TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thực trạng phát triển ngân hàng xanh hiện nay, từ đó, đưa ra một số kiến nghị hỗ trợ phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam. Theo đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành kịp thời hệ thống khung pháp lý và chính sách hỗ trợ đảm bảo tính thích ứng với biến động của nền kinh tế hiện nay dưới góc độ tổng thể của nền kinh tế. Đồng thời, tích cực triển khai các chính sách liên quan đến ngân hàng xanh, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực thi các chính sách liên quan đến ngân hàng.
Từ khóa: ngân hàng xanh, tín dụng xanh, môi trường, xã hội, phát triển bền vững, pháp luật.
1. Đặt vấn đề
Kinh tế xanh ngày nay xuất hiện như một lựa chọn tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế lâu dài của đất nước. Xanh hóa nền kinh tế đang là xu hướng hiện nay và là vấn đề đang được đặc biệt quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế, nhằm hạn chế các tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội.
Ngân hàng xanh, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật thông tin, triển khai các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, từ đó tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp đầu tư dự án, cơ sở hạ tầng nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hiện tượng này đã tác động đến đời sống, sinh kế của người dân. Việc thúc đẩy tăng trưởng xanh cũng như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là xu thế tất yếu, là một trong những điều kiện để Việt Nam đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực này chưa được khai thác hết tiềm năng và còn gặp nhiều thách thức, như cần kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng để thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề xã hội, cũng như cần một nguồn nhân lực lớn, có chất lượng cao để triển khai.
2. Hành lang pháp lý và kết quả phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam đã kịp thời ban hành các chiến lược, kế hoạch hành động phù hợp thực tiễn nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng của Việt Nam đã bắt đầu thực hiện việc xanh hóa hoạt động để đi theo xu hướng chung từ các quốc gia khác, rút ra kinh nghiệm cho việc phát triển ngân hàng xanh. Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 theo Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 của Ngân hàng Nhà nước; rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng - ngân hàng xanh vào Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước về việc phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Như vậy, hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện để tạo điều kiện cho ngân hàng xanh, tín dụng xanh phát triển tại Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, như cam kết tại Chương trình Nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hiệp quốc năm 2015, kí thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016 và gần đây nhất tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó là tăng tỷ trọng vốn tín dụng vào năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, các ngành sản xuất, tiêu dùng ít carbon, lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong chương trình dự án vay vốn, với mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự năm 2030 về sự phát triển bền vững với 3 mục tiêu chính:
Một là, thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được mục tiêu thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường;
Hai là, nâng cao nhận thức vai trò năng lực của ngành Ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực phát thải cao, tăng dần tỷ trọng dư nợ xanh, thực hiện quản lý rủi ro về môi trường và xã hội, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh thực hiện tăng trưởng xanh;
Ba là, phát triển các mô hình, ngân hàng số ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 để xanh hóa hoạt động ngân hàng, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy, ứng dụng công nghệ mới tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Để cụ thể hóa mục tiêu thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay, cấp tín dụng, quản lý rủi ro về môi trường, đảm bảo phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường, như: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra yêu cầu ngành Ngân hàng phải thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn chỉnh thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, đến ngày 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt 528 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 45% và nông nghiệp xanh chiếm 31%. Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 20% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành Tài chính ngân hàng, hướng tới phát triển bền vững.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp tín dụng xanh hiện nay còn gặp phải các khó khăn, vướng mắc:
Một là, chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí danh mục, dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế làm cơ sở để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới;
Hai là, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng đánh giá hiệu quả dự án, khả năng trả nợ của khách hàng, khó khăn trong việc giám sát, quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường;
Ba là, việc đầu tư vào các ngành lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là các nguồn vốn cho vay ngắn hạn gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung/dài hạn theo quy định;
Bốn là, hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án tiềm ẩn rủi ro, thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.
3. Định hướng chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng cho mục tiêu phát triển bền vững
Trên cơ sở bám sát các mục tiêu, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động ngân hàng nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, triển khai Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 của Ngân hàng Nhà nước ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược ngân hàng về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo dõi, hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro về môi trường theo Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện, hướng dẫn các tổ chức tín dụng thống kê tình hình cấp tín dụng xanh đối với danh mục xanh quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Phê duyệt danh mục phân loại dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, phát triển nền tảng số, hạ tầng số, sản phẩm, dịch vụ số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số góp phần phát triển bền vững; tích cực triển khai công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho các tổ chức tín dụng trong triển khai, phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh; đẩy mạnh đàm phán, thảo luận cho các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh.
4. Đề xuất một số giải pháp
Để thúc đẩy phát triển hoạt động tín dụng xanh, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cần có các giải pháp như sau:
- Một là, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành kịp thời hệ thống khung pháp lý và chính sách hỗ trợ đảm bảo tính thích ứng với biến động của nền kinh tế hiện nay dưới góc độ tổng thể của nền kinh tế. Đồng thời, tích cực triển khai các chính sách liên quan đến ngân hàng xanh, cũng yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ từ Ban lãnh đạo của từng ngân hàng. Trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước cần tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật chi tiết liên quan đến tín dụng xanh, bao gồm các ngành và lĩnh vực ưu tiên theo danh mục được cơ quan quản lý nhà nước công bố. Đối với danh mục không thuộc danh mục cấm theo Luật Bảo vệ Môi trường và các Điều ước quốc tế, cần tuân thủ theo hiệp định của Việt Nam với từng quốc gia hoặc tổ chức quốc tế để có được ưu đãi phù hợp với từng ngành nghề khác nhau. Việc phát triển và tổ chức hóa các tổ chức tín dụng xanh sẽ góp phần tăng cường giá trị của chính sách hỗ trợ, qua đó tạo môi trường ổn định hỗ trợ Tổ chức tín dụng phát triển tín dụng xanh và có các chính sách hỗ trợ khác trong việc vay vốn hay lãi suất.
Hai là, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực thi các chính sách liên quan đến ngân hàng. Trước hết, cần đào tạo bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho các cán bộ tín dụng, mỗi cá nhân tham gia hoạch định và thực thi các chính sách đối với hoạt động tín dụng xanh để nâng cao năng lực của ngành Ngân hàng trong việc triển khai tín dụng xanh. Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn thông qua đánh giá kỹ lưỡng trên mọi phương diện, từ đạo đức nghề nghiệp đến năng lực và trình độ chuyên môn của từng nhân sự tín dụng. Để bảo đảm chất lượng tín dụng và giảm thiểu đến mức thấp nhất rủi ro, đội ngũ cán bộ phụ trách tín dụng xanh cần có trình độ chuyên môn cao, có đạo đức tốt, am hiểu thời sự, xã hội, am hiểu về pháp luật, cơ chế chính sách liên quan về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong việc cung cấp tín dụng.
Ba là, chính sách hỗ trợ vốn tín dụng xanh được thực hiện nhằm bảo đảm Tổ chức tín dụng có đầy đủ nguồn vốn dài hạn và trung hạn nhằm cung ứng vốn tín dụng xanh. Sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng sẽ tạo ra được các chính sách hỗ trợ đối với các ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực tín dụng xanh như là: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ được cắt giảm hoặc room tín dụng tăng nhằm huy động thêm nguồn vốn thực hiện tín dụng xanh, cũng như không tính toán nguồn vốn cho vay đầu tư xanh vào nhu cầu huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Thực hiện tái cấp vốn, tái chiết khấu với các ưu đãi hấp dẫn về kỳ hạn, lãi suất và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các ngân hàng hoạt động tín dụng xanh. Tuy nhiên, việc triển khai những chính sách trên phải được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng và hợp lý, để bảo đảm việc có đầy đủ nguồn vốn phục vụ phát triển tín dụng xanh mà không vi phạm các qui định trong điều hành chính sách tiền tệ.
Bốn là, các tổ chức tín dụng tổ chức nghiên cứu phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới, phù hợp với nhu cầu thị trường. Mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng sẽ được tăng cường thông qua việc phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cần có sự chủ động từ các tổ chức tín dụng khi nghiên cứu và áp dụng những sản phẩm thành công đã được triển khai ở các quốc gia khác, để thích nghi với điều kiện Việt Nam và xây dựng danh mục sản phẩm cho riêng mình trong lĩnh vực tín dụng xanh. Hơn nữa, việc hợp tác với tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín giúp ngân hàng hiểu rõ hơn về xu hướng tiêu dùng của khách hàng Việt Nam hiện nay và trong tương lai. Điều này giúp đưa ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp và mang lại giá trị cao nhất cho khách hàng.
Năm là, việc nghiên cứu và xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng xanh cần phải được tăng cường. Tích hợp quản lý rủi ro môi trường và xã hội với hệ thống quản lý rủi ro được coi là điều cần thiết trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và phát triển xanh. Muốn đáp ứng yêu cầu này, việc xây dựng đội ngũ chuyên gia sớm được khuyến khích trong việc nghiên cứu và tích hợp hệ thống quản lý môi trường và xã hội; việc soạn thảo hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng xanh theo tiêu chuẩn quốc tế là điều không thể thiếu.
Sáu là, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền lồng ghép quản lý rủi ro môi trường - xã hội đối với chính sách tín dụng xanh. Tại các tổ chức tín dụng, công tác triển khai hoạt động tín dụng xanh vẫn đang ở giai đoạn đầu, các biện pháp hỗ trợ tín dụng, dịch vụ, sản phẩm tín dụng xanh còn hạn chế, chưa được triển khai rộng rãi và thái độ, ý thức của các doanh nghiệp đối với hoạt động xanh vẫn chưa rõ ràng. Bởi vậy, trong chính sách tín dụng xanh của Tổ chức tín dụng phải triển khai đồng bộ công tác thông tin, tuyên truyền lồng ghép quản lý rủi ro môi trường và xã hội để thu hút sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp đối với chính sách phát triển tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng nói chung và của tổ chức tín dụng nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chính phủ (2014). Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020.
2. Ngân hàng Nhà nước (2015). Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
3. Ngân hàng Nhà nước (2015). Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
4. Chính phủ (2016). Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
5. Ngân hàng Nhà nước (2016). Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
6. Ngân hàng Nhà nước (2018). Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
7. Chính phủ (2018). Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
8. Ngân hàng Nhà nước (2018). Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước Ban hành Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
9. Chính phủ (2021). Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
10. Ngân hàng Nhà nước (2022). Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
11. Ngân hàng Nhà nước (2023). Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 của Ngân hàng Nhà nước ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược Ngân hàng về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
12. Thiên Hương (2023). Dư nợ cấp cho tín dụng xanh tại Việt Nam tăng trưởng nhanh. Truy cập tại: https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM299022.
Advancing Green Banks under Vietnamese Law
MBA. LE XUAN SANG
Civil Engineer specializing in Transportation Infrastructure
Abstract:
This article analyzes the current state of green bank development and offers several recommendations to support the growth of green banks and green credit in Vietnam. Accordingly, the Government and the State Bank need to promptly issue a legal and policy framework that ensures adaptability to the current economic fluctuations from a comprehensive economic perspective. Additionally, there should be active implementation of policies related to green banks and enhancement of the capacity of personnel involved in executing these policies.
Keywords: green banks, green credit, environment, society, sustainable development, law.