Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Italia tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mới đây đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada Mary Ng.
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Việt Nam còn có ông Dương Hải Hưng - Đại sứ Việt Nam tại Italia cùng đại diện các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mary Ng nhấn mạnh, Canada coi trọng vai trò trọng tâm hàng đầu của Việt Nam trong việc triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình và mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam và các nước trong khu vực ngày càng sâu sắc hơn. Bà Mary Ng bày tỏ cảm ơn Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đối tác của Canada trong suốt thời gian qua để góp phần vào tăng trưởng thương mại giữa hai nước.
Trao đổi với Bộ trưởng Mary Ng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vui mừng và đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ và doanh nghiệp Canada trong việc phát triển hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư với Việt Nam thời gian qua.
Hiện, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Quan hệ thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Canada có dấu hiệu phục hồi tích cực hậu đại dịch Covid-19. Theo số liệu của ASEAN Stats, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 23,1 tỷ USD vào năm 2022 và 20,3 tỷ USD vào năm 2023. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Canada vào ASEAN đạt 3,62 tỷ USD vào năm 2022, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cũng như Canada, Việt Nam có chính sách kinh tế mở, tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu. Cho tới nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 18 FTA song phương và đa phương, với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.
Do vậy, với những cơ chế nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hy vọng, Việt Nam và Canada sẽ là cầu nối tốt cho nhau ở khu vực ASEAN, Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Mỹ cũng như trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ quan điểm về việc gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại - đầu tư trong khối CPTPP.
Với vị thế là một nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, là thành viên Nhóm G7, có nhiều kinh nghiệm về thương mại và xây dựng luật lệ quốc tế, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và củng cố vị thế của Hiệp định là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, là hình mẫu hợp tác kinh tế mang tính toàn cầu của thế kỷ 21; qua đó thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này.
Việt Nam cũng đánh giá cao sự chủ động, tích cực và những nỗ lực của Canada, với tư cách Chủ tịch CPTPP 2024, đặc biệt trong việc đề xuất các sáng kiến và hoạt động hữu ích nhằm giúp CPTPP duy trì vị thế là một FTA kiểu mẫu và có thể xử lý các thách thức trong thương mại khu vực và toàn cầu.
Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp với Canada với tư cách là Chủ tịch luân phiên của CPTPP năm 2024 và các thành viên CPTPP khác trong các hoạt động thực thi Hiệp định, đặc biệt là hoạt động rà soát thực thi Hiệp định, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định CPTPP trong thời gian tới, giúp mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời giúp nâng tầm CPTPP để Hiệp định đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong thương mại khu vực và toàn cầu.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất Việt Nam và Canada cần tiếp tục duy trì phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế hợp tác hiện có, ủng hộ lẫn nhau trong các tổ chức, diễn đàn đa phương như WTO, APEC, CPTPP, Cộng đồng Pháp ngữ, cũng như chuẩn bị để tận dụng các cơ chế hợp tác sắp tới mà hai bên cũng là thành viên như Canada - ASEAN… Đặc biệt là trong cơ chế Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam - Canada do hai nước vừa thiết lập thời gian gần đây.