TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thực trạng, các vấn đề và nguyên nhân của việc triển khai ngân hàng xanh tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam như việc thải khí carbon trong hoạt động nội bộ ngân hàng, phát triển sản phẩm dịch vụ xanh và phát triển tín dụng xanh. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những kiến nghị và các giải pháp để xây dựng “ngân hàng xanh” - bảo vệ môi trường “xanh và sạch” - như một sáng kiến cho phát triển bền vững tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Từ khóa: ngân hàng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Trong 30 năm qua, với sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế toàn cầu, cũng có một số hạn chế cấp bách đối với sự phát triển và các xu hướng tiêu cực kéo theo, như chênh lệch kinh tế và nghèo đói, tiêu thụ quá mức tài nguyên và suy thoái môi trường (OECD, 2002). Những vấn đề xã hội và môi trường này đã đánh thức nhân loại suy nghĩ cẩn thận hơn về cách bảo vệ hành tinh của chúng ta, điều này đã dẫn đến Hội nghị năm 1972 của Liên hợp quốc về môi trường con người ở Stockholm, cũng như sau đó là việc thành lập Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Kể từ những năm 1980, phát triển bền vững, với tư cách là một khái niệm mới về phát triển con người, đã là một trong những thuật ngữ phổ biến nhất được sử dụng do nhận thức ngày càng cao về các vấn đề xã hội và môi trường (WCED, 1987).
Theo xu hướng phát triển bền vững chung của toàn cầu, ngành Ngân hàng đã và đang tham gia do vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế. Chính vì vậy, sự quan tâm đến ngân hàng bền vững đã dần lớn mạnh và trở thành mục tiêu chiến lược mà các ngân hàng hướng đến. Ngành Ngân hàng đã thực hiện một số bước để kích thích phát triển bền vững, tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa. Các tổ chức quốc tế phải tiếp tục nâng cao nhận thức của các ngân hàng và từ đó kích thích phát triển sản phẩm mới “xanh và sạch”. Ngân hàng Thế giới phải chú ý đến mối quan hệ giữa các tác động môi trường của các khoản đầu tư và các quyết định tài trợ đến hiệu quả hoạt động ngân hàng. Ở giai đoạn này, người ta hiểu rộng rãi rằng ngân hàng bền vững có nghĩa là thực hiện các hoạt động kinh doanh và hoạt động ngân hàng với sự cân nhắc có ý thức đối với các tác động môi trường và xã hội của các hoạt động đó. Chính vì vậy, “ngân hàng xanh” đề cập đến các hoạt động kinh doanh ngân hàng được tiến hành trong các lĩnh vực mà ngân hàng tài trợ, các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp và các hoạt động hàng ngày của các ngân hàng nhằm giúp giảm tổng thể khí thải carbon bên ngoài và lượng khí thải carbon bên trong. Để có thể hỗ trợ giảm khí thải carbon bên ngoài và bên trong, các ngân hàng cần nên làm gì? chính sách quản trị và chiến lược kinh doanh ra sao? Mục tiêu của nghiên cứu này là đưa ra các sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên trong ngân hàng, cũng như các khách hàng và các nhà cung cấp về ý thức bảo vệ môi trường xanh và sạch để đạt được sự phát triển bền vững.
2. Thực trạng ngân hàng xanh - bảo vệ môi trường tại Việt Nam
Ngân hàng xanh đề cập đến hoạt động kinh doanh ngân hàng tiến hành trong các lĩnh vực và theo cách giúp giảm khí thải carbon bên ngoài và giảm khí thải carbon trong hoạt động nội bộ ngân hàng. Theo Imeson M., và Sim A., 2010 [1], Ngân hàng xanh dùng để chỉ các hoạt động khuyến khích các hoạt động môi trường và giảm lượng khí thải carbon, như: khuyến khích sử dụng các sản phẩm và dịch vụ xanh; áp dụng các tiêu chuẩn môi trường để phê duyệt các khoản vay hoặc cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi cho các dự án giảm CO2 (UN ESCAP, 2012). Theo Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước về phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, mục tiêu chính là tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tóm lại, ngân hàng được gọi là “xanh” khi đáp ứng cả 2 điều kiện: (i) cung cấp sản phẩm dịch vụ xanh trong ngắn hạn và (ii) có chiến lược kinh doanh dài hạn đáp ứng các tiêu chí về môi trường và trách nhiệm xã hội. Hiểu theo cách khác, ngân hàng xanh đều hướng đến các vấn đề chính, đó là: (1) giảm phát thải carbon trong hoạt động nội bộ ngân hàng, (2) phát triển sản phẩm dịch vụ xanh và (3) thúc đẩy hoạt động vì môi trường thông qua chính sách tín dụng xanh.
2.1. Thực trạng về thải khí carbon trong hoạt động nội bộ ngân hàng
Theo thống kê từ báo cáo của 26 ngân hàng trong nước, tính đến hết ngày 31/3/2019, tổng số chi nhánh, phòng giao dịch đã đạt 10.899 điểm giao dịch bao phủ khắp cả nước. Với quy mô số lượng điểm giao dịch của các ngân hàng lớn như vậy, khi hoạt động và thực hiện giao dịch, các ngân hàng đã thải khí carbon ra môi trường bên ngoài là rất lớn, bởi vì các ngân hàng sử dụng các giấy tờ in ấn với số lượng lớn, thiết bị in ấn, photocopy, máy điều hòa và các thiết bị chiếu sáng,… Điều này sẽ tác động và ảnh hưởng xấu đến nguồn không khí và môi trường tự nhiên xung quanh.
2.2. Thực trạng về phát triển sản phẩm dịch vụ xanh
Tại buổi tổng kết hoạt động ngành Ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra vào ngày 17/01/2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ông Đào Minh Tú nêu rõ một trong nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng là chuyển đổi số hóa và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tạo điều kiện cho hoạt động của hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số. Đến cuối tháng 11/2021, giao dịch thanh toán qua internet đã tăng 49,3% về số lượng và 31,34% về giá trị, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,64% và 86,58%; trong khi thanh toán qua QR Code cũng đã tăng 50,36% về số lượng và gần 131% về giá trị [2].
Bảng 1. Các sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng trực tuyến
Nguồn: Tổng hợp các website của các ngân hàng
Nhìn vào Bảng 1, chúng ta thấy được rất nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng chưa triển khai giao dịch trực tuyến.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, kết quả khảo sát vào tháng 9/2020, có 95% số ngân hàng đã và đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số, hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh /công nghệ thông tin, 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong chiến lược chuyển đổi số, đa số (88%) các ngân hàng đều lựa chọn chuyển đổi số các kênh giao tiếp khách hàng (front - end) và nghiệp vụ nội bộ (back - end) hoặc số hóa toàn bộ, số ít ngân hàng (6%) dự kiến chỉ số hóa kênh giao tiếp khách hàng (front - end only) [2]. Về lợi ích của chuyển đổi số trong vòng 3 đến 5 năm tới, có 82,5% ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%, 58,1% ngân hàng kỳ vọng hơn 60% khách hàng sử dụng kênh số và 44,4% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức hơn 50%.
2.3. Thực trạng về tín dụng xanh
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2019, tổng dư nợ tín dụng dành cho các dự án xanh đã đạt 317.6 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm 2018 và chiếm 4.1% tổng dư nợ tín dụng, cao gấp 2 lần so với năm 2015.
Bảng 2. Số liệu chi tiết về dư nợ tín dụng xanh và tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng qua các năm từ 2015 - 6/2019
Nguồn: Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN
Xét về cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn, dư nợ tín dụng trung và dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh, trong đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn từ 5-8%/năm, trung và dài hạn từ 9-12%/năm.
Về cơ cấu theo lĩnh vực, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm 45% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 17%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% và lâm nghiệp bền vững chiếm 5%.
Biểu đồ 1: Cơ cấu tín dụng xanh theo từng lĩnh vực
Nguồn: Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN
Theo kết quả khảo sát của NHNN đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) về lĩnh vực tăng trưởng xanh, tín dụng xanh cho thấy, sự hiểu biết của các TCTD đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể: 19 TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội, 13 TCTD tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; 10 TCTD đã xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh. Những TCTD gắn nhiều với tín dụng xanh thời gian qua có thể kể đến như BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, HDBank, VPBank, Nam Á Bank, Sacombank,… Tính đến quý 3/2020, Vietinbank có dư nợ tín dụng xanh là 22.700 tỷ đồng cho gần 278 dự án, trong đó tỷ trọng tập trung chủ yếu là dự án thuộc ngành Năng lượng sạch, Năng lượng tái tạo (chiếm 71% dư nợ tín dụng xanh). Tại thời điểm hiện tại, tín dụng xanh đã nhận được sự quan tâm đúng mức của các ngân hàng thương mại (NHTM). Nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án có yếu tố “xanh”.
Như vậy, nhờ định hướng và chỉ đạo từ phía NHNN và sự nỗ lực từ các TCTD, tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng được nâng cao. Tuy tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh còn khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng, nhưng có xu hướng tăng ngày càng nhanh và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường.
3. Các vấn đề tồn tại và nguyên nhân
Bên cạnh những thực trạng và kết quả đạt được nêu ở mục 2 trên, công tác thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh - bảo vệ môi trường tại Việt Nam và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục.
3.1. Từ phía các ngân hàng
Liên quan đến khí thải carbon ra môi trường bên ngoài: các ngân hàng chưa có các chính sách quy trình để hướng dẫn toàn bộ các nhân viên thực hiện đồng bộ nhằm hạn chế in ấn các tờ trình và các báo cáo nội bộ. Đồng thời, các ngân hàng cần phải đầu tư các hệ thống lưu trữ các văn bản, tờ trình và các báo cáo, đặc biệt là hệ thống phê duyệt điện tử như email hoặc chữ ký số.
Liên quan đến phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng xanh: các ngân hàng chưa đồng bộ và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ khi giao dịch trực tuyến. Đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ phức tạp về mặt thủ tục và chứng từ như chuyển tiền ra nước ngoài, giao dịch ngoại hối, mở tín dụng thư, yêu cầu phát hành bảo lãnh hoặc yêu cầu giải ngân tự động hoặc thanh toán tự động từ hệ thống kế toán của khách hàng. Hơn nữa, việc nghẽn mạng, mất kết nối vẫn thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng đến chất lượng đường truyền, ảnh hưởng tính liên tục và ổn định trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ. Bên cạnh đó, chênh lệch về hạ tầng công nghệ giữa thành thị và nông thôn quá lớn cũng gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng xanh đến các khách hàng ở khu vực nông thôn. Đồng thời, chi phí đầu tư vào hạ tầng công nghệ cũng khá lớn, đòi hỏi các ngân hàng cân nhắc và xây dựng chiến lược đầu tư phát triển cho phù hợp với quy mô kinh doanh của mình.
Liên quan đến tín dụng xanh: các ngân hàng chưa có chính sách và quy định nào cụ thể về việc ưu đãi lãi suất hoặc hồ sơ chứng từ cung cấp đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường “xanh và sạch”, hay các chương trình ưu đãi tài chính dành cho các sản phẩm và dự án thân thiện với môi trường như xe tiết kiệm nhiên liệu, dự án công trình xanh, cho vay trang bị nhà ở để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời hoặc từ chối cấp tín dụng đối với những doanh nghiệp có tác hại xấu đến môi trường và xã hội.
3.2. Từ phía NHNN và các cơ quan ban hành
Thứ nhất, chưa có các quy định hay định nghĩa cụ thể về các danh mục về ngành lĩnh vực và thiếu các quy định về khung khổ pháp lý, các tiêu chí đánh giá, các công cụ đo lường tác động đến rủi ro môi trường và xã hội, các quy định về phát triển sản phẩm dịch vụ xanh và phát triển tín dụng xanh. Điều này dẫn tới sự khó khăn cho các NHTM trong việc xây dựng, phát triển và triển khai các sản phẩm dịch vụ và sản phẩm tín dụng xanh.
Thứ hai, hành lang pháp lý về quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới, dịch vụ trung gian thanh toán cũng chưa hoàn thiện và đồng bộ.
Thứ ba, các chế tài về xử lý ô nhiễm quy định trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như trong Bộ luật Hình sự cũng chỉ áp dụng với các tổ chức, cá nhân trực tiếp gây ra ô nhiễm, chưa có quy định hoặc chế tài đối với đơn vị tài trợ hay cho vay các dự án gây ô nhiễm môi trường. Do không bị quy chịu trách nhiệm, nên các cán bộ thẩm định của các ngân hàng cũng không quan tâm đánh giá tác động môi trường trong quá trình thẩm định cho vay.
4. Các giải pháp và kiến nghị
4.1. Từ phía các ngân hàng
4.1.1. Các giải pháp
Về nội bộ giao dịch của các ngân hàng: các ngân hàng nên khuyến khích và vận động tuyên truyền các cán bộ nhân viên hạn chế việc sử dụng in ấn trong các báo cáo hoặc tờ trình phê duyệt chính sách. Đồng thời, các ngân hàng cũng nên sử dụng các sản phẩm thay thế và tiết kiệm điện năng, một mặt vừa tiết kiệm chi phí, mặt khác giúp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể chuyển sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió,… để quản lý văn phòng và máy ATM của họ.
Đầu tư vào công nghệ và xây dựng hệ thống nền tảng, đặc biệt chú trọng đến an toàn và an ninh thông tin, đảm bảo thông tin của khách hàng được giữ bí mật tuyệt đối.
Cần mở rộng và đưa nhiều các sản phẩm dịch vụ phức tạp lên hệ thống giao dịch trực tuyến, như: chuyển tiền ra nước ngoài, giao dịch ngoại hối, mở tín dụng thư, yêu cầu phát hành bảo lãnh hoặc yêu cầu giải ngân tự động hoặc thanh toán từ động từ hệ thống kế toán của khách hàng. Các ngân hàng không cần khách hàng cung cấp các chứng từ giấy, bởi vì các ngân hàng đã vi tinh hóa các hệ thống vận hành tại các chi nhánh/điểm giao dịch của họ. Hạn chế hầu hết các chứng từ in ấn và cung cấp từ phía khách hàng. Điều này sẽ giảm rất nhiều các khí thải carbon ra ngoài môi trường.
Tiếp tục đẩy mạnh các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại các tỉnh thành ở các khu vực nông thôn bằng cách đầu tư thêm các cơ sở hạ tầng và phân bổ các thiết bị và máy móc như ATM, POS ở mức phù hợp.
Các ngân hàng cần ban hành những chính sách hoặc chương trình quy định cụ thể và rõ ràng về việc ưu đãi lãi suất hoặc hồ sơ chứng tử cung cấp đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường “xanh và sạch” hoặc kiên quyết từ chối cấp tín dụng đối với những doanh nghiệp có tác hại xấu đến môi trường và xã hội. Ngoài ra, các ngân hàng cần thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định và đánh giá tác động của các dự án đến môi trường, xã hội, thẩm định yếu tố rủi ro về môi trường và an sinh xã hội của các dự án trước khi cấp tín dụng. Đồng thời, các ngân hàng cần nâng cao trình độ thẩm định về rủi ro môi trường xã hội của các cán bộ tín dụng, cán bộ thẩm định thông qua các lớp đào tạo nội bộ hoặc bên ngoài nhằm giúp ngân hàng đánh giá đúng về rủi ro môi trường và xã hội.
Đẩy mạnh các kênh truyền thông bên ngoài và nội bộ để nâng cao nhận thức của khách hàng và cán bộ nhân viên của ngân hàng về việc giảm các chất khí thải carbon để hướng đến “ngân hàng xanh” bảo vệ môi trường “xanh và sạch”.
4.1.2. Các ngân hàng sớm triển khai các sản phẩm dịch vụ thông qua các kênh giao dịch trực tuyến như
- Mở tài khoản: khách hàng có thể không cần đến ngân hàng mà có thể mở được tài khoản bất cứ họ đang ở đâu và thời gian nào mà họ mong muốn. Điều này sẽ giúp khách hàng không phải đi đến ngân hàng, tiết kiệm thời gian và nó cũng giúp các ngân hàng giảm lượng giấy tờ cung cấp và in ấn. Ngoài ra, các ngân hàng cần lưu ý và đảm bảo tính bảo mật về việc nhận diện và kiểm tra các thông tin mặt của khách hàng.
- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn: khách hàng cá nhân có thể gửi tiết kiệm với các kỳ hạn tương ứng và kỳ hạn mong muốn để thực hiện các giao dịch trên website hoặc mobile banking hoặc mobile app.
- Tiền gửi trực tuyến tương tự như tài khoản tiền gửi tiết kiệm của cá nhân, các ngân hàng nên thúc đẩy tiền gửi trực tuyến dành cho khách hàng doanh nghiệp để thực hiện các giao dịch trên website hoặc mobile banking hoặc mobile app.
- Giao dịch tài khoản như thanh toán lương, tiền hàng hóa, điện nước, truyền hình cáp, điện thoại di động, thanh toán khác,…: thanh toán trực tuyến là một việc thay đổi lối sống, nhưng nó có thể được thực hiện. Các hóa đơn như điện thoại, cáp, truyền hình, internet, nợ thẻ tín dụng, phí quản lý tòa nhà, phí thuê xe, tiền nhà,... đều có thể thanh toán trực tuyến. Việc lưu trữ hồ sơ không chỉ dễ dàng hơn nhiều, mà còn tiết kiệm được một lượng lớn giấy.
- Chuyển tiền 24/7: khách hàng có thể chuyển tiền 24/7 qua hệ thống Napas bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào. Người thụ hưởng có thể nhận tiền ngay lập tức. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý đối với hình thức chuyến tiền này là: số tiền giao dịch trong 1 ngày hoặc 1 lần của 1 khách hàng không qua 300 triệu đồng theo đúng quy định.
- Chuyển tiền ra nước ngoài trực tuyến: khách hàng có thể cung cấp các chứng từ thể hiện mục đích chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp và đúng mục đích theo quy định về việc quản lý ngoại hối thông qua hệ thống trực tuyến của ngân hàng. Ngoài ra, khách hàng cần có chữ ký để xác nhận các giao dịch và chứng từ cung cấp, đặc biệt là các khách hàng doanh nghiệp cần có sự phê duyệt của người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.
- Yêu cầu ngân hàng mở LC hoặc phát hành chứng thư bảo lãnh hoặc đề nghị ngân hàng giải ngân đi thanh toán cho đối tác: khi khách hàng đã được cấp hạn mức tín dụng, khách hàng có quyền yêu cầu các ngân hàng mở LC hoặc phát hành chứng thư bảo lãnh hoặc đề nghị giải ngân yêu cầu thanh toán cho các đối tác,... khách hàng có thể cung cấp các chứng từ theo đúng quy định của pháp luật và theo đúng thỏa thuận trong các hợp đồng cấp hạn mức tín dụng hoặc hợp đồng cấp tín dụng hoặc hợp đồng bảo lĩnh hoặc hợp đồng thư tín dụng,... và có cấp phê duyệt xác nhận bằng chữ ký điện tử thông qua hệ thống giao dịch trực tuyến với các ngân hàng.
Tóm lại, tất cả các giao dịch trên có thể thực hiện trên một hoặc nhiều hệ thống khác nhau một cách tiện lợi, an toàn và hiệu quả nhằm giúp các khách hàng cá nhân hoặc khách hàng doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng giảm lượng in ấn giấy đáng kể. Điều này sẽ giúp giảm thải khí carbon ra môi trường và bảo vệ môi trường “xanh và sạch”.
4.2. Các kiến nghị với NHNN và các cơ quan hữu quan
NHNN cần hoàn thiện và đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới, dịch vụ trung gian thanh toán, ban hành quy định về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng và bên thứ ba, đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động ổn định, hạn chế rủi ro phát sinh và giảm sát các hình thức, công cụ, hệ thống thanh toán mới. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng thương mại và các tổ chức không phải ngân hàng, tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng các giao dịch về sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng trực tuyến.
NHNN sớm triển khai công tác giám sát và đánh giá tính an toàn, hiệu quả của các hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại.
NHNN sớm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, công tác truyền thông và phối hợp với cơ quan báo chí để thực hiện các chương trình truyền thống nhằm nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp về lợi ích và hiệu quả nộp thuế điện tử, thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và các điểm bán lẻ, quảng bá, phổ biến, hướng dẫn về thanh toán điện tử, giáo dục tài chính, tạo sự chuyển biến căn bản của người dân về việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng trực tuyến và thói quen sử dụng tiền mặt cũng như các giao dịch truyền thống hiện nay.
Bộ Công Thương cần ban hành chính sách khuyến khích để các website thương mại điện tử kết nối với các cổng thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ. Nghiên cứu đưa ra các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ và ký hợp đồng thanh toán thẻ với ngân hàng để tăng cường hỗ trợ khách hàng, người tiêu dùng mua sắm, chỉ tiêu bằng thẻ thanh toán.
5. Kết luận
Bài viết đã phân tích thực trạng, các vấn đề và nguyên nhân của việc triển khai ngân hàng xanh tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam như việc thải khí carbon trong hoạt động nội bộ ngân hàng, phát triển sản phẩm dịch vụ xanh và phát triển tín dụng xanh. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những kiến nghị và các giải pháp để xây dựng “ngân hàng xanh” - bảo vệ môi trường “xanh và sạch”- như một sáng kiến cho phát triển bền vững tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Imeson, A. (2012). Desertification, land degradation and sustainability. USA: John Wiley & Sons.
- Imeson, M. (2013). St George Blood and Martyrs. The School Librarian, 61(2), 120.
- Các website: SBV, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/; Vietnambiz, https://vietnambiz.vn/
GREEN BANKING - ENVIRONMENTAL PROTECTION:
INITIATIVES FOR THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT
OF VIETNAM
• Master. VAN CAP HUY
Finance Director, Bright Vista Co.,Ltd
ABSTRACT:
This paper analyzes the current situation, problems and causes of green banking implementation in commercial banks in Vietnam such as carbon emissions in internal banking operations, “green” financial products and services development, and green credit development. This paper also makes recommendations and proposes solutions to develop “green” banking activities in order to protect the environment and support the sustainable development of commercial banks in Vietnam.
Keywords: green banking, environmental protection and sustainable development, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]