Vào lúc 10h26 sáng nay (ngày 5/2, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã tăng mạnh 74 cents tương ứng 1,4% lên mức 54,70 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 61 cents tương ứng 1,2% lên 50,22 USD/thùng.
Giá dầu thô có đà tăng tốt chủ yếu nhờ thông tin tổ chức OPEC và các quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh như Nga (khối OPEC+) đang đánh giá tác động của dịch virus Corona đang bùng phát tại Trung Quốc đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu sử dụng dầu thô. Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết các quốc gia khai thác dầu thô có thể đẩy mạnh hơn nữa việc cắt giảm sản lượng khai thác nhằm hỗ trợ giá dầu thô.
Trước đó, trong tháng 12/2019, khối OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác 1,7 triệu thùng/ngày trong 3 tháng đầu năm 2020 nhằm ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô khi triển vọng kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức thấp. Tuy nhiên, nỗ lực cắt giảm này đã bị “thổi bay” bởi sự bùng phát bất ngờ của dịch virus Corona tại Trung Quốc vào giữa tháng 1/2020. Khối OPEC+ có thể nhóm hợp sớm vào tháng 2 này thay vì tháng 3 như trước đây để thảo luận phương án sản xuất mới.
Một số chuyên gia cảnh báo việc khối OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác sẽ chỉ giúp giá dầu thô phục hồi trong ngắn hạn, nếu dịch virus Corona kéo dài tại Trung Quốc thì giá dầu thô vẫn chịu áp lực giảm sâu. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu.
Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Conoco Phillips dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô thế giới sẽ giảm từ 100.000 đến 200.000 thùng/ngày do dịch virus Corona. Conoco Phillips cũng cho biết đã bắt đầu cắt giảm sản lượng khai thác tại các giếng dầu Lybia.
Mỗi lo ngại dịch virus Corona có thể kéo tụt đà tăng trưởng toàn cầu đã khiến trạng thái “bù hoãn mua – contango” xuất hiện trên thị trường dầu mỏ quốc tế. Ở trạng thái này, giá dầu mỏ giao tương lai cao hơn giá giao ngay được dự kiến trong tương lai; qua đó, khuyến khích các nhà giao dịch và hãng sản xuất kìm giữ dầu thô trong kho thay vì bán ra tại thời điểm hiện tại.