Ông Dương Quang Thành
Phóng viên (PV): Để phát triển thị trường điện theo đúng lộ trình và yêu cầu của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có những bước đi như thế nào, thưa ông?
Ông Dương Quang Thành: Thị trường điện Việt Nam được chia làm 3 cấp độ chính: Thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó, giai đoạn 1 có tính chất nền tảng là thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) đã hoạt động chính thức từ tháng 7/2012. Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, có thể khẳng định VCGM đã có được những thành công bước đầu.
Với gần 50 nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường, yếu tố cạnh tranh, minh bạch của thị trường ngày càng được gia tăng, các đơn vị phát điện cũng tìm kiếm được cơ hội gia tăng lợi nhuận cao hơn trên thị trường, kích thích sự phát triển của thị trường, qua đó tạo điều kiện cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Đối với yêu cầu của Chính phủ về thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2015, hiện EVN cùng với Cục Điều tiết Điện lực đang chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực và xây dựng hệ thống các cơ chế hoạt động cho thị trường. EVN tin tưởng, nếu các yếu tố đồng bộ được đảm bảo, mục tiêu xây dựng thị trường điện hoàn thiện có thể được thực hiện sớm hơn.
PV: Cụ thể, các yếu tố đồng bộ ở đây là gì, thưa ông?
Ông Dương Quang Thành: Có rất nhiều yếu tố cần được đồng bộ xây dựng và phát triển song song, thậm chí là phải đi trước một bước so với thị trường điện. Trong đó, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay để phát triển thị trường điện đúng hướng và hoàn thiện là cần sớm hình thành được thị trường năng lượng sơ cấp (than, dầu khí) - đầu vào của sản xuất điện.
Cụ thể, hiện nay giá than cho sản xuất điện mặc dù đã điều chỉnh theo giá thị trường thế giới, nhưng chủ yếu vẫn do Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cung cấp, chưa có thị trường than đúng nghĩa.
Đối với khí, giá khí cho sản xuất điện hiện không thống nhất giữa các mỏ, mỗi nhà máy điện mua khí một giá. Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị bán khí duy nhất cho các nhà máy điện. Sự thiếu yếu tố cạnh tranh trong cung cấp nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện sẽ dẫn đến giảm tính cạnh tranh của VCGM, các nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên VCGM vì vậy cũng khó có được một sân chơi bình đẳng, sòng phẳng theo đúng nghĩa!
PV: Vậy theo ông, cần phải làm gì để có được thị trường năng lượng sơ cấp đồng bộ với thị trường điện?
Ông Dương Quang Thành: Để xây dựng được thị trường năng lượng sơ cấp cần rất nhiều yếu tố và cũng phải có thời gian và lộ trình. Theo quan điểm của tôi, việc tách các nhà máy phát điện ra khỏi Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (những đơn vị cung cấp nhiên liệu chủ yếu cho sản xuất điện) cũng là vấn đề đáng nghiên cứu, nhằm đảm bảo các đơn vị nhiệt điện (không phân biệt chủ sở hữu) đều được mua than, khí, dầu bình đẳng theo giá thị trường, đa dạng hóa các nguồn cung cấp than, khí để gia tăng cạnh tranh ngay từ khâu cung cấp.
Theo tôi, thị trường năng lượng sơ cấp là một trong những bước đi cần thiết và tất yếu của việc phát triển thị trường năng lượng hoàn chỉnh mà các nước phát triển đã thực hiện thành công. Vấn đề là chúng ta cần phải bắt tay vào cuộc sớm để có thể góp phần đẩy nhanh lộ trình phát triển thị trường điện.
PV: Xin cảm ơn ông!