Ngày 17/11/2023, với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Australia thông qua Chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills), Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn “Phát triển Logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản và dược phẩm xuất nhập khẩu - Kết nối hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa Australia và Việt Nam”.
Diễn đàn có sự tham dự của Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Australia, đại diện cơ quan thuộc các Bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, địa phương và đông đảo các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, xuất nhập khẩu nông sản, dược phẩm của Việt Nam và Australia…
Nâng cao hiệu quả hoạt động logistics và tối ưu hóa chuỗi giá trị hàng hóa giữa Việt Nam và Australia
Phát biểu chào mừng sự kiện, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, việc tổ chức Diễn đàn này giúp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và Australia bằng cách tạo cơ hội cho việc trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những thành công trong lĩnh vực logistics. Diễn đàn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động logistics và tối ưu hóa chuỗi giá trị hàng hóa trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia, đồng thời tăng cường tính kết nối giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp của Việt Nam và Australia.
“Dược phẩm và nông sản là các mặt hàng có tầm quan trọng cao trong xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia. Hệ thống logistics cần được phát triển không chỉ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong vận chuyển các loại sản phẩm này mà chúng ta cần hướng tới logistics xanh và bền vững”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Thông tin về thực trạng và giải pháp phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản Việt Nam xuất khẩu đi thị trường Australia, PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cho biết, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang Australia với mức tăng trưởng trung bình 11%/năm từ 2018-2022. Một số loại trái cây như xoài, thanh long và nhãn đã chiếm lĩnh thị trường Australia. Năm 2022, lượng lớn sản phẩm nông nghiệp bao gồm gạo, tiêu, cà phê và hạt điều đã được xuất khẩu sang Australia.
Theo Nghiên cứu khảo sát từ Chủ sở hữu hàng hóa (CO) và Nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP) do Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thực hiện từ tháng 8 đến tháng 10/2023, trong lĩnh vực logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp cam kết mạnh mẽ và 44,23% đánh giá rất tốt, 25% đánh giá tốt. Doanh nghiệp nông nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ logistics đều chủ động thực hiện chính sách và quy trình xanh, tuy nhiên đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Australia như chi phí cao và chính sách nhận hàng...
Cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối phát triển logistics xanh
Từ những vấn đề thực tế, PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa khuyến nghị một số đề xuất và giải pháp phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu.
Theo đó, để cải thiện hiệu suất xuất khẩu, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng, đào tạo nhân viên, đảm bảo chất lượng sản phẩm, và thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Các xu hướng công nghệ thông tin được đề xuất bao gồm Logistics thông minh (75%), Theo dõi & Truy vết (50%), và Logistics xanh (50%). Trong cơ sở hạ tầng logistics, cần cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường vận chuyển thân thiện với môi trường, và kết nối giữa các tổ chức để thúc đẩy phát triển logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc thiết kế và vận hành logistics xanh thúc đẩy xuất khẩu dược phẩm Australia, ông Craig Luxton, Giám đốc – Tư vấn chính – Công ty Luxton & Co cho rằng cần hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan bao gồm việc làm việc với nhà cung cấp để có nguồn nguyên liệu bền vững, tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển với đối tác logistics và hợp tác với các nhà cung ứng để hiểu rõ nhu cầu và giảm tồn kho thừa. Công nghệ và đổi mới bao gồm sử dụng phân tích dữ liệu để dự báo tốt hơn, đầu tư vào công nghệ chuỗi lạnh tiết kiệm năng lượng, khám phá blockchain để theo dõi và tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.
Bảo đảm tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn; đào tạo nhân viên về tính bền vững trong chuỗi cung ứng và liên tục cải tiến, thực hành bền vững. Tối ưu hóa hiệu suất và sản xuất, xem xét các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, và xây dựng lộ trình cho một tương lai xanh hơn...
“Việt Nam có thể áp dụng các thực hành tương tự, tuy nhiên nên được điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện và pháp lý địa phương, cũng như tìm kiếm các lĩnh vực tiềm năng để hợp tác giữa Australia và Việt Nam nhằm thúc đẩy logistics xanh trong xuất khẩu dược phẩm”, ông Craig Luxton nhấn mạnh.
Tham luận về “Vai trò của Hiệp định thương mại tự do và Chuyển đổi Xanh trong thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Australia”, bà Phùng Thị Lan Phương - Chuyên gia Thương mại quốc tế cho biết, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Australia cũng tham gia như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) mang lại lợi thế lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Australia và ngược lại với việc loại bỏ thuế quan sâu tới 90% - 100%. Tuy nhiên các hiệp định thương mại tự do đều có những cam kết về phát triển bền vững, chú trọng đến các quy định xã hội, môi trường, đầu tư công nghệ cao, công nghệ xanh…
“Cơ hội chuyển giao và nâng cao công nghệ xanh trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do này có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững và thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Australia”, bà Lan Phương nhận định.
Tại phần thảo luận, hỏi - đáp của Diễn đàn, các chuyên gia đã trao đổi và giải đáp những câu hỏi do đại diện các doanh nghiệp nêu ra xoay quanh các vấn đề như logistics xanh, chuỗi cung ứng bền vững, các hiệp định thương mại tự do, đào tạo kỹ năng số và xanh cho nguồn nhân lực ngành logistics…