Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 61% dự toán năm

Thu nội địa tăng cao và hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc góp phần đưa tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023.

Thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 cho biết, nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến nay được triển khai trong bối cảnh các cân đối lớn vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức tích cực.

Thu ngân sách nửa đầu năm tăng khá so cùng kỳ

Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 64,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 57,4% dự toán).

Trong đó, thu nội địa đạt 60,1% dự toán, tăng 19,7% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 64,3% dự toán, giảm 5,1% so cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 68,4% dự toán, tăng 11,5% so cùng kỳ.

ngân sách nhà nước
Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 bằng 61% dự toán năm. (Ảnh minh họa)

Chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm nay ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 29% dự toán Quốc hội quyết định, giảm 8,8% (16,4 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 49,7% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 43,7% dự toán.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến hết tháng 6 năm 2024, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 156,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,89 năm, lãi suất bình quân 2,33%/năm đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

Tiếp tục mở rộng cung cấp các dịch vụ thuế và hóa đơn điện tử

Bộ Tài chính cho biết, để có được những kết quả đó, ngay từ đầu năm Bộ đã chỉ đạo nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước một cách quyết liệt, hiệu quả. Rà soát các nguồn thu, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế.

Bộ đã tham mưu, đề xuất trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng (gồm giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 92,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 92,56 nghìn tỷ đồng). Kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 47,3 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước ngay từ đầu năm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế.

Đồng thời, Bộ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quản lý thuế điện tử. Tiếp tục mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh; vận hành và thu thuế qua Cổng thông tin nộp thuế nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (6 tháng thu ước thu 4 nghìn tỷ đồng, lũy kế từ lúc vận hành Cổng đến nay đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài nộp 12,8 nghìn tỷ đồng); triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhà hàng, khách sạn); Đề án xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ AI trong phân tích dữ liệu,...

Phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tăng cường chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; quyết liệt xử lý thu nợ thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng.

Để góp phần hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch được giao trong năm 2024, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện công tác thu ngân sách Nhà nước trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài...

Tổ chức điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tập trung đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và Nghị quyết kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước, giữ bội chi ngân sách Nhà nước và nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội...

Việt Hằng