Thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô khổng lồ của liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu hiện vẫn chưa đạt được đồng thuận cuối cùng.
Kết thúc phiên họp ngày 9/4, liên minh OPEC+ cho biết tất cả các quốc gia thành viên, ngoại trừ Mexico, đều đồng ý thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác với tổng mức cắt giảm lên tới 10 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Thoả thuận cắt giảm chính thức hiện phụ thuộc vào việc Mexico có đồng ý cắt giảm hay không sau khi nước này từ chối cắt giảm sản lượng khai thác 400.000 thùng/ngày theo mức ấn định trong cuộc họp. Bộ trưởng Năng lượng Mexico Rocio Nahle cho biết nước này chỉ đồng ý cắt giảm sản lượng ở mức 100.00 thùng/ngày.
Bất đồng trong thoả thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ đã đẩy giá dầu thô tiếp tục giảm xuống. Chốt phiên giao dịch ngày 9/4, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã giảm 9,2% xuống còn 22,76 USD/thùng và giá dầu thô Brent cũng giảm 4,14% xuống mức 31,48 USD/thùng. So với mức giá đỉnh thiết lập hồi tháng 1/2020, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã giảm 53% và 63%, tính đến thời điểm hiện tại.
Trong ngày 10/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết đã trao đổi với Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador và cho biết Hoa Kỳ sẽ “thay mặt” Mexico cắt giảm sản lượng khai thác để giúp nước này đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+. Tuy nhiên, ông Donald Trump không cho biết chi tiết việc cắt giảm sẽ diễn ra như nào.
[Xem thêm tại: Đã quá muộn để giải cứu thị trường dầu mỏ, dự báo giá dầu giảm còn 20 USD/thùng trong quý 2/2020]
Liên minh OPEC+ cũng kỳ vọng các quốc gia khai thác dầu thô lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Na Uy và Brazil sẽ cắt giảm sản lượng khai thác thêm 5 triệu thùng/ngày, đưa tổng mức cắt giảm trên thị trường lên mức 15% tổng nguồn cung dầu toàn cầu nhằm bình ổn thị trường trước các tác động nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, kết thúc buổi họp giữa các bộ trưởng năng lượng các nền kinh tế lớn nhất thế giới – khối G20 vào ngày 10/4, các quốc gia vẫn không đạt được thêm đột phá nào nhằm giải cứu thị trường dầu mỏ. Mặc dù các quốc gia thuộc khối G20 đều cho rằng việc bình ổn thị trường dầu mỏ là điều cần thiết nhưng khi thảo luận về các con số cụ thể cắt giảm sản lượng khai thác thì không có động thái nào được đưa ra.
Trong thời gian gần đây, ông Donald Trump đã liên tục thúc giục Ả-rập Xê-út và Nga nhanh chóng cắt giảm sản lượng khai thác nhằm ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô. Tuy nhiên, ông Donald Trump cho biết Hoa Kỳ - quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới không đưa ra bất kỳ cam kết cắt giảm sản lượng nào.
Trong ngày 10/4, Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Dan Brouillette cho biết sản lượng khai thác của Hoa Kỳ sẽ giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày, thậm chí là lên tới 3 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2020 trong bối cảnh giá dầu thô giảm mạnh đã buộc nhiều doanh nghiệp khai thác dầu thô nước này phải thu hẹp công suất hoạt động.
Theo khung thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác hiện nay của liên minh OPEC+, các quốc gia thành viên liên minh sẽ cắt giảm sản lượng khai thác 10 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ 1/5/2020 đến 30/6/2020; trong 6 tháng tiếp theo (từ 1/7/2020 đến 31/12/2020), mức cắt giảm sẽ giảm còn 8 triệu thùng/ngày và trong 16 tháng tiếp theo, đến ngày 30/4/2022, mức cắt giảm sẽ ở mức 6 triệu thùng/ngày. Nếu như thoả thuận này được thực thi, đây sẽ là mức cắt giảm lớn nhất mà liên minh OPEC+ từng thực hiện.