Phó Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen muốn bán gần hết số cổ phiếu HSG đang sở hữu

Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) vừa có thông báo về việc Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực Điều hành Tập đoàn đăng ký bán hơn 83% tổng số cổ phiếu HSG đang sở hữu.
Tập đoàn Hoa Sen
Hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen hiện đã qua giai đoạn xấu nhất và đang dần phục hồi trở lại.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) vừa thông báo về việc ông Trần Ngọc Chu - Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực Điều hành Tập đoàn Hoa Sen đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu HSG nhằm “giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân”.

Dự kiến giao dịch của ông Trần Ngọc Chu sẽ diễn ra từ ngày 27/11-22/12/2023, theo phương pháp khớp lệnh và thoả thuận. Lượng cổ phiếu HSG được bán ra lần này tương đương hơn 83% tổng số cổ phiếu HSG đang thuộc sở hữu của Phó Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen. Nếu giao dịch diễn ra thành công, ông Trần Ngọc Chu sẽ chỉ còn chi phối 0,046% vốn cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (tương ứng 281.147 cổ phiếu HSG).

Trong ngày 23/11, cổ phiếu HSG có giá tham chiếu tại mức 22.000 đồng/cổ phiếu. Tạm ước tính theo mức giá này, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen có thể thu về 33 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu như đã đăng ký. Đáng chú ý, giao dịch diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HSG đang có nhịp phục hồi với mức tăng gần 30% so với đầu tháng 11/2023.

Giá cổ phiếu HSG Tập đoàn Hoa Sen
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Xét về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý 4 niên độ tài chính 2022/2023 vừa qua (tương đương quý 3/2023), Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận lãi ròng đạt 438 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ so với mức lỗ 886 tỷ đồng của cùng kỳ niên độ trước. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất của tập đoàn này kể từ hồi giữa năm 2022.

Biên lợi nhuận gộp cũng tăng lên mức 13,2%, chủ yếu nhờ việc tối ưu hoá các khoản chi phí và tận dụng đáng kể nguồn tồn kho giá rẻ từ đầu năm, gồm thép cuộn cán nóng HRC (đối với sản phẩm thép) và nhựa PVC (đối với ống nhựa).

Xem thêm: "Giá HRC tăng trở lại, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) hưởng lợi từ tích trữ nguyên liệu giá rẻ" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Lũy kế niên độ tài chính 2022/2023, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu hợp nhất 31.651 tỷ đồng và lãi ròng hợp nhất 28 tỷ đồng, lần lượt giảm 36% và giảm 89% so với niên độ trước. Mặc dù chỉ lãi mỏng nhưng so với mặt bằng chung toàn ngành thép thì kết quả kinh doanh trên của Tập đoàn Hoa Sen vẫn được đánh giá là tích cực.

Theo nhận định của một số tổ chức tài chính, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen đã qua đáy và dần phục hồi kể từ cuối năm nay. Đặc biệt trong bối cảnh giá thép cuộn cán nóng (HRC) đầu vào tăng rõ rệt gần đây, biên lãi gộp của Tập đoàn Hoa Sen có thể sẽ vẫn tiếp tục được cải thiện nhờ chiến lược tích trữ nguyên vật liệu lúc giá rẻ.

Bên cạnh đó, giá HRC gia tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm tôn mạ kẽm và tôn mạ màu (thường có độ trễ khoảng 1-2 tháng). Trong một tuần trở lại đây, một số doanh nghiệp thép quy mô lớn tại Việt Nam đã tăng giá bán các sản phẩm thép và tôn mạ.

Duy Quang