Hưởng ứng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2023 và Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2023, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới”.
Đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì và chỉ đạo Hội thảo.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đáp ứng được quá trình phát triển và hội nhập của ngành Công Thương
Phát biểu tại hội thảo TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết, để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới”, nhằm phát huy hơn nữa vai trò và đóng góp của nghiên cứu khoa học trong xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương.
“Đây cũng là dịp để Bộ Công Thương hưởng ứng và tôn vinh các nhà khoa học đã và đang có những đóng góp trong nghiên cứu và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại”- TS. Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.
Những năm vừa qua, khoa học ngành Công Thương đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, kể từ sau Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành, nhiều công trình đề tài nghiên cứu khoa học của các đơn vị nghiên cứu đã phục vụ và đáp ứng quá trình phát triển và hội nhập của ngành Công Thương nói chung và của nền kinh tế nói riêng, qua đó góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, học giả đến từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng tham luận và chia sẻ về những đóng góp của hoạt động nghiên cứu khoa học trong xây dựng và hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương.
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học góp phần chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới, các nhà khoa học, các chuyên gia, học giả đến từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã có những tham luận về định hướng chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; nâng cao vai trò của nghiên cứu khoa học trong xây dựng và hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong tình hình mới vai trò của các tổ chức nghiên cứu phát triển trong thời kì mới và thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương.
Đồng thời, đề xuất ý kiến tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học xây dựng những cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại đủ mạnh và khả thi; đổi mới nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương theo hướng cụ thể, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế.
Bên cạnh đó, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển công nghiệp và thương mại nhanh, bền vững và bao trùm. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học góp phần chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp tham gia cùng các Viện, Trường nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển ngành Công Thương. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ lôi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao các tham luận và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, các tham luận đã cho thấy những đóng góp các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhưng vẫn phải thực hiện theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
"Các chuyên gia đã có đề xuất, đưa ra giải pháp, phân tích những tồn tại, khó khăn, thách thức và kiến nghị cụ thể để có thể hoàn thiện hơn nữa các chính sách phát triển ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ.
Cũng tại Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trao Quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Giang giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã chúc mừng và đề nghị tân Phó Viện trưởng Nguyễn Khắc Quyền bắt tay ngay vào công việc, nghiên cứu, cập nhật ngay các nhiệm vụ của Viện để tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng các kế hoạch hoạt động của mình cũng như tham gia cùng Ban lãnh đạo Viện và tập thể người lao động thực hiện tốt, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Bộ Công Thương giao cho Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, đồng thời cũng bày tỏ kì vọng ở cương vị mới ông Nguyễn Khắc Quyền sẽ tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển của ngành Công Thương.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, ông Nguyễn Khắc Quyền hứa sẽ thực hiện tốt chức trách và nhiệm vụ được Lãnh đạo Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công Thương cũng như Đảng bộ Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương giao.
"Trong thời gian tới, mong rằng sẽ nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo cấp trên, sự đồng thuận của Ban lãnh đạo Viện cùng tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động tại Viện để có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành Công Thương dựa trên kinh nghiệm gần 30 năm công tác trong ngành Công Thương." - ông Nguyễn Khắc Quyền, tân Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương chia sẻ.