Thông tin mới nhất tử Tổng cục QLTT cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng giá nhiều mặt hàng trong dịch bệnh Covid-19, ngay chiều 16/7/2021 các Đội QLTT của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã lập tức tiến hành kiểm tra và làm việc với 75/641 cửa hàng tại các địa bàn Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 7, Quận 10, Quận 11, Quận Tân Bình, Quận Tân Phú, Quận Bình Tân, Quận Phú Nhuận, Thành phố Thủ Đức, Huyện Bình Chánh.
Ghi nhận của lực lượng QLTT cho biết, nhìn chung hàng hóa tại các cửa hàng dồi dào, thực hiện niêm yết giá bán theo quy định.
Trong những ngày qua, phương thức hoạt động của cửa hàng chỉ cho giới hạn số lượng người vào trong mua sắm (cụ thể từ 5 đến 10 người trong 01 lượt mua sắm tùy diện tích của các cửa hàng), số lượng khách còn lại sẽ đứng xếp hàng bên ngoài cửa hàng chờ với khoảng cách đảm bảo 2 mét tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, các cửa hàng cung cấp thông tin hóa đơn chứng từ đầu vào của hàng hóa được lưu trữ tại Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh (địa chỉ số 128 Trần Quang Khải, Phường Tân Định, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh); giá cả hàng hóa mỗi ngày được thông báo qua phần mềm quản lý nội bộ QR code, không sử dụng hệ thống máy tính kế toán tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh cho biết, hiện hệ thống Bách Hóa Xanh ở TP Hồ Chí Minh có 560 cửa hàng. Trong mùa dịch, khó khăn nhất là việc hệ thống phải cung cấp đủ hàng tươi sống như thịt, cá, rau củ quả cho người dân.
Bình thường, mỗi ngày Bách Hóa Xanh phải cung cấp 500-600 tấn rau; nhưng trong ngày 14 và 15/7 đã nâng lên 2.100- 2.500 tấn rau. Hiện Bách Hóa Xanh đang nỗ lực đẩy sản lượng này lên 3.000 tấn rau nhằm ổn định thực phẩm cho người dân.
Cũng theo ông Trần Kinh Doanh, việc cung ứng hàng hoá những ngày qua căng thẳng do có tin đồn TP Hồ Chí Minh sẽ bị phong toả, vì thế nhiều người dân đã đổ xô đến các siêu thị mua thực phẩm. Đáng chú ý, có những cá nhân, tổ chức đã gom hàng, bán lại hàng đã mua với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, chính quyền Thành phố đã bác bỏ tin đồn trên, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm, hàng hóa dồi dào tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
“Gần đây có một số phản ánh về giá bán tại Bách Hóa Xanh cao hơn những nơi khác, hiện Bách Hóa Xanh đang thu nhập đầy đủ thông tin sẽ trả lời sớm bằng văn bản chính thức cho cơ quan chức năng rõ về việc trên.
Chúng tôi bằng mọi cách mang hàng về phục vụ cho người dân và niêm yết giá rõ lên các sản phẩm, nếu khách hàng thấy điều gì chưa được, bất hợp lý thì xin phản ánh và chúng tôi xin tiếp nhận”, ông Trần Kinh Doanh nói.
Qua làm việc các Đội QLTT đề nghị, hệ thống Cửa hàng chấp hành quy định về niêm yết giá hàng hóa theo quy đinh và bán đúng giá niêm yết; đảm báo số lượng và chất lượng hàng hóa, không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đồng thời, duy trì hoạt động theo đúng thời gian quy định; tuân thủ quy định 5K của Bộ Y Tế. Cùng với đó, tuyên truyền quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch; quy định pháp luật xử lý đối với hành vi đầu cơ hàng hóa, hành vi găm hàng.
Ông Trương Văn Ba, Cục Trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vì thế việc các hệ thống siêu thị, cửa hàng liên tục bình ổn mặt hàng để phục vụ nhân nhân là việc làm rất tốt.
Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng khó khăn tăng giá, trục lợi, Cục QLTT TP sẽ thường xuyên nắm bắt, kiểm tra kịp thời để phát hiện những hành vi vi phạm, nhất là với những mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch như vật tư y tế, thuốc tân dược và các mặt hàng bà con tiêu dùng hàng ngày như rau củ quả, thịt, cá trứng...
Bên cạnh đó, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cũng công khai và niêm yết số điện thoại đường dây nóng 028.39322491 để người dân, siêu thị phản ánh khi có tình trạng gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán hoặc tăng giá bất hợp lý. Các Đội QLTT sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra trong những ngày tiếp theo.