Phân tích một số kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Bình Dương

Đề tài Phân tích một số kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Bình Dương do ThS. Phan Thị Cẩm Giang (NCS Học viện Hành chính Quốc gia- Giảng viên Khoa Quản lý Kinh tế Xã hội - Phân viện Học viện Hành chính tại TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều quyết tâm tổ chức triển khai nâng cao hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội có những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện nay, việc tổ chức hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) vẫn còn những khó khăn, hạn chế, cần được nghiên cứu, gợi ý các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động trong những năm tới. Bài viết này phân tích một số kết quả hoạt động của ĐVSNCL tại tỉnh Bình Dương, từ đó đề xuất các nhóm giải pháp về thể chế chính sách, tổ chức thực hiện và nguồn lực, nhằm tháo bỏ những ràng buộc về cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ĐVSNCL và thúc đẩy xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Từ khóa: đơn vị sự nghiệp công lập, kết quả và giải pháp, tỉnh Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

ĐVSNCL có vai trò quan trọng trong cung ứng các dịch vụ công thiết yếu cho nhân dân và xã hội, hướng tới đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hiện nay, hệ thống các ĐVSNCL của tỉnh được tổ chức rất đa dạng, phong phú với nhiều nhiệm vụ và loại hình khác nhau. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương đã tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới hoạt động của các ĐVSNCL theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL và Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 02/04/2024 của Chính phủ. Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Trong giai đoạn 2015-2023, tỉnh Bình Dương đã triển khai với nhiều cơ chế, chính sách đổi mới hoạt động và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Mặc dù, đã có những kết quả nhất định về tổ chức, bộ máy, chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ cho người dân, song, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, định giá, chất lượng dịch vụ chưa cao, với một số biến động mới, khó lường, tác động của thị trường và tình hình thế giới bất ổn chưa được nghiên cứu, làm rõ.

Chính vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, đề xuất các qui định, qui chế và hướng dẫn cũng như gợi ý các giải pháp có tính cụ thể và khả thi để đảm bảo hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

2. Những kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2023

2.1. Khái quát về đơn vị sự nghiệp công lập

ĐVSNCL là các tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật có tư cách pháp nhân, cung cấp các dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, lao động - thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định [5].

ĐVSNCL được giao quyền tự chủ hoàn toàn về việc thực hiện các nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự và chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về việc thực hiện các nhiệm vụ, tài chính, tổ chức về bộ máy, nhân sự. Xét dưới góc độ vị trí pháp lý, ĐVSNCL có thể chia thành các loại: đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; đơn vị thuộc Tổng cục, Cục; đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh; đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh; đơn vị thuộc UBND cấp huyện.

Trên cơ sở phân loại các ĐVSNCL theo qui định của pháp luật. Phân tích làm rõ hơn hạn chế nghiên cứu trong phạm vi các ĐVSNCL do UBND cấp tỉnh quản lý để phân tích kết quả, hạn chế, nguyên nhân và gợi ý các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

2.2. Một số kết quả về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bình Dương

Công tác lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL đã nêu rõ quan điểm “Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu” [1].

Thực hiện và triển khai Nghị quyết nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình số 77-CTr/TU ngày 11/5/2018 về việc “thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL” và Quyết định số 711-QĐ/TU, ngày 11/5/2018 “phê duyệt Đề án Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII”; đồng thời, đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả 5 năm thực hiện và kết luận chỉ đạo việc thực hiện. UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các văn bản liên quan, nhất là Kế hoạch số 4651/KH-UBND ngày 02/10/2018 về sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2021, trong đó đã đề ra mục tiêu sắp xếp, đổi mới hệ thống các ĐVSNCL bảo đảm tinh gọn, hợp lý; giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả; tăng cường thực hiện chuyển đổi các đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ hơn nữa các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện cổ phần hóa các đơn vị đủ điều kiện. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện, có văn bản đôn đốc, nhắc nhở, báo cáo, xin ý kiến Thường trực Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với những vấn đề phát sinh ngoài phạm vi thẩm quyền của UBND tỉnh nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra [3].

Tổng số các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh năm 2015 là 531 đơn vị, năm 2017 là 539 đơn vị (tăng 8 đơn vị (1,5%) so với năm 2015), năm 2021 là 530 đơn vị (giảm 1 đơn vị (0,2%) so với năm 2015). Tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước giao năm 2023 là 23.042 biên chế và 818 hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các ĐVSNCL do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc sự nghiệp giáo dục năm học 2023-2024. Trong giai đoạn 2018 - 2023, số lượng ĐVSNCL được thành lập mới, lý do thành lập mới, việc đáp ứng yêu cầu thành lập mới được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là 42 ĐVSNCL (gồm 32 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông do số lượng học sinh tăng hằng năm lớn; thành lập mới mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công ở 9 huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh (IOC). Qua đó, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số của tỉnh. Trong giai đoạn 2018-2023, UBND tỉnh đã cơ cấu lại, giải thể các ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả, trong đó đã giải thể, sáp nhập, hợp nhất 67 đơn vị; chuyển sang loại hình tự chủ chi thường xuyên đối với 27 đơn vị. [3]

Kết quả trên phần nào đã đánh giá một cách khách quan về tính hợp lý, đúng đắn trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Đảng bộ và chính quyền địa phương đối với việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL trên toàn tỉnh Bình Dương thời gian qua.

2.3. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Mặc dù công tác triển khai, thực hiện đổi mới hoạt động của các ĐVSNCL tỉnh Bình Dương có những kết quả nhất định, nhưng về công tác hoàn thiện thể chế đối với ĐVSNCL còn chậm, ảnh hưởng đến tổ chức thực hiện tại địa phương. Nghị quyết số 56/2017/QH14 quy định: Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan phải rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản pháp luật liên quan trong năm 2018 để làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nói chung và các ĐVSNCL nói riêng. Tuy nhiên, một số nội dung Chính phủ đã hoàn thành chậm tiến độ so với yêu cầu (ví dụ: việc ban hành Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL để thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL (chậm 1 năm 10 tháng); việc ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 09/10/2020 quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong ĐVSNCL (chậm 1 năm 10 tháng) [3]

Một số nội dung thực hiện còn chậm tiến độ như: công tác đổi mới hệ thống tổ chức các ĐVSNCL, quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL chủ yếu theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế 4 ; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL ngành Giáo dục chuyển từ loại hình công lập sang tư thục còn chậm, việc sáp nhập các Trạm Chăn nuôi và Thú y thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đến nay vẫn chưa thực hiện được; lộ trình và giải pháp tiến đến tự chủ của một số ĐVSNCL chưa rõ ràng còn trông chờ, ỷ lại vào cơ chế bao cấp; việc hướng dẫn, sơ kết chuyên đề chưa nhiều, các vấn đề khó khăn của ĐVSNCL mặc dù có đề cập, kiến nghị nhưng cấp có thẩm quyền chậm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc trong đa số các ĐVSNCL được giao còn thấp, một số đơn vị còn thiếu nhân lực so với yêu cầu nhiệm vụ, do đó việc thực hiện tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu từ phí, các hoạt động cung cấp dịch vụ của một số ĐVSNCL không ổn định, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ để tiến tới tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Trong giai đoạn tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021, các ĐVSNCL bắt buộc phải thực hiện giảm tỷ lệ 10% biên chế mà chưa tính đến đặc điểm, tình hình, yêu cầu phát triển là chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, dân số tăng cơ học, số lượng trường lớp, học sinh, giường bệnh tăng hằng năm để phục vụ nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong giai đoạn này số biên chế sự nghiệp của tỉnh giao cho các đơn vị vẫn còn vượt so với cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Cụ thể: năm 2021, Bộ Nội vụ giao 22.253 biên chế, tỉnh Bình Dương giao 22.437 biên chế, vượt 184 biên chế, qua đó cho thấy việc phân bổ biên chế cần có tiêu chí đặc thù phát triển gắn với vị trí việc làm phù hợp, không nên bình quân giữa các địa phương, các lĩnh vực. Giai đoạn 2022-2026, Tỉnh cần kiến nghị bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục, Y tế cho Bình Dương. [3]

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần và loại hình doanh nghiệp khác kết quả thực hiện còn chậm, chủ yếu dừng lại ở mức rà soát, lập danh mục các ĐVSNCL đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần; một số nội dung còn vướng mắc trong cơ chế, chính sách xã hội hóa như việc hợp đồng, hợp tác liên doanh, liên kết của các ĐVSNCL, việc xây dựng và thực hiện Đề án khai thác, sử dụng tài sản công của các ĐVSNCL; công tác xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành giá/đơn giá dịch vụ sự nghiệp công, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công vẫn còn chậm.

3. Gợi ý một số giải pháp hoàn thiện hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Bình Dương trong thời gian tới

3.1. Nhóm giải pháp về thể chế chính sách:

Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, triển khai cần tiến hành bài bản, có sự chỉ đạo thống nhất, thực hiện theo lộ trình chặt chẽ. Điều này đòi hỏi các cấp có thẩm quyền tỉnh Bình Dương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về sắp xếp, vận hành các ĐVSNCL. Từ những hạn chế, khó khăn nêu trên, các cấp có thẩm quyền cần sớm xem xét ban hành, hoặc hoàn thiện các văn bản phê duyệt toàn bộ quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL, phê duyệt danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, ban hành đơn giá, giá dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước theo lộ trình giá dịch vụ được tính đủ chi phí làm cơ sở để các ĐVSNCL xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị. Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; có cơ chế giám sát, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành. Ban hành văn bản hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản lý ĐVSNCL theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL. Ban hành văn bản hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất; hướng dẫn việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND  cấp huyện trên cơ sở hợp nhất các Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Trạm Thủy nông. Thẩm định kế hoạch biên chế sự nghiệp hàng năm của tỉnh theo hướng quan tâm chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục và Y tế, tạo điều kiện thuận lợi bố trí đủ giáo viên, nhân lực y tế theo định mức để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công thiết yếu này

3.2. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao trách nhiệm điều hành, quản lý của UBND các cấp về sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL theo ngành, lĩnh vực và theo từng nhóm tự chủ. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và chức danh lãnh đạo, quản lý trong ĐVSNCL. Thực hiện đánh giá chất lượng, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý đảm bảo về năng lực, bố trí sắp xếp vị trí việc làm phù hợp năng lực chuyên môn, thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp dôi dư do sắp xếp tổ chức không đảm bảo sức khỏe, không đủ tiêu chuẩn, chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện số lượng cấp phó theo đúng quy định. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ của ĐVSNCL theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL, tăng cường hướng dẫn giải pháp cải thiện nguồn thu ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên để chuyển thành ĐVSNCL, tự bảo đảm chi thường xuyên khi đủ điều kiện theo quy định.

3.3. Nhóm giải pháp về nguồn lực:

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công, đảm bảo bình đẳng giữa ĐVSNCL và ngoài công lập; trong đó, có chính sách khuyến khích ưu đãi hơn nữa về đất đai, thuế, phí, tín dụng… tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị ngoài công lập, nhà đầu tư trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Rà soát, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho phép cổ phần hóa đối với ĐVSNCL có đủ điều kiện, gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; triển khai đồng bộ việc lập quy hoạch từng lĩnh vực, đẩy mạnh phát triển các cơ sở xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, định hướng, phấn đấu đến năm 2030 giảm 12-15% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước và giảm từ 15-20 % chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 02/04/2024 của Chính phủ [2]. Đẩy mạnh thực hiện lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL. Các ĐVSNCL có khả năng tính chi phí khấu hao có thể phân loại ở mức độ tự chủ tài chính cao hơn. Chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế thanh toán theo đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng; có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ; giảm dần phương thức giao nhiệm vụ. Tăng cường công khai minh bạch; thực hiện nghiêm các quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các ĐVSNCL và ngoài công lập, đặc biệt là về thực hiện chính sách chế độ tài chính; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế (cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo, tuyển dụng và giữa chân nhân viên y tế; tăng cường liên kết đào tạo, đào tạo lại và đào tạo tại chỗ nhân viên y tế đáp ứng triển khai các kỹ thuật đại chúng, chuyên môn sâu).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) (2017). Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Chính phủ (2024). Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 02 tháng 04 năm 2024. Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 02 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương (2024), Báo cáo số 58 /BC-ĐĐBQH, ngày 29/02/2024 về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

4. Đỗ Phương (2024), Thành phố Hồ Chí Minh nêu đề xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tạp chí Khoa học và Phổ thông của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Quốc hội (2010). Luật Viên chức 2010 số 58/2010/QH12.

Analysis of Operational Results of Public Service Units in Binh Duong Province
MASTER. PHAN THI CAM GIANG

PhD Candidate, National Academy of Public Administration
Lecturer, Faculty of Socio-Economic Management, Ho Chi Minh City Campus, National Academy of Public Administration

Abstract:
Recently, Binh Duong Province has made significant efforts to enhance the efficiency of public service provision and the implementation of social welfare policies, achieving some encouraging initial results. However, the operation of public service units (PSUs) still faces challenges and limitations, necessitating research and suggestions for solutions to improve their performance in the coming years. This article analyzes some operational results of PSUs in Bình Dương Province and proposes solutions related to policy frameworks, implementation organization, and resources. These solutions aim to remove institutional and policy constraints, enhance the efficiency of PSUs by increasing their autonomy and accountability, and promote the socialization of public service provision.

Keywords: public service units, results and solutions, Binh Duong Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2024]

Tạp chí Công Thương