TÓM TẮT:
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), xu hướng số hóa tác động sâu rộng tới hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực và bối cảnh dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu người dân, doanh nghiệp, ngân hàng phải chuyển dịch mạnh sang giao tiếp qua kênh số. Do đó, các ngân hàng Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức lớn từ bối cảnh mới này. Chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược, nhằm giúp Ngành cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán.
Từ khóa: thanh toán, chuyển đổi số, công nghệ 4.0, ngân hàng số.
1. Đặt vấn đề
Thời gian qua, lĩnh vực thanh toán, đặc biệt là thanh toán điện tử đã chứng kiến những tác động mạnh mẽ từ cuộc CMCN 4.0. Bên cạnh việc hoàn thiện các dịch vụ thanh toán truyền thống, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã và đang triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, số lượng tài khoản cá nhân mở tại các NHTM trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 NHTM đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và khoảng 36 NHTM cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 21 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán). Bên cạnh đó, vấn đề an ninh, an toàn bảo mật trong lĩnh vực thanh toán được ngành Ngân hàng hết sức quan tâm, chú trọng.
2. Một số cơ hội mà CMCN 4.0 đem lại đối với lĩnh vực thanh toán tại các ngân hàng
Hiện nay, khách hàng đang dần chuyển đổi việc mua sắm trực tiếp truyền thống sang mua sắm trên các trang thương mại điện tử. Vì vậy, các ngân hàng luôn ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin hiện đại như phần mềm corebanking thế hệ mới, ứng dụng các giải pháp sáng tạo theo xu hướng chung về chuyển đổi số, số hóa dịch vụ của ngành Ngân hàng với mục tiêu cuối cùng là cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, đơn giản, thông minh và tiếp cận khách hàng tốt nhất.
Việc áp dụng công nghệ số giúp ngân hàng đơn giản hóa các quy trình thủ tục, giấy tờ. Nếu như trước đây dùng quy trình giấy tờ truyền thống tốn rất nhiều thời gian, thì nay việc ứng dụng công nghệ số giúp cho việc trao đổi thảo luận tức thời hơn, công việc luân chuyển tốt hơn, giảm thủ tục giấy tờ hành chính, đồng thời tính minh bạch cũng được nâng cao hơn. Ví dụ, theo phương thức truyền thống, khi muốn nộp tiền vào tài khoản tại ngân hàng khác, khách hàng phải đến ngân hàng thực hiện thao tác, nhưng hiện nay chỉ cần 1 phút thao tác trên điện thoại là xong. Điều này góp phần giảm thiểu thời gian và chi phí cho khách hàng.
Đồng thời, cuộc CMCN 4.0 cũng tạo cơ hội cho các ngân hàng vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, mở rộng phạm vi hoạt động ra thị trường quốc tế. Việc ứng dụng công nghệ số giúp các ngân hàng dễ dàng đưa các dịch vụ của mình đến gần với khách hàng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Khách hàng chỉ cần ở vị trí của mình và sử dụng các thiết bị thông minh là có thể sử dụng các dịch vụ tiện ích của các ngân hàng mà không phải mất thời gian, chi phí và những giấy tờ thủ tục hành chính phức tạp. Ðây có thể cho là lợi ích rất lớn mà CMCN 4.0 đem lại cho việc cải cách giảm các thủ tục hành chính cho các ngân hàng.
Bên cạnh đó, sự phát triển của trí thông minh nhân tạo, blockchain, khoa học dữ liệu, nhận diện số và sinh trắc học… đã tạo nền tảng cơ sở hạ tầng quan trọng, từ sử dụng nhân viên ngân hàng truyền thống sang sử dụng trí tuệ nhân tạo, robot sẽ dần thay thế một số hoạt động của con người. Đồng thời, nhận dạng số sẽ trở thành nhận dạng cơ bản và được bảo mật thông qua yếu tố sinh trắc học như giọng nói hay dấu vân tay và một số các thiết bị thông minh khác.
Thực tế hiện nay, một số ngân hàng đã và đang triển khai các dịch vụ mới tiện ích trên nền tảng công nghệ như:
+ A Transfer service: cho phép khách hàng giao dịch thanh toán hoặc chuyển khoản bằng tin nhắn SMS tại bất kỳ nơi nào có phủ sóng di động.
+ A Paybill: cho phép khách hàng thanh toán hóa đơn bằng tin nhắn.
+ Emobile banking: cho phép khách hàng thực hiện nhiều dịch vụ tài chính - ngân hàng như chuyển khoản, nạp tiền điện thoại trả trước, mua thẻ game, thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn… và các dịch vụ phi tài chính - ngân hàng như trao đổi thông tin, quản lý đầu tư…
Bên cạnh thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của các khách hàng ở khắp mọi nơi trên thế giới thì CMCN 4.0 cũng tạo điều kiện cho ngân hàng cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp đến người dân chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý; từ đó góp phần làm đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia.
3. Thách thức đối với lĩnh vực thanh toán tại các ngân hàng
Thứ nhất, phải nói đến thách thức về năng lực tài chính để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin. Thế giới đang triển khai mạng 5G. Việt Nam cần nhanh chóng đi trước trong việc triển khai mạng 5G để có cơ sở hạ tầng viễn thông tạo điều kiện cho các ứng dụng công nghệ số hiện đại trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Vì thế, nguồn lực tài chính cũng thực sự là rào cản rất lớn.
Thứ hai là thách thức về quản lý và sự an toàn. Sự phát triển của công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi khối), big data (dữ liệu khối lượng lớn), AI (trí thông minh nhân tạo) đòi hỏi các ngân hàng phải có sự thay đổi về mô hình quản lý và các hành lang an toàn trước những sự cố về an ninh mạng và bảo mật thông tin khách hàng trong thời kỳ công nghệ số. Bởi trong thời gian gần đây, những vụ vi phạm và tấn công mạng đang gia tăng, dẫn đến tình trạng bất ổn, tiếp tục xói mòn niềm tin của khách hàng. Ngân hàng đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ hoạt động thanh toán điện tử. Trong đó, khuôn khổ
pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử... là những vấn đề mới, phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và viễn thông. Ví dụ điển hình là việc áp dụng công nghệ nhận dạng chữ viết OCR trong việc định danh khách hàng. Tại các nước phát triển, ứng dụng nhận định OCR chỉ cần đọc các ký tự, hình ảnh trên chứng minh nhân dân (CMND) khách hàng với một mẫu đồng bộ cho mỗi quốc gia. Thế nhưng ở Việt Nam, ứng dụng này cần nhận biết rất nhiều loại giấy tờ như CMND cũ, CMND mới, thẻ căn cước công dân, gây khó khăn cản trở rất nhiều cho hoạt động giao dịch hàng ngày của khách hàng. Vì vậy, nếu hoàn thiện hành lang khung pháp lý sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, thủ tục cho khách hàng rất nhiều.
Thứ ba là thách thức trong chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang mô hình kinh doanh ngân hàng công nghệ số. Mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, thanh toán có thể phải được xem xét lại để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh trí tuệ nhân tạo, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử; hay thách thức trong việc phải nghiên cứu, tối đa hóa trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực thanh toán để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng thời đại CMCN 4.0. Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng của những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên. Đối với lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do vậy, thách thức chung cho toàn bộ ngành Ngân hàng Việt Nam và nói riêng cho lĩnh vực thanh toán trong bối cảnh CMCN 4.0 chính là vấn đề an toàn cho hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán và vấn đề bảo mật thông tin, về các loại tội phạm công nghệ cao, cũng như thách thức về trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin. Thứ tư là thách thức từ sự cạnh tranh của ngành Ngân hàng rất khốc liệt. Nếu các ngân hàng không có sự thay đổi kịp thời cũng như thiếu định hướng chiến lược thì có thể dẫn đến thất bại.
4. Một số giải pháp
Một là, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng các công nghệ hiện đại thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của khu vực tài chính, ngân hàng. Trong đó, nhiệm vụ xuyên suốt là nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại của CMCN 4.0.
Hai là, các tổ chức tài chính nói riêng và các định chế tài chính nói chung cần tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, hỗ trợ cho sự phát triển của toàn hệ thống.
Ba là, tăng cường ứng dụng chuỗi cung ứng thông minh. CMCN 4.0 sẽ tạo ra một mô hình chuỗi cung ứng mới gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của khách hàng. Do đó, chuỗi cung ứng mới này sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu duy nhất, làm cho chuỗi cung ứng thông minh, minh bạch và hiệu quả hơn ở mọi giai đoạn, từ khi phát sinh nhu cầu cho đến khi bàn giao dịch vụ, sản phẩm. Như vậy, đứng trước kỷ nguyên CMCN 4.0, các ngân hàng trong nước cần tìm kiếm những giải pháp toàn diện cho dịch vụ tài chính, ngân hàng thông qua sử dụng các dữ liệu thông minh.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện chiến lược tài chính toàn diện, trong đó nhấn mạnh vai trò ứng dụng CNTT, khuyến khích sự phát triển hợp tác giữa ngân hàng và các công ty tài chính công nghệ fintech; Thúc đẩy hệ sinh thái fintech phát triển, trở thành một phần của hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại.
Năm là, chú trọng quản lý an ninh mạng. CMCN 4.0 đã đẩy cao mức độ chia sẻ thông tin, từ đó tạo ra một nhu cầu rất lớn về bảo mật và an toàn thông tin. Theo đó, các ngân hàng và các định chế tài chính cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (khôi phục dữ liệu sau thảm họa); Nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao; Đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.
Sáu là, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính, ngân hàng. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, tăng khả năng ứng dụng CNTT. Việc đào tạo, quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao được thực hiện trên toàn hệ thống tài chính.
Bảy là, cần tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh cho việc triển khai và phát triển ngân hàng số.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.
- Viện Chiến lược ngân hàng (2016), Báo cáo đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và một số định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam.
- Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2016), Báo cáo kết quả triển khai Quyết định số 2453/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015.
Opportunities and challenges to the banking payment field in the context of technological advancements
Master. Nguyen Ngoc Anh
Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
In the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0), the digitization has far-reaching impacts on most industries, and the COVID-19 pandemic poses requirements for businesses including banks to increasing use digital communication channels. It brings both great opportunities and challenges to Vietnamese banks. Digital transformation is no longer an option but a mandatory requirement for banks in Vietnam. Digital transformation is considered a strategic development direction to help Vietnmese banking industry, especially the banking payment field, improve its competitiveness and develop sustainably in the Industry 4.0.
Keywords: payment, digital transformation, Industry 4.0, digital banking.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 2 năm 2023]