Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 23/8/2021 của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý xuất nhập khẩu các mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước trong đó có mặt hàng xăng dầu, than, sắt thép... trong những ngày qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương đã trực tiếp chỉ đạo Cục QLTT Hải Dương phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế (C03) - Bộ Công an đồng loạt kiểm tra 21 điểm kinh doanh than (bãi than) của các doanh nghiệp và cá nhân nằm rải rác trên địa bàn thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Bắt đầu ập vào kiểm tra từ ngày 19/8, với sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục QLTT, Cục QLTT Hải Dương đã phối hợp “nhịp nhàng” với Cục Cảnh sát Kinh tế và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát 21 bãi than của các doanh nghiệp, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn thị xã Kinh Môn, Hải Dương.
Tính đến chiều tối nay (24/8), lực lượng chức năng mới hoàn tất quá trình kiểm tra và có kết quả sơ bộ về khối lượng sản phẩm có dấu hiệu vi phạm của 15/21 bãi.
Ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT - Phụ trách Cục QLTT Hải Dương cho biết, trong 6 ngày qua, với sự tham gia của 135 cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng QLTT và Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát cơ động, lực lượng liên ngành mới chỉ hoàn tất việc kiểm tra sơ bộ của 15/21 bãi than.
Hiện chương trình kiểm tra đang được gấp rút thực hiện để bước đầu xác định khối lượng và dấu hiệu vi phạm làm căn cứ để xử lý theo quy định.
Cũng theo thông tin từ ông Hoàng Ánh Dương, mỗi bãi than nằm cách nhau từ 5-7km, giáp bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển đường thủy. Đường đi vào các bãi than rất gập ghềnh, khó khăn, nằm ở xa khu dân cư.
Một bãi than nhưng có nhiều doanh nghiệp bao gồm cả tổ chức, cá nhân quản lý nên lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xác minh.
“Trung bình mỗi bãi than thường có nhiều chủ hàng. Các chủ hàng đều không có mặt cùng một thời điểm để làm việc với lực lượng chức năng đã gây khó khăn và kéo dài thời gian kiểm tra của Đoàn. Các anh em vẫn phải trực chốt tại các bãi để tạm giữ, bảo quản, trông coi hàng hóa. Mỗi bãi than huy động từ 8-10 đồng chí tham gia trực chốt, giám sát, trông coi bảo quản hàng hóa” đại diện Cục Cảnh sát Kinh tế cho biết.
Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện phần lớn các bãi than đều có khối lượng than chênh lệch so với hoá đơn nhập hàng mà chủ sở hữu xuất trình khi làm việc.
Đơn cử, tại 1 trong số 15 cơ sở đã được kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ. Đây là số lượng than rất lớn được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua.
Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở, đồng thời phối hợp với Tổng cục địa chất khoáng sản để giám định, đối chiếu, làm rõ chủng loại than cũng như sự chênh lệch khối lượng than hiện có trên bãi so với số hoá đơn nhập hàng do doanh nghiệp xuất trình để làm căn cứ xử lý đúng theo quy định của Pháp luật.
Thông tin về vụ việc này, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, do số điểm vi phạm cộng với khối lượng sản phẩm có dấu hiệu vi phạm rất lớn, chúng tôi phải tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan như Tổng cục địa chất khoáng sản, cơ quan Thuế cùng vào cuộc để xác minh, giám định, điều tra làm rõ từ đó đưa ra những kết luận chính xác nhất về hành vi vi phạm.