Trước đó, trong phần thảo luận và tranh luận tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư; ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 15 và Điều 16).
Có ý kiến cho rằng quy định về đối tượng được ưu đãi đầu tư phải bảo đảm nguyên tắc thu hút đầu tư có chọn lọc, tránh tràn lan, theo định hướng phát triển các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, các vùng kinh tế có tác động lan tỏa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, các đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 và Điều 16 dự thảo Luật được cập nhật phù hợp với quan điểm, định hướng, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn của Đảng và Nhà nước.
Địa bàn ưu đãi đầu tư được xác định căn cứ vào vai trò, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của từng địa bàn, gồm địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có tác động lan tỏa (khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế).
Đối tượng, ngành, nghề ưu đãi đầu tư tập trung vào doanh nghiệp công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số...
Cụ thể, khoản 1, Điều 17 các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sau đây được ưu đãi:
a) Hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.
b) Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng;
c) Sản xuất sản phẩm điện tử, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô; đóng tàu;
d) Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, da giày và các sản phẩm quy định tại điểm c khoản này;
đ) Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số;
e) Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học;
g) Thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải;
h) Đầu tư phát triển và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng; phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị;
i) Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học;
k) Khám bệnh, chữa bệnh; sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc chủ yếu, thuốc thiết yếu, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, vắc xin, sinh phẩm y tế, thuốc từ dược liệu, thuốc đông y; nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới;
l) Đầu tư cơ sở luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao cho người khuyết tật hoặc chuyên nghiệp; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
m) Đầu tư trung tâm lão khoa, tâm thần, điều trị bệnh nhân nhiễm chất độc màu da cam; trung tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em lang thang không nơi nương tựa;
n) Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
o) Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
p) Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành;
q) Dự án khởi nghiệp sáng tạo.
Những doanh nghiệp thuộc những ngành nghề nói trên được áp dụng 3 hình thức ưu đãi:
1) Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;
2) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;
3) Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.