Ngày 27/10, Bộ Công Thương có văn bản số 96/BC-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án thủy điện trên địa bàn và các cơ quan liên quan.
Cụ thể, về quy hoạch điện, Bộ Công Thương đề xuất không xem xét đề xuất bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ hơn 10 MW trên địa bàn.
Đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng thì tạm dừng, chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá tổng thể trên địa bàn.
Đối với các dự án thủy điện đã vận hành và đang thi công, tiến hành kiểm tra rà soát đánh giá tổng thể về phát triển thủy điện trên địa bàn trong thời gian vừa qua, trong đó đặc biệt cần phân tích, đánh giá về an toàn các công trình và các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trong điều kiện biến đổi thời tiết khí hậu cực đoan.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang tác động khiến tình hình khí tượng thủy văn, đặc biệt là thiên tai những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, cả về không gian, thời gian và quy mô, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các biện pháp theo lĩnh vực được giao để đảm bảo các công trình thủy điện và cơ sở hạ tầng kinh tế được an toàn hơn, vừa đảm bảo phòng chống thiên tai, vừa phát triển kinh tế, trong bối cảnh diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ và một số vấn đề liên quan.
Trong đó, , Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ Công Thương tại văn bản nêu trên về việc tăng cường các biện pháp quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện nhỏ trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời giao Bộ Công Thương theo thẩm quyền được pháp luật quy định về quy hoạch thủy điện nhỏ hướng dẫn cụ thể nội dung này, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có các dự án thủy điện, gắn với phát triển bền vững và an toàn, bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương tổ chức nghiên cứu đánh giá những biến đổi cực đoan của thời tiết trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay làm cơ sở để rà soát các chiến lược, kế hoạch trong phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng các bản đồ tỷ lệ lớn về lũ quét và sạt lở đất đá để làm cơ sở trong đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng về kinh tế, xã hội. (Cũng cần nói thêm, trong cuộc trả lời phỏng vấn VnExpress ngày 10/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quảng Bửu cho biết do tỷ lệ bản đồ lớn (1/50.000) nên khó xác định được cụ thể vị trí khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Để khắc phục việc này, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu và xây dựng Bộ bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đến cấp huyện và cấp xã với tỷ lệ 1/5.000).
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo các hiện tượng thời tiết như bão, lũ đảm bảo tính chính xác và kịp thời; xây dựng hệ thống viễn thông, quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, hạn chế rủi ro do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra, đặc biệt là khu vực miền Trung.
Đồng thời, rà soát nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án thủy điện đã được phê duyệt để thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá theo quy định, trường hợp các dự án chưa đưa vào vận hành nếu có tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội thì yêu cầu nghiên cứu đánh giá lại và có phương án điều chỉnh phù hợp, nếu không sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi dự án theo đúng quy định.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án trồng rừng thay thế đối với các công trình/dự án nhằm góp phần nâng cao chất lượng trồng rừng đảm bảo cân bằng sinh thái và khả năng tự điều tiết nguồn nước trên lưu vực.
Đồng thời, rà soát hiện trạng hệ thống hành lang thoát lũ phía hạ du các đập thủy lợi - thủy điện, bổ sung và hoàn chỉnh “Bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa trên lưu vực sông” theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước nhằm đảm bảo xác định chính xác được phạm vị ngập lụt, độ sâu ngập lụt và thời gian ngập lụt hạ du các hồ chứa thủy lợi - thủy điện, đảm bảo công tác ứng phó với tình huống thiên tai khẩn cấp.