Hội nghị được tổ chức với chủ đề “Trao đổi về Đề án thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng. Vai trò của cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.”
Khu thương mại tự do - Công cụ chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường xuất khẩu
Theo Cục Xúc tiến thương mại, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang tạo ra những cơ hội xen kẽ những thách thức mới cho các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gắn kết chặt chẽ và cạnh tranh ngày càng gay gắt, đã đặt ra yêu cầu cho các quốc gia phải không ngừng đổi mới chiến lược phát triển để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Một trong những xu hướng tất yếu trong quá trình này là việc phát triển các khu thương mại tự do - một công cụ chiến lược quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường xuất khẩu, phát triển các khu vực ít lợi thế và tạo việc làm mới.
Khu thương mại tự do là một khu vực được chỉ định trong một quốc gia nơi hàng hóa có thể được nhập khẩu, lưu trữ, xử lý, sản xuất, điều chỉnh và tái xuất khẩu mà không phải chịu thuế hải quan hoặc các quy định hải quan khác. Các khu thương mại tự do thường nằm gần các cảng, sân bay, đường biên giới quan trọng hoặc các khu vực khác có lợi thế về địa lý cho thương mại.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng thành công các Khu Thương mại Tự do và biến các khu vực này thành động lực mạnh mẽ để phát triển. Hầu hết các Khu Thương mại Tự do đều nằm ở các nước đang phát triển. Các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, UAE, Ai Cập,… đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc phát triển và vận hành các khu thương mại tự do. Trên thế giới, hơn 5.300 khu kinh tế/thương mại tự do đã được thành lập tại gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo ra môi trường cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp quốc tế.
Với Việt Nam, khi tính đến việc xây dựng, phát triển khu thương mại tự do tại một số địa phương có tiềm năng, thách thức lớn nhất phải giải quyết là hạ tầng cơ sở. Một khu thương mại tự do muốn hoạt động hiệu quả đòi hỏi phải có hạ tầng hạ tầng giao thông, cảng biển và hệ thống logistics hiện đại, đảm bảo kết nối chặt chẽ giữa khu vực sản xuất, thị trường tiêu thụ và các đầu mối xuất khẩu quốc tế.
Ngoài ra, các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển toàn diện, dẫn đến phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và công nghệ từ nước ngoài, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm và tăng chi phí sản xuất.
Phát triển Khu Thương mại tự do tại Đà Nẵng kỳ vọng thúc đẩy ngành dịch vụ liên quan
Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết thêm, Đà Nẵng, với vị trí chiến lược, hạ tầng bao gồm cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, và khu vực biên giới đường bộ và biển, cùng vai trò là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các luồng hàng hóa giao thương, kết nối, đầu tư quốc tế và nội địa, là cơ sở quan trọng trong định hướng thúc đẩy thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, thương mại của khu vực miền Trung, đặt nền móng cho việc thiết lập Khu thương mại tự do.
Sự phát triển của khu thương mại tự do này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ liên quan như vận tải, logistics, tài chính, đồng thời đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế các địa phương lân cận. Các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực này sẽ được hưởng lợi từ những ưu đãi đặc biệt, đơn giản hóa thủ tục hành chính và mở ra cơ hội lớn trong xuất nhập khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao
Để hỗ trợ quá trình triển khai Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024, cho phép thí điểm áp dụng một số cơ chế đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển của thành phố, trong đó bao gồm các ưu đãi về thuế, phí và đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu thương mại tự do.
Đây là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội để Đà Nẵng trở thành điểm thu hút đầu tư lớn và phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đồng thời tạo nền tảng để nhân rộng mô hình khu thương mại tự do này tại các địa phương khác trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1088/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2024 chỉ đạo các Bộ, Ngành, trong đó có Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất các chương trình hỗ trợ, cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ hiệu quả Khu thương mại.
“Bộ Công Thương đánh giá cao sự nỗ lực và chủ động của thành phố Đà Nẵng trong việc tiên phong triển khai mô hình khu thương mại tự do.” - Đại diện Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.
Theo đó, nhằm thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển các khu thương mại tự do, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 10/2024.
“Hội nghị sẽ là diễn đàn để trao đổi, rút ra bài học và đóng góp cho quá trình xây dựng, vận hành các khu thương mại tự do từ góc độ quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.” - Đại diện Cục Xúc tiến thương mại kỳ vọng.
Hội nghị gồm 2 phiên thảo luận chính:
Phiên 1: Thông tin về Đề án thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, đề xuất, kiến nghị từ phía địa phương
Phiên 2: Kinh nghiệm quốc tế từ đối sánh các Khu Thương mại tự do tiêu biểu trên thế giới. Vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị...
Dự kiến trong tháng 12/2024, UBND thành phố Đà Nẵng hoàn thành việc xây dựng Đề án, hồ sơ thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập.