Có thể coi năm 2020, đại dịch COVID-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN, thể hiện vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, bền vững.
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thị trường thương mại điện tử đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua TMĐT.
Với thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch thương mại điện tử trên smartphone nhiều, thị trường TMĐT tại Việt Nam hiện tăng trưởng khá nhanh với 35,4 triệu người dùng và tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ đô la trong năm 2019. Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain&Company dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.
Bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang đến như giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh thì vẫn còn nhiều hạn chế trong việc mua bán trên thị trường trực tuyến như vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức; tranh chấp với đối tác trong TMĐT, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh, v.v… Các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến.
Theo như Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 5 năm 2020, Chính phủ đã đặt các mục tiêu tổng quát đến năm 2025 gồm: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới; Trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT) với chức năng quản lý nhà nước về TMĐT tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp trong tâm để đạt được các mục tiêu nêu trên, tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong TMĐT và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia và phát triển thị trường TMĐT cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, cụ thể là:
Một là, hoàn thiện khung pháp lý: Thương mại điện tử là một lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy khung pháp lý đang tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn. Khung pháp lý cho TMĐT hiện nay gồm: Luật Thương mại, Luật giao dịch điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và một số nghị định khác liên quan tới các lĩnh vực trong hoạt động thương mại điện tử như Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử chữ ký số và chứng thực chữ ký số; Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử, v.v…
Kể từ khi Nghị định 52 được Chính phủ ban hành, Bộ Công Thương đã trình, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết theo yêu cầu của Nghị định; hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, Chương trình nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển lĩnh vực TMĐT trên phạm vi toàn quốc. Với bản chất của thương mại điện tử là hoạt động thương mại áp dụng các tiến bộ trong công nghệ thông tin và Internet, hoạt động TMĐT cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng, năm 2002, Bộ Công Thương đã dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT.
Bên cạnh những quy định mới về chủ thể và cơ chế quản lý hoạt động TMĐT thì quy định về hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài cũng được đề ra để giải quyết những vướng mắc, bất cập; cụ thể: Bổ sung quy định chủ thể của hoạt động TMĐT, thu gọn đối tượng ứng dụng TMĐT phải thực hiện thủ tục hành chính; Công khai thông tin hàng hóa, người mua trên sàn TMĐT, minh bạch hóa thông tin cho người tiêu dùng, phòng chống gian lận thương mại; Quy định rõ hoạt động TMĐT trên mạng xã hội, mạng xã hội được tổ chức hoạt động tương tự như một hình thức TMĐT truyền thống; Sửa đổi quy định về cách thức hiện diện của thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam.
Hai là, xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử; hoàn thiện nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử:
Trong bối cảnh của COVID-19 và sự phát triển bùng nổ của thị trường mua sắm trực tuyến, để góp phần vào việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh tại Việt Nam, Cục TMĐT & KTS đưa ra giải pháp về phát triển hệ sinh thái TMĐT. Cụ thể, trong 5 năm tới, bên cạnh việc xây dựng các chương trình, chính sách đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử, giải pháp “Nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử” là công cụ đánh giá các chủ thể kinh doanh TMĐT. Xếp hạng tín nhiệm này sẽ công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.
Hiện nay, việc xây dựng tín nhiệm tiêu chuẩn trong thương mại điện tử là điều cần thiết để gia tăng niềm tin của khách hàng vào các hoạt động mua bán, thanh toán trong môi trường TMĐT. Mô hình về hoàn thiện nền tảng tín nhiệm (Circle of Trust) trong giai đoạn 2015 - 2025 bao gồm: xây dựng hệ thống thanh toán đảm bảo ESCROW; giải quyết tranh chấp trực tuyến TrustON; ứng dụng Chứng từ điện tử trong thương mại; ứng dụng dịch vụ chuyển phát tiêu chuẩn trong TMĐT và triển khai các chuỗi sự kiện phát triển TMĐT và hỗ trợ nhà sản xuất, hàng Việt uy tín trong nước.
Từ năm 2021, Cục TMĐT & KTS sẽ triển khai Chương trình GoOnline – với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng TMĐT từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến. Chương trình có sự đồng hành của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống TMĐT lớn nhất đất nước hiện nay, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng TMĐT, đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần “giải cứu”, chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ. Các nhóm giải pháp được đưa ra cụ thể như: triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn TMĐT; chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát; chương trình dán nhãn chuyển phát an toàn; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khi tham gia lên các sàn TMĐT; xây dựng Nhà phân phối sản phẩm Việt uy tín và phát động truyền thông chương trình GoOnline.
Thương mại điện tử là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh. Sự phát triển song song giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các vấn đề trong giao dịch TMĐT phát sinh cũng là bài toán được đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ người tiêu dùng. Với việc hoàn thiện những sửa đổi trong Nghị định 52/NĐ-CP cũng như các nhóm giải pháp trong hệ sinh thái “Phát triển nền tảng tín nhiệm TMĐT” ở Việt Nam sẽ góp phần xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp và mang đến những phát triển vượt bậc cho bức tranh TMĐT ở Việt Nam.
Sự phát triển của TMĐT đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho việc xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh ở Việt Nam. Dựa trên mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, một thị trường TMĐT an toàn, lành mạnh là điều hoàn toàn có thể thực hiện khi có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, địa phương và những doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia vào thị trường trực tuyến.