Pháp luật về góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Pháp luật về góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam" do ThS. Nguyễn Viết Tú (Giảng viên, Trường Đại học Văn Hiến) và Lưu Thị Thùy Dương (MSSV: 201A320065, Sinh viên, Trường Đại học Văn Hiến) thực hiện. Nguyễn Viết Tú - Lưu Thị Thùy Dương Tóm tắt: Pháp luật về góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam

Tóm tắt:

Xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra khá mạnh mẽ thì việc tận dụng các nguồn lực bên ngoài nhằm phục vụ lợi ích quốc gia là điều cần thiết. Việc không ngừng sửa đổi và bổ sung Luật Đầu tư của Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở Việt Nam. Do đó, pháp luật về góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài mang tính chủ đạo trong tổng thể các quy định về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: toàn cầu hóa, Luật Đầu tư năm 2020, doanh nghiệp nước ngoài, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

1. Hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Cụm từ “huy động vốn” là sự tiếp nhận thêm những tài sản đến từ nhiều nhà đầu tư để duy trì hoạt động doanh nghiệp được lâu dài. Tăng thêm nguồn vốn để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Không phải tất cả các doanh nghiệp đều có đủ vốn cho những hoạt động kinh doanh lâu dài. Do đó vốn huy động rất cần thiết và quyết định nhiều đến việc mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nếu điều kiện kinh doanh thuận lợi[1].

Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp sẽ tạo nên khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi hiện nay chất lượng sản phẩm, nhu cầu người tiêu dùng ngày càng tăng cao và để đáp ứng được điều đó những doanh nghiệp phải chú trọng đến công tác vận hành và cho thấy được sự tiến bộ qua từng ngày hoạt động hay những chỉ số kinh doanh trên thị trường. Khi có được nguồn vốn đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng một số kế hoạch để quảng bá sản phẩm, đầu tư thêm một số công nghệ kỹ thuật mới để chất lượng sản phẩm tăng cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, tầm quan trọng của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hình thức mua cổ phần, phần vốn góp rất quan trọng.

2. Pháp luật về góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

2.1. Hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài được quy định như sau: nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư vào Việt Nam bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Đồng thời tại khoản 4, 5 Điều 65 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư, bao gồm: Các điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam như tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; Hình thức đầu tư; Phạm vi hoạt động đầu tư; Năng lực của nhà đầu tư; Đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư của Luật Đầu tư và các Điều 15, 16 và 17 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Theo quy định của Điều 25 Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế bằng hình thức sau: Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần - chỉ có công ty cổ phần mới được phát hành cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp:

Thứ nhất, các nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại khi được sự quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc do Điều lệ công ty quy định và mỗi loại cổ phần giống nhau đều sẽ giúp các nhà đầu tư có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau.

Thứ hai, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Ở đây có thể hiểu, công ty trách nhiệm hữu hạn có thể tăng vốn điều lệ khi tăng vốn góp của thành viên và tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới[2]. Về phía công ty hợp danh, loại hình này có thể tiếp nhận thêm thành viên mới theo quy định hiện hành đó là thành viên hợp danh và thành viên góp vốn[3].

Thứ ba, góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc hai trường hợp nêu trên. 

Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế.

2.2. Quyền và nghĩa vụ nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp

2.2.1. Quyền của nhà đầu tư nước ngoài

            Trước tiên, quyền lợi và nghĩa vụ hoàn thành trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tương tự như các nhà đầu tư trong nước, chẳng hạn như: việc chào bán cổ phần phổ thông của công ty. Khi các nhà đầu tư trong nước mua số cổ phần này sẽ trở thành cổ đông phổ thông của doanh nghiệp tham gia vào những hoạt động của công ty. Và các nhà đầu tư được tham dự, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông; được nhận cổ tức và được chuyển nhượng cổ phần cho người khác theo như quy định,... Do đó, khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động mua cổ phần sẽ không bị hạn chế quyền so với các nhà đầu tư trong nước.

Nhà đầu tư nước ngoài có quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Đối với những ngành nghề kinh doanh pháp luật không cấm thì các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể đầu tư, tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài nếu tiếp cận ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần tuân thủ theo những điều kiện được đặt ra. Xét ở khía cạnh khác, theo Điều 33 Luật Hiến pháp năm 2013 có quy định "Quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của công dân. Theo đó, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm". Ngoài ra, cũng tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định các quyền tự do của doanh nghiệp như: tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm; tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh.  

Nhà đầu tư được lựa chọn hình hình thức đầu tư để đầu tư. Tại Điều 21 Luật Đầu tư năm 2020 có quy định các hình thức đầu tư mà các nhà đầu tư có thể thực hiện. Như vậy, tuy không có quy định được đặt riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các hình thức đó cũng được áp dụng với các nhà đầu tư ngoài và thủ tục được tiến hành tương tự. Đôi khi, vì quy định không được thể hiện rõ ràng lại là vấn đề đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi lần đầu tiên đầu tư tại Việt Nam.

Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh là một trong những hình thức nhà đầu tư được phép tiến hành và khi các nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên góp vốn họ có quyền tương tự như các thành viên trong nước. Do đó, khi các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành các thủ tục như quy định để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh, họ hoàn toàn có quyền như những thành viên khác, như: Được chia lợi nhuận hằng năm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty; Chuyển nhượng phần vốn góp,... được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 187 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Được quyền định đoạt phần vốn góp của chủ sở hữu, của thành viên góp vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cho người khác theo quy định. Khi nhà đầu tư muốn mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty và mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh sẽ được hưởng các quyền lần lượt tại khoản 1 Điều 49 và khoản 1 Điều 187 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

2.2.2. Nghĩa vụ của các nhà đầu tư nước ngoài

Khi tiến hành góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các loại hình kinh tế các nhà đầu tư phải tuân theo những điều kiện được quy định trong những loại hình kinh tế đó.

Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán phần góp vốn, mua cổ phần khi tham gia góp vốn, mua cổ phần.

Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, hợp pháp của nội dung đăng ký đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.

3. Thực tiễn áp dụng pháp luật về góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Thứ nhất, mặc dù các vấn đề pháp lý điều chỉnh đầu tư đang mở rộng tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư, nhưng khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam cần làm rõ những ngành nghề thuộc danh sách 84 nghề hạn chế tiếp cận thị trường, trong đó có 25 ngành nghề chưa được tiếp cập thị trường, 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Do đó, một vấn đề được đặt ra khi cơ chế thực hiện, thủ tục còn nhiều bước khiến cho các nhà đầu tư phải chờ đợi, dẫn đến khó khăn trong quá trình tính toán chi phí, thời gian.

Thứ hai, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thay thế cho Nghị định số 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư không thể hiện rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Vì không thể hiện rõ nên ở mỗi doanh nghiệp tiếp nhận vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thỏa thuận về quyền lợi mà họ được hưởng, đồng thời là nghĩa vụ mà họ phải thực hiện khi đã là một phần của công ty đó. Đây có thể gọi là ý chí khách quan đến từ các bên nên rất cần sửa đổi và cập nhật thêm để đảm bảo nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài được lâu dài và tạo nên sự vững chắc về cơ sở pháp lý.

Ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn đã chọn Việt Nam làm điểm đến và các nhà đầu tư của châu Âu, Mỹ,... cũng đang khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam để quyết định lựa chọn. Điều đó cũng cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam là điểm đến khá hấp dẫn với họ. Tuy nhiên, để “giữ chân” nhà đầu tư vấn đề cần phải giải quyết ngay đó là cải thiện môi trường đầu tư hiện đang còn gặp nhiều hạn chế[4].

4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Qua những phân tích nêu trên một số kiến nghị được nêu ra góp phần vào hoàn thiện hệ thống pháp luật đầu tư, đó là:

Thứ nhất đối với quy định về nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư năm 2020 có quy định nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Quy định này khá rõ ràng, tuy nhiên vẫn chưa biểu thị được hết hàm ý để truyền đạt được đến với những người khác hoặc là các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể là chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh tại nước ngoài được phép đầu tư vào Việt Nam hay không? Xét thấy luật của Việt Nam không có điều khoản cấm chi nhánh, văn phòng đại diện không được tham gia, điều đó có nghĩa các đơn vị phụ thuộc vẫn được phép đầu tư vào Việt Nam theo như cách diễn đạt về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư năm 2020.

Thứ hai là tuyên truyền pháp luật về đầu tư với nhân dân, đặc biệt đối với những doanh nghiệp đang và đã có sự góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Các cơ quan có thẩm quyền nên tăng cường tuyên truyền bằng các hình thức khác nhau như sách, báo, trang điện tử,... để tiếp cận hơn với mọi người. Đồng thời ở các trang web chính thức của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ,... nên cập nhật kịp thời các văn bản liên quan đến pháp luật đầu tư, cũng như cập nhật chi tiết hơn các thủ tục thực hiện đối với nhà đầu tư nước ngoài với hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Thứ ba là nâng cao trình độ chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền. Để đảm bảo các quy định pháp lý liên quan đến đầu tư tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện hiệu quả, việc đào tạo, nâng cao trình độ của cơ quan có thẩm quyền rất  quan trọng, không chỉ nâng cao về trình độ chuyên môn mà còn cả các kỹ năng cơ bản như giải quyết các vấn đề hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đúng các quy trình thủ tục theo quy định của nhà nước, chứng chỉ tin học, tiếng Anh,... để phục vụ cho quá trình xử lý các hồ sơ của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.

Thứ tư, theo quy định tạo điểm c khoản 2 Điều 25 Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh. Như vậy, trong công ty hợp danh tồn tại thành viên góp vốn và thành viên hợp danh, ở đây nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép trở thành thành viên góp vốn mà không thể trở thành thành viên hợp danh. Trong khi đó, tại khoản 3 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của doanh nghiệp tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại, xét thấy vẫn có quyền chuyển nhượng nếu nhận được sự chấp thuận, nhưng lại không quy định nhà đầu tư nước ngoài có thể trở thành thành viên hợp danh.

5. Kết luận

Nhìn chung, hiện nay, thị trường Việt Nam đang thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, nhưng còn hạn chế bởi các quy định pháp luật. Do đó cần thực hiện các biện pháp sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện cơ chế pháp lý đối với quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam. Cần phát huy thêm nữa thế mạnh sẵn có, khắc phục những điểm còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là nước ổn định về chính trị - xã hội để có thể yên tâm đầu tư cũng là một ưu thế. Các thống kê số liệu đầu tư qua từng năm đã phản ánh được sự quan tâm và phát triển tích cực ở các lĩnh vực đầu tư, cũng như những con số khả quan ở hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Do đó, rất cần Nhà nước ngày càng hoàn thiện hơn nữa những vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh việc đầu tư bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tương lai.

 

* Bài viết là một phần của kết quả nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường: Pháp luật về góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam của sinh viên Lưu Thị Thùy Dương, do giảng viên ThS. Nguyễn Viết Tú hướng dẫn (Theo Quyết định số 543/MYH24/VHU/QĐ ngày 25/3/2024).

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:


[1] Nguyễn Lý (2022). Vốn huy động là gì? Vai trò và cách huy động vốn phổ biến. Truy cập tại: https://www.careerlink.vn/cam-nang-viec-lam/kien-thuc-kinh-te/von-huy-dong-la-gi-vai-tro-va-cach-huy-dong-von-pho-bien

[2] Điều 68 Luật Doanh nghiệp năm 2020

[3] Điều 186 Luật Doanh nghiệp năm 2020

[4] Thúy Hà (2022). Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn FDI. Truy cập tại: https://cand.com.vn/Kinh-te/cai-thien-moi-truong-dau-tu-de-thu-hut-von-fdi-i657523/

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2013). Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 28 tháng 11 năm 2013.
  2. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015). Bộ luật Dân sự (Luật số: 91/2015/QH13) ngày 24 tháng 11 năm 2015.
  3. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2005). Luật Đầu tư (Số: 59/2005/QH11) ngày 29 tháng 11 năm 2005.
  4. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2014). Luật Đầu tư (Số 67/2014/QH13) ngày 26 tháng 11 năm 2014.
  5. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2020). Luật Đầu tư (Số 38/VBHN-VPQH) ngày 07 tháng 12 năm 2020.
  6. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2020). Luật Doanh nghiệp (Luật số: 59/2020/QH14) ngày 17 tháng 6 năm 2020.
  7. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2020). Luật Chứng khoán (Luật số: 54/2019/QH14) ngày 26 tháng 11 năm 2019.
  8. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2021). Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
  9. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2014). Nghị định số 01/2014/ NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
  10. Hùng Lê (2018). Xu hướng góp vốn, mua cổ phần của nước ngoài sẽ bùng nổ. Truy cập tại: https://www.thesaigontimes.vn/267397/TPHCM-Xu-huong-gop-von-mua-co-phan-cua-nuoc-ngoai-se-bung-no.html.
  11. Lê Phúc, Trang Anh (2023). Hệ thống pháp luật và chính sách thúc đẩy đầu tư của Singapore, những kinh nghiệm cho Việt Nam. Truy cập tại: https://phaply.net.vn/he-thong-phap-luat-va-chinh-sach-thuc-day-dau-tu-cua-singapore-nhung-kinh-nghiem-cho-viet-nam-a256491.html.
  12. Nguyễn Lý (2022). Vốn huy động là gì? Vai trò và cách huy động vốn phổ biến. Truy cập tại: https://www.careerlink.vn/cam-nang-viec-lam/kien-thuc-kinh-te/von-huy-dong-la-gi-vai-tro-va-cach-huy-dong-von-pho-bien.
  13. Phùng Nguyệt (2020). Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ. Truy cập tại: https://vietnambiz.vn/hiep-dinh-ve-khuyen-khich-va-bao-ho-dau-tu-giua-viet-nam-va-an-do-20200111092501084.htm.

 

Regulations on capital contribution and share purchases by foreign investors in Vietnamese enterprises

Master. Nguyen Viet Tu1

Luu Thi Thuy Duong2

1Lecturer, Van Hien University

2Student, Van Hien University

Abstract:

Amid the accelerating trends of regionalization and globalization, leveraging external resources to advance national interests has become increasingly critical. The ongoing amendments and updates to Vietnam's Law on Investment underscore the emphasis on creating a level playing field for both domestic and foreign enterprises. Within this legal framework, regulations governing capital contributions, share purchases, and capital contributions by foreign investors play a pivotal role, forming the cornerstone of Vietnam's approach to managing foreign investment in the current era.

Keywords: globalization, the Law on Investment 2020, foreign enterprises, capital contribution, share purchase, capital contribution.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]