Thứ Hai – 6/4
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kể từ ngày 6/4 tại 7 vùng, bao gồm thủ đô Tokyo, thủ phủ công nghiệp Osaka, Kanagawa, Saitama, Chiba, Hyogo và Fukuoka trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng cao đột biến tại một số thành phố lớn.
Đồng thời, ông Shinzo Abe cũng công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ với tổng trị giá lên tới 108.000 tỷ Yên (988 tỷ USD) tương đương 20% tổng GDP của Nhật Bản nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nước này vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Với việc áp đặt tình trạng khẩn cấp, chính quyền các thành phố Nhật Bản sẽ được áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn trong phòng chống dịch như yêu cầu người dân hạn chế đến nơi công cộng hoặc trưng dụng các toà nhà để làm điều trị người nhiễm bệnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Nhật Bản đang lún sâu vào một cuộc suy thoái kinh tế khi xuất khẩu giảm mạnh còn việc tổ chức Thế vận hội Olympic 2020 để thu hút du lịch phải tạm hoãn sang năm sau. Trong khi đó, sức tiêu dùng của người dân Nhật Bản giảm khi buộc phải ở nhà dài để tránh dịch.
Dữ liệu mới công bố ngày 6/4 cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân nước này trong tháng 3/2020 đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống còn 30,9 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Tỷ lệ việc làm khả dụng tại nước này hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Số liệu cũng cho thấy ngày càng nhiều người Nhật đăng ký gói vay vốn cứu trợ từ Chính phủ do bị mất việc hoặc bị cắt giảm lương.
Thứ Ba – 7/4
Phát biểu trước Thượng viện Pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định nước này sẽ đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời Thế chiến thứ 2 dưới các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Trước đó, ông Bruno Le Maire từng cảnh báo “Cuộc chiến với virus Covid-19 cũng là một cuộc chiến kinh tế và tài chính. Cuộc chiến này có thể sẽ rất khốc liệt và kéo dài”.
Ông Bruno Le Maire dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế lần này có thể sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2009. Trong tháng trước, Chính phủ Pháp dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2020 sẽ giảm 1% nhưng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, nước này cho biết sẽ phải điều chỉnh lại con số dự báo.
Pháp hiện là quốc gia chịu thiệt hại nặng thứ năm trên thế giới vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19 với số người chết đã vượt quá 12.000 ca và 86.000 ca nhiễm bệnh. Pháp cũng đang thúc giục Liên minh Châu Âu (EU) thành lập một quỹ tài chính chung để giúp các nước thành viên liên minh vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thứ Tư – 8/4
Kết thúc phiên họp kéo dài 16 giờ, các Bộ trưởng tài chính của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) không tìm được tiếng nói chung về một gói kích thích kinh tế cho toàn bộ khối Eurozone trước các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Các quốc gia thành viên khối Eurozone hiện bị chia rẽ trong việc tìm ra cách tốt nhất để cung cấp các khoản vay cũng như hạn mức tín dụng mới được cung cấp bởi Quỹ bình ổn tài chính Châu Âu – quỹ cứu trợ tài chính khẩn cấp vốn được lập ra sau cuộc khủng hoảng nợ công tại đây hồi năn 2010.
Một số quốc gia trong khối như Hà Lan muốn việc phát hành các khoản vay phải gắn với các điều kiện; trong khi đó, những nước như Italy và Tây Ban Nha vốn đang là tâm dịch Covid-19 trên thế giới lại không muốn có bất kỳ điều kiện nào gắn với các khoản vay.
Bộ trưởng tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra nhận định việc phát hành các khoản vay chung của toàn khối Eurozone sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là những lợi ích nó đem lại và “tại sao chúng tôi (Hà Lan) phải đi đảm bảo các khoản nợ của các quốc gia khác (thành viên khối Eurozone”. Tại Đức, một số đảng vốn chống lại sự lãnh đạo của liên minh EU cũng lên tiếng không muốn tiền thuế của người dân nước này bị đổ vào các khoản nợ chung của EU.
Chuyên gia kinh tế Marion Hense tại tập đoàn Ngân hàng Berenberg cho biết “Trong dài hạn, cách mà liên minh EU và khối Eurozone phản ứng với cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra có thể định hình thái độ đối với sự hội nhập tại Châu Âu trong nhiều thập kỷ tới”.
Thứ Năm – 9/4
Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Chan Chun Sing cảnh báo nhiều quốc gia trên thế giới sẽ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính sau khi cơn khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 qua đi.
Ông Chan Chun Sing cho biết “Nếu một quốc gia không có mức ngân sách tốt, đất nước này sẽ cần phải đi vay thêm tiền. Nếu như không thể vay thêm tiền thì quốc gia đó sẽ in thêm tiền; điều này sẽ dẫn đến việc phá giá đồng nội tệ, kéo theo những tác động tiêu cực lên việc ổn định hệ thống tài chính toàn cầu, tác động thực sự đến nền kinh tế”.
Cảnh báo của ông Chan Chun Sing được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới chấp nhận mức thâm hụt ngân sách tăng vọt để tung hàng loạt gói kích thích kinh tế và nới lỏng các chính sách tài khoá nhằm giải cứu nền kinh tế và thị trường tài chính trước các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Trong ngày 7/4, Singapore đã tung ra gói kích thích kinh tế thứ ba trị giá 3,6 tỷ USD. Tính đến thời điểm này, Singapore đã chi ra 41,7 tỷ USD tương đương 12% tổng GDP nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Việc tung ra gói kích thích kinh tế thứ ba cũng khiến thâm hụt ngân sách hàng năm của Singapore tăng lên mức 44,3 tỷ SGD (30,8 tỷ USD) tương đương 8,9% tổng GDP.
Thứ Sáu – 10/4
Dữ liệu mới nhất cho thấy đã có thêm hơn 6 triệu người tại Hoa Kỳ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 4/4. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp, nước này ghi nhận sự gia tăng mạnh của những người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp với tổng số lượng người nộp đơn lên tới hơn 15 triệu người.
Số lượng lao động tại Hoa Kỳ bị mất việc tăng lên mức cao nhất trong lịch sử trong bối cảnh nước này áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 10/4, Hoa Kỳ là nước có số lượng người bị nhiễm virus Covid-19 cao nhất thế giới với gần 470.000 ca nhiễm và hơn 16.600 ca tử vong.
Các chuyên gia dự báo số lượng người thất nghiệp tại Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục tăng lên nữa do nhiều tiểu bang vẫn chưa giải quyết hết các đơn xin trợ cấp thất nghiệp bị tồn đọng. Đồng thời, việc các doanh nghiệp bị buộc phải tạm ngừng kinh doanh hoặc phá sản trước các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ dẫn đến việc tiếp tục sa thải người lao động.
Nhà kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính S&P Global Ratings Beth Ann Bovino dự báo việc các doanh nghiệp sai thải hàng loạt người lao động sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ lên mức 15% trong tháng 5/2020 với ít nhất 13 triệu việc làm bị mất. Trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ chưa bao giờ vượt quá 10%.