngay sau khi có thông tin về chè “bẩn” đang được lưu hành và sản xuất trong các vùng chè, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Yên Bái đi kiểm tra, xử lý các hộ sản xuất, kinh doanh chè không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được thành lập, trực tiếp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đi kiểm tra cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường.

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Yên Bái là kiên quyết không để xảy ra tình trạng chế biến, tiêu thụ chè kém chất lượng. Các ngành, huyện và người dân cần tích cực đầu tư chăm sóc, thu hái chè đúng phẩm cấp; không phơi chè trên đường, không đưa những chất phụ vào sản xuất chè vì vừa vi phạm trật tự an toàn giao thông vừa vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến chất lượng chè.

Cùng với sự vào cuộc của tỉnh, các huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tất cả các cơ sở chế biến, sản xuất - kinh doanh chè và truy tìm cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù mới đi vào kiểm tra, các cơ quan chức năng đã thu giữ trên 300kg chè không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

BS. Trần Viết Thắng - Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Yên Bái cho biết, đoàn thanh tra liên ngành về ATVSTP thanh tra về sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh có gửi đến Trung tâm YTDP 11 mẫu chè để kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm được thu từ các huyện Trấn Yên và Văn Chấn - 2 vùng sản xuất chè lớn của tỉnh. Trung tâm YTDP tỉnh Yên Bái đã làm xét nghiệm và thấy 8 mẫu chè không đạt tiêu chuẩn: chủ yếu là các chỉ tiêu vi sinh (tổng số bào tử nấm mốc - nấm men vượt tiêu chuẩn cho phép), tiêu chuẩn hóa lý (hàm lượng tro tổng số cao hơn giới hạn cho phép).

Sau khi có kết quả xét nghiệm của Trung tâm YTDP Yên Bái, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái đã cùng các ngành chức năng tổ chức tiêu huỷ 5.000kg chè búp, chè cám khô không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính các doanh nghiệp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm với số tiền trên 56 triệu đồng và tịch thu, tiêu huỷ 7,2 tấn chè. 

Không được dùng loại chè “bẩn”
Ông Đoàn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam VITAS cho biết:
Qua kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện một số người hám lợi có trộn phân lân, bột đá, xi măng, tro trong chè. Thậm chí có nơi còn sử dụng bột quặng. Các chất “phụ gia” trộn lẫn vào chè đều độc hại và loại chè “bẩn” này không thể uống được.

  • Tags: