Công nghệ tự động hoá có một vai trò hết sức quan trọng sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tự động hoá là một trong những yếu tố quyết định việc nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. ở Việt Nam công nghiệp tự động hoá đang ngày càng chiếm một vai trò rất quan trọng. Từ chỗ chúng ta chỉ nghiên cứu sửa chữa hệ thống tự động hoá các dây chuyền công nghệ nhập ngoại, đến nay, đội ngũ khoa học đã nắm vững và làm chủ nhiều công nghệ tự động hoá hiện đại. Một số hệ thống điều khiển hiện đại đã được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo tại Việt Nam thay thế cho hàng nhập ngoại. Những hệ thống này đã chứng tỏ trình độ tay nghề của các kỹ sư Việt Nam không hề thua kém một số nước trong khu vực. Nhiều sản phẩm Việt Nam chế tạo đã đạt được chỉ tiêu kỹ thuật tương đương với các sản phẩm của các nước tiên tiến, với giá thành thấp hơn nhiều lần so với nhập ngoại. Có những sản phẩm đã giành được tín nhiệm của thị trường, được áp dụng rộng rãi, tiết kiệm ngoại tệ cho Nhà nước và các cơ sở sản xuất. Chẳng hạn, hệ thống đo lường điều khiển trộn bê tông nhựa át phan, đã đẩy lùi hoàn toàn các thiết bị nhập ngoại, do giá thành chỉ bằng 20- 40% mà chất lượng và tính năng không hề thua kém hàng của các nước tiên tiến như Đức, Anh... Sản phẩm này hiện nay đã chiếm lĩnh 100% thị phần trong nước, đẩy lùi hoàn toàn thiết bị nhập ngoại, tiết kiệm cho Nhà nước mỗi năm 40 triệu USD.
Tự động hoá cũng đem lại nhiều hiệu quả trong việc tăng năng lực sản xuất. Chẳng hạn, dây chuyền tự động hoá sản xuất NPK ở Nhà máy Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao đã đưa năng suất lên gấp đôi, giải phóng gần 300 lao động bổ sung cho các công việc khác của nhà máy. Đây là dây chuyền tự động hoá sản xuất NPK hiện đại nhất Việt Nam, hoàn toàn do chúng ta tự nghiên cứu, thiết kế chế tạo và hiện nay đang chuẩn bị ra đời dây chuyền sản xuất NPK thứ ba với nhiều cải tiến và nâng cấp mới. Giá thành sản phẩm chỉ bằng 30% nhập ngoại. Các nhà khoa học Việt Nam cũng đã tiếp cận được những vấn đề hiện đại của thế giới như tự động hoá tích hợp, rôbốt, việc áp dụng tự động hoá tích hợp tại Công ty Cảng xăng dầu B12 Quảng Ninh không những mang lại hiệu quả sản xuất cao, mà còn giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. Rôbốt trước đây còn xa vời ở nước ta, nhưng hai năm qua rôbốt đã bắt đầu xâm nhập các dây chuyền sản xuất, đặc biệt ở khâu bảo đảm an toàn lao động và môi trường khắc nghiệt như rôbốt trong sản xuất vật liệu xây dựng, rô-bốt đo lượng khí độc ở hầm lò. Hiện nay, chương trình KHCN tự động hoá đang mở rộng ứng dụng rôbốt thông qua hai đề tài nghiên cứu Khoa học cấp Nhà nước.
Bên cạnh kết quả nghiên cứu ứng dụng và phát triển tự động hoá theo chương trình Nhà nước, việc ứng dụng tự động hoá của rất nhiều cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và cơ sở sản xuất cũng đem lại kết quả rất khả quan. Đó là hệ thống tự động sản xuất bia, chế tạo thức ăn gia súc, xử lý rác thải, các hệ giám sát môi trường, các máy công cụ được CNC hoá, các hệ SCADA trong các ngành Điện lực, Dầu khí. Những kết quả này đã góp phần tăng trưởng nền kinh té nước ta trong những năm vùa qua. Với vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội như vậy, hiện nay, vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cho tương lai về lĩnh vực tự động hoá đang trở nên ngày càng gần gũi với mọi người, từ các nhà nghiên cứu, các nhà giáo, nhà quản lý, nhà công nghiệp đến cả học sinh và sinh viên. Giải nhất cuộc thi rôbốt quốc tế tại Nhật Bản vừa qua của sinh viên TP Hồ Chí Minh đã chứng minh điều này.
Mục tiêu của ngành Khoa học tự động hoá ở Việt Nam là hướng tới tập trung tự nghiên cứu và thiết kế các hệ thống tự động hoá sản xuất lớn thay cho nhập ngoại. Sẽ ứng dụng tự động hoá vào một số ngành sản xuất quan trọng, trực tiếp liên quan đến xuất khẩu như ngành nuôi trồng và chế biến thuỷ sản, chế biến thực phẩm, các ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, giày da, chế tạo máy, bảo vệ môi trường. Đồng thời, xúc tiến ứng dụng tự động hoá vào những ngành quan trọng như Dầu khí, Điện lực, Bưu chính viễn thông, Cơ khí chế tạo… tiến tới sản xuất được một số cấu kiện điện tử quan trọng. Đây sẽ là cơ sở phục vụ cho sự phát triển tự động hoá một cách tự chủ và bền vững. Việc tiếp cận với những công nghệ tiên tiến của thế giới về tự động hoá để chuyển giao công nghệ và hội nhập có hiệu quả như tự động hoá tích hợp, các thế hệ rôbốt, các hệ SCADA diện rộng, các hệ phóng sinh cũng hết sức cần thiết. Đặc biệt, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các ngành công nghệ cao như Điện tử, Tin học, Tự động hoá, Viễn thông… chắc chắn Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và đa dạng trong thời gian tới./.