
Ngày 9/4/2025, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam/PVN) đã tổ chức Lễ ký thỏa thuận nguyên tắc chính (Key Principles Agreement - KPA) hợp đồng Dầu khí Lô PM3 CAA giữa Petrovietnam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas).
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Mô hình quản lý tài nguyên chung hiệu quả và ổn định trong suốt ba thập kỷ
Được ký lần đầu tiên ngày 16/02/1989, Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) Lô PM3 CAA là dấu mốc khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa Petrovietnam và Petronas. Trên cơ sở Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia năm 1992, Petrovietnam và Petronas chính thức được giao đại diện nước chủ nhà triển khai hoạt động dầu khí tại khu vực chồng lấn giữa hai quốc gia. Từ đó, dự án đã không ngừng phát triển, đóng góp đáng kể vào an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế của cả hai nước.
Tính đến hết năm 2024, Lô PM3 CAA đã khai thác được hơn 250 triệu thùng dầu và 1.600 tỷ bộ khối khí (tương đương khoảng 43 tỷ m³ khí) cho cả hai phía Việt Nam và Malaysia, đối với phía Việt Nam là cung cấp phần lớn sản lượng khí cho cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế khu vực Tây Nam Bộ của Việt Nam. Tổng doanh thu từ dự án đạt 25,6 tỷ USD.

Sự hợp tác được mở rộng không chỉ ở khâu thăm dò - khai thác mà còn sang các lĩnh vực mới như LNG, năng lượng tái tạo và ứng dụng công nghệ giảm phát thải CO₂, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng của thế giới cũng như việc mở rộng lĩnh vực hoạt động của hai bên.
Dự án dầu khí Lô PM3 CAA trải qua 6 giai đoạn phát triển, với 39 lần cập nhật kế hoạch khai thác, đưa vào vận hành 178 giếng phát triển, 02 giàn công nghệ trung tâm (CPP), 02 tàu FSO và trên 10 giàn vệ tinh đầu giếng, cùng hệ thống đường ống dẫn khí PM3 CAA Cà Mau dài 298 km. Lưu lượng khai thác hiện tại đạt khoảng 20.000 thùng dầu và khoảng 200 triệu bộ khối khí mỗi ngày, thể hiện hiệu quả kỹ thuật vượt trội và sự phối hợp vận hành bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết, từ một khu vực có tính chất đặc thù về địa lý và pháp lý, Dự án PM3 CAA đã được hai Bên phát triển thành một mô hình quản lý tài nguyên chung hiệu quả và ổn định trong suốt ba thập kỷ qua. Thành công của dự án không chỉ đến từ năng lực kỹ thuật, mà còn từ sự đồng thuận chiến lược, sự tin tưởng chính trị và tinh thần đối tác trách nhiệm giữa hai quốc gia.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây cũng chính là minh họa rõ nét cho cách mà hai nước đã không ngừng củng cố Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Malaysia, trong đó hợp tác năng lượng luôn giữ vai trò tiên phong.
Trong bối cảnh khu vực và thế giới đang đứng trước yêu cầu cấp bách về chuyển đổi năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng, Phó Thủ tướng đánh giá cao định hướng của các bên trong việc tiếp tục khai thác tài nguyên hiệu quả, ứng dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, tiến tới phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu chung của hai bên là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phù hợp với các cam kết tại COP26 và COP28.
Đánh giá tiềm năng để khai thác các dự án năng lượng thế hệ mới
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long gửi lời chúc mừng tới những thành tích mà Petrovietnam và Petronas đã đạt được, đồng thời chúc mừng Petrovietnam đã chính thức đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.
Thứ trưởng khẳng định đây là dấu mốc vô cùng quan trọng không chỉ đối với ngành dầu khí mà còn là biểu tượng của sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Malaysia trong hơn 50 năm qua, là minh chứng cho sự tin tưởng và hợp tác hiệu quả của hai nước, thể hiện năng lực, sự sáng tạo và tinh thần hợp tác hiệu quả của tất cả các bên nhà thầu có liên quan.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về ngành dầu khí, Bộ Công Thương đánh giá cao nỗ lực của hai Tập đoàn, các đối tác trong tổ hợp nhà thầu trong việc thúc đẩy tiến trình gia hạn hợp đồng lần này. Thứ trưởng cho rằng đây là một quyết định chiến lược giúp Việt Nam tối đa hóa tài nguyên, duy trì nguồn cung khí thiên nhiên ổn định và lâu dài cho khu vực Tây Nam Bộ, nơi Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Tây Nam Bộ.

Việc gia hạn PSC tại Lô PM3 CAA thêm 20 năm, từ 2028 đến 2047 thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí; hướng tới mục tiêu tối ưu khai thác tài nguyên hiện có, đồng thời mở ra cơ hội thăm dò các tầng sâu hơn, kết nối với các mỏ lân cận và quan trọng hơn cả, ứng dụng công nghệ thu gom và giảm phát thải carbon, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam.
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Malaysia được nâng tầm lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long bày tỏ sự tin tưởng hợp tác giữa Petrovietnam và Petronas còn rất nhiều tiềm năng và dư địa, đòi hỏi hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai các nghiên cứu chung cũng như trao đổi thêm để nhiều dự án hơn trong thời gian tới.
“Đề nghị các bên nhà thầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các nội dung đã cam kết bảo đảm tiến độ, an toàn, tuân thủ pháp luật Việt Nam và của Malaysia, đặc biệt cần có đánh giá rõ về tiềm năng của các dự án năng lượng thế hệ mới để tận dụng thời cơ đưa vào khai thác thương mại năm 2025. Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án được triển khai an toàn, hiệu quả, mang lợi ích hài hòa của các bên tham gia, đóng góp thiết thực cho quan hệ Việt Nam - Malaysia”, Thứ trưởng nhấn mạnh.