Dữ liệu mới cho thấy giá cước thuê tàu chở dầu đã bắt đầu giảm xuống kể từ tuần trước trong bối cảnh các doanh nghiệp khai thác dầu chờ đợi kết quả thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ trong thứ Năm tuần này. Liên minh OPEC+ gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (khối OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu.
Nếu như Ả-rập Xê-út và Nga đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác, nhu cầu vận chuyển và lưu trữ dầu thô sẽ giảm mạnh, qua đó đẩy giá cước thuê tàu chở dầu xuống hơn nữa. Trong bối cảnh nhiều kho chứa dầu thô đang rơi vào tình trạng đầy buộc các hãng khai thác dầu phải thuê tàu chở dầu để biến thành các kho chứa dầu nổi. Nếu các bên không thống nhất được mức cắt giảm sản lượng thì giá cước thuê tàu được dự báo sẽ bị đẩy tăng cao mạnh.
Cụ thể, giá cước thuê tàu chở dầu loại VLCC tuyến Trung Đông – Trung Quốc vào ngày 8/4 đạt 125.000 USD/ngày, giảm gần 50% so với mức giá 235.000 USD/ngày vào tuần trước. Trước khi cuộc chiến giá dầu thô giữa Ả-rập Xê-út và Nga nổ ra vào ngày 8/3/2020, giá cước thuê tàu loại VLCC vào đầu tháng 3/2020 chỉ ở mức 30.000 USD/ngày.
[Giá cước tàu hàng khô giảm 90% do dịch virus Corona]
Ông Anoop Singh, trưởng ban nghiên cứu giá cước tàu chở dầu khu vực Châu Á tại hãng môi giới tàu Braemar ACM Shipbroking, cho biết giá cước thuê tàu chở dầu đã bị đẩy tăng cao trong bối cảnh Ả-rập Xê-út tăng cường sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô. Đồng thời, sự xuất hiện của tình trạng Bù hoãn mua (contango) trên thị trường dầu mỏ cũng khiến nhu cầu sử dụng các tàu chở dầu làm kho chứa dầu tăng lên, qua đó, đẩy giá cước thuê tàu tăng.
Hiện tượng Bù hoãn mua trên thị trường dầu mỏ xảy ra khi giá dầu thô theo hợp đồng tương lai đang cao hơn giá giao ngay của hợp đồng này. Điều này cho phép, các nhà đầu tư tận dụng các tàu chở dầu thô để lưu trữ dầu và kiếm chênh lệch.
Ông Anoop Singh nhận định nếu như liên minh OPEC+ đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng thì nhu cầu xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Ả-rập Xê-út sang thị trường Châu Á sẽ sụt giảm mạnh; đồng thời, lợi ích tài chính từ việc lưu kho dầu trên các tàu chở dầu cũng sẽ giảm xuống, qua đó gia tăng áp lực lên giá cước tàu chở dầu.
Nếu như bỏ qua việc Ả-rập Xê-út tăng cường khai thác và xuất khẩu dầu thô cũng như hoạt động đầu cơ giá dầu thì giá cước thuê tàu chủ yếu sẽ dựa vào việc các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc đang dần khôi phục hoạt động và dự kiến giá cước sẽ giảm về ngang bằng mức hồi đầu tháng 3/2020, theo ông Anoop Singh.
Mặc dù nhiều chuyên gia cảnh báo thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ khó có thể trở thành hiện thực nếu không có sự tham gia của Hoa Kỳ, giới đầu tư vẫn kỳ vọng các quốc gia sẽ đạt được thoả thuận này trong cuộc họp tới đây. Qua đó, đẩy giá dầu thô tăng trở lại; chốt phiên giao dịch ngày 8/4, giá dầu thô Brent đã tăng 3% lên mức 32,84 USD/thùng và giá dầu thông ngọt nhẹ Texas (WTI) đã tăng 6,2% lên 25,09 USD/thùng.