Trong một lần về quê ăn giỗ, được biết đến chiếc máy sạ hàng bà con nông dân đang dùng năng suất cao, ít tốn chi phí… Chỉ có điều máy bằng sắt nên khá nặng, hay bị lún sình; các trống (thùng) đựng lúa thường bị sình văng lên làm bít lỗ trống, khiến hạt giống không rơi xuống được; các thiết bị trên máy mau rỉ sét… Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Thắng: “Tại sao mình không dùng nhựa để cải tiến, khắc phục những hạn chế trên?”.
Nghĩ là làm liền. Về Sài Gòn, anh bắt tay vào tính toán, nghiên cứu chế tạo máy sạ hàng bằng nhựa. Lúc này là năm 1999. Vượt qua những mặc cảm cũng như sự thiếu tin tưởng từ phía gia đình về trình độ, năm 2000, chiếc máy sạ hàng bằng nhựa đầu tiên đã ra đời. Sau nhiều lần chạy thử nghiệm thành công, anh gửi sản phẩm đến Trung tâm Giám định máy nông nghiệp (Bộ NN & PTNT) và được cấp giấy chứng nhận “Sản phẩm phù hợp với đồng ruộng Việt Nam”. Sau đó, anh đã đăng ký bản quyền sáng chế kiểu dáng công nghiệp.
Máy sạ hàng do anh Thắng thiết kế có ưu điểm nhẹ, loại máy 6 trống chỉ nặng 8kg và loại 8 trống nặng10 kg (so với máy sắt 18kg), không bị lún trên đồng lầy, không bị rỉ sét, tiết kiệm 40-50% lượng lúa giống, tháo lắp đơn giản, hạt gống rơi đều, năng suất sạ tăng gấp đôi mà kéo nhẹ hơn gần phân nửa. Mỗi lối đi sạ hàng rộng tới 3m so với máy sắt chỉ 1,5m, nên rất tiện lợi trong di chuyển. Máy vừa ra đời đã được Ban Khuyến nông huyện Long Mỹ, Cần Thơ đặt mua 200 chiếc, rồi Sở NN & PTNT Cần Thơ mua 500 chiếc. Tiếng đồn về máy sạ hàng của anh lan rộng khắp ba miền Bắc, Trung, Nam rồi lên cả Tây Nguyên. Năm 2001, anh bán được 6.530 chiếc; năm 2002 hơn 10.000 chiếc; năm 2003 hơn 13.000 chiếc; năm 2004 đạt 15.000 chiếc.
Với suy nghĩ, làm thế nào để bà con nông dân đỡ vất vả, giảm giá thành sản xuất nhưng tăng hiệu quả kinh tế, Phạm Hoàng Thắng lại miệt mài nghiên cứu và năm 2003, anh lại ra mắt thêm sản phẩm “Xe phun xịt thuốc tự động”. Điểm hay của xe phun xịt thuốc tự động là 2 cần bơm hơi được gắn vào bánh xe, khi xe chuyển động sẽ đẩy trục lên xuống giống như cần bơm gạt truyền thống. Các hệ thống van và vòi phun được đặt ở phía sau nên thuốc không bay vào người như bình phun xịt truyền thống, giảm được độc hại cho người đi phun thuốc. Độ cao của xe có thể điều chỉnh tối đa là 1m, bà con nông dân có thể phun xịt cho cây hoa màu. Bình chứa nước trên xe có thể chứa 45 lít nước thuốc, thay vì 18 lít ở bình xịt tay. Tăng năng suất lao động của nông dân lên gấp 2-3 lần, một công lao động có thể phun xịt 2-3 ha/ngày.
Từ khi ra đời đến nay, sản phẩm của DNTN Nhựa Hoàng Thắng liên tiếp đạt nhiều giải thưởng, huy chương, bằng khen của Bộ NN & PTNT, Liên đoàn nhựa các nước ASEAN, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Sở NN & PTNT TP.HCM. Tại Triển lãm lâm nghiệp và thủy sản quốc tế Việt Nam 2005, dụng cụ gieo lúa thẳng hàng đạt Cúp và huy chương vàng nông nghiệp Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 13-10-2006 tại Sân vận động Phú Thọ-TP.HCM, DNTN Nhựa Hoàng Thắng được trao các danh hiệu: “Trâu vàng đất Việt”, “Doanh nhân đất Việt thế kỷ 21”, “Sản phẩm thương hiệu Việt uy tín - chất lượng năm 2006”.
Phạm Hoàng Thắng cho biết, vào tháng 1-2007, anh sẽ “trình làng” máy gặt đập lúa liên hợp, phục vụ cho vụ mùa Đông Xuân 2006-2007. Máy gặt đập liên hợp sẽ khắc phục tất cả những yếu điểm mà các loại máy Trung Quốc gặp phải như hao hụt, không gặt được lúa ngả, lẫy lúa không sạch, lẫy hạt giống không đạt dẫn đến chất lượng giống kém. Về giá thành, sẽ thấp hơn so với các loại máy của Trung Quốc từ 40-50% do tính ưu việt của máy, thời gian bảo hành 1 năm. Anh Thắng hy vọng, sản phẩm mới này sẽ được bà con nông dân nhiệt tình đón nhận.