Lúc 7h58 sáng nay (ngày 13/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã tăng 1,23 USD/thùng tương ứng 3,9% lên mức 32,71 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 1,39 USD/thùng tương ứng 6,1% lên 24,15 USD/thùng.
Giá dầu thô bật tăng cao sau khi liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu chính thức đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lịch sử với mức cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày tương đương khoảng 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Mặc dù con số cắt giảm chính thức thấp hơn chút so với mức đề xuất cắt giảm 10 triệu thùng/ngày nhưng đây sẽ là mức cắt giảm sản lượng lớn nhất trong lịch sử của liên minh OPEC+. Trong ngày 10/4, liên minh OPEC+ đã đạt thoả thuận khung cắt giảm sản lượng, tuy nhiên Mexico từ chối và chỉ đồng ý cắt giảm sản lượng ở mức 100.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức 400.000 thùng/ngày được ấn định cho quốc gia này.
Điều này đã khiến thoả thuận cắt giảm sản lượng rơi vào bế tắc và khiến 3 quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới gồm Hoa Kỳ, Ả-rập Xê-út và Nga “chạy đua marathon” để tháo gỡ bế tắc. Ngay sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết đã trao đổi với Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador và cho biết Hoa Kỳ sẽ “thay mặt” Mexico cắt giảm sản lượng khai thác để giúp nước này đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+. Tuy nhiên, ông Donald Trump không cho biết chi tiết việc cắt giảm sẽ diễn ra như nào.
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út cho biết Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Kuwait đã tình nguyện cắt giảm sản lượng nhiều hơn mức được ấn định và điều này giúp nâng tổng mức cắt giảm sản lượng thực tế của liên minh OPEC+ lên 12,5 triệu thùng/ngày.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait cho biết tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác trên toàn cầu lần này sẽ có thể đạt tới 20 triệu thùng/ngày tương đương 20% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Việc cắt giảm mạnh sản lượng khai thác sẽ giúp giảm bớt sức ép lên giá dầu thô. Trong thời gian qua, thị trường dầu mỏ đã chịu cú sốc kép khi nhu cầu sụt giảm mạnh vì đại dịch Covid-19 nhưng nguồn cung dầu thô tăng cao vì cuộc chiến giá dầu giữa Ả-rập Xê-út và Nga. Liên minh OPEC+ cũng mong muốn các quốc gia khai thác dầu thô lớn khác trên thế giới cắt giảm thêm 5% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu, tương ứng 5 triệu thùng/ngày.
Giới chuyên gia nhận định việc đạt thoả thuận cắt giảm lần này đã tạo ra mức giá sàn cho giá dầu thô. Giá dầu thô hiện giờ sẽ chỉ phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch Covid-19 và cách thức các quốc gia thực hiện nhằm tránh bị lún sâu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trước các tác động nghiêm trọng của dịch bệnh.
Các phân tích cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu đã giảm khoảng 30% vì đại dịch Covid-19. Một số dự báo cho thấy giá dầu thô sẽ không phục hồi tăng mạnh cho đến khi nhu cầu sử dụng bật tăng trở lại vào quý 3/2020.