Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư số 49/2024/TT-BTC ngày 16/7/2024 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025 - 2027.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu 5-7% so với thực hiện năm 2024
Thông tư nêu rõ, nguyên tắc chung là dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2025 phải được xây dựng theo đúng các quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý thuế, các Luật về thuế, phí, lệ phí, các văn bản pháp luật khác có liên quan và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN, phù hợp với tình hình thực hiện các năm trước và thực hiện cao nhất các mục tiêu về thu NSNN 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Xây dựng dự toán thu năm 2025 bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính trong và ngoài nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, về quản lý thu, nhất là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hết hiệu lực, việc thực hiện lộ trình cắt giảm, ưu đãi thuế để thực hiện cam kết của Chính phủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài, việc thực hiện quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Xây dựng dự toán thu phải gắn với việc quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, thương mại điện tử; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); mức tăng trưởng thu tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn, trên cơ sở tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế.
Phấn đấu dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng khoảng 4-6%
Theo Thông tư, phấn đấu dự toán thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.
Việc xây dựng dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu căn cứ vào dự báo tăng trưởng kim ngạch của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chịu thuế trong bối cảnh hội nhập, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển dịch cơ cấu mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng truyền thống có nguồn thu chủ lực và các mặt hàng mới phát sinh. Việc xây dựng dự toán này có xét đến các yếu tố tác động như: dự kiến biến động giá trong nước và giá thị trường quốc tế của những mặt hàng có số thu NSNN lớn; biến động giá dầu thô trên thế giới; tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của các đối tác thương mại chiến lược; tác động giảm thu từ việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực thi cam kết trong năm 2025; mức độ thuận lợi hóa thương mại và ảnh hưởng của các hàng rào kỹ thuật; quy mô, tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư trọng điểm có nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị; kế hoạch sản xuất của các nhà máy lọc dầu trong nước.
Xây dựng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng
Việc xây dựng dự toán căn cứ vào tình hình thực tế và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn; kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, tổng số dự án và vốn đầu tư được cấp phép mới, tiến độ đầu tư của các dự án đầu tư đang triển khai và dự án đầu tư mới, các dự án đầu tư kết thúc giai đoạn đầu tư và chuyển sang giai đoạn hoạt động kinh doanh tại địa bàn để tính đúng, tính đủ, kịp thời số hoàn thuế giá trị gia tăng dự kiến phát sinh trong năm 2025 theo các chính sách, chế độ hiện hành và chế độ chính sách mới có hiệu lực thi hành.
Xây dựng dự toán số hoàn thuế giá trị gia tăng gắn liền với yêu cầu tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, giám sát, kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng để đảm bảo đúng phát sinh thực tế, chính sách chế độ.
Xây dựng dự toán thu viện trợ không hoàn lại
Theo Thông tư, việc xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025 đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cần căn cứ và bám sát vào tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2024 (số dự toán được giao, số vốn tiếp nhận từ nhà tài trợ, số vốn thực hiện); văn kiện của Chương trình, dự án, phi dự án hoặc khoản viện trợ đã được cấp có thẩm quyền Việt Nam phê duyệt; các văn bản về cam kết viện trợ, thư viện trợ hoặc văn bản về ý định viện trợ của nhà tài trợ; tiến độ triển khai thực tế, khả năng phát sinh và thực hiện mới trong năm, hạn chế tình trạng thiếu dự toán dẫn đến phải trình cấp thẩm quyền bổ sung hoặc thực hiện không hết dẫn đến phải hủy dự toán hoặc chuyển nguồn.
Quá trình xây dựng dự toán thu/chi NSNN đối với vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, chủ chương trình/dự án/phi dự án và cơ quan dự toán cấp I (cơ quan chủ quản) cần xác định tính chất chi đầu tư và chi thường xuyên, chi tiết từng nội dung/lĩnh vực chi, phân định rõ nguồn vốn theo phân cấp theo quy định về quản lý NSNN (nếu có).
Đối với các khoản viện trợ đã tiếp nhận từ năm 2024 trở về trước chưa có trong dự toán được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập và tổng hợp vào dự toán năm 2025 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, làm cơ sở để thực hiện hạch toán, quyết toán theo quy định.
Xây dựng dự toán chi ngân sách Nhà nước phù hợp với khả năng huy động, cân đối các nguồn lực
Xây dựng dự toán chi NSNN năm 2025 theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, các Luật có liên quan; các quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên NSNN đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại NSNN, chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.
Đảm bảo nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, lộ trình tinh giản biên chế theo các quy định. Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ phát sinh mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và triển khai thực hiện ngay khi được giao kinh phí, dự toán NSNN thực hiện phù hợp với khả năng huy động, cân đối các nguồn lực.
Tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương
Về xây dựng dự toán cải cách tiền lương, Thông tư nêu rõ, năm 2025, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để cải cách tiền lương theo quy định.
Trong đó, các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý; các khoản được loại trừ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2022), bao gồm 70% tăng thu thực hiện năm 2024 so dự toán năm 2024, 50% tăng thu dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập theo phương án đề xuất của địa phương quy định tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ; nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2024 còn dư; số thu được để lại theo chế độ năm 2025.
Căn cứ xây dựng dự toán thu - chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2025 - 2027
Thông tư cũng nêu rõ, đối với lập kế hoạch thu NSNN 03 năm 2025 - 2027 phải căn cứ khả năng phát triển kinh tế cả nước, từng ngành nghề, lĩnh vực và địa phương trong các năm 2025 – 2027; các yếu tố dự kiến làm tăng, giảm, dịch chuyển nguồn thu do điều chỉnh chính sách thu,…
Giai đoạn 2026-2027, phấn đấu tốc độ tăng thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước) và tốc độ tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu không thấp hơn mức tăng các khoản thu này năm 2025. Kế hoạch chi NSNN 03 năm 2025 – 2027 cần thuyết minh cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án, chính sách, chế độ đã hết thời gian thực hiện hoặc mới được cấp thẩm quyền phê duyệt; các chính sách tiền lương, lương hưu, trợ cấp người có công, các chính sách an sinh xã hội được ban hành năm 2024.
Thông tư số 49/2024/TT-BTC ngày 16/7/2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/8/2024 và áp dụng cho quá trình xây dựng dự toán NSNN năm 2025, kế hoạch tài chính - NSNN năm 2025-2027.