Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2020, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Rà soát việc triển khai kế hoạch thanh tra trong 6 tháng đầu năm, đề xuất điều chỉnh và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung xây dựng định hướng công tác thanh tra năm 2021 bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu về công tác phòng, chống tham nhũng.
Trong đó tập trung vào lĩnh vực đất đai, xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư, mua sắm tài sản công, khai thác tài nguyên, khoáng sản…
Tập trung kết thúc các cuộc thanh tra đã triển khai theo đúng thời gian quy định. Khẩn trương ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trọng tâm là tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự tạo tiền đề để tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025.
Đồng thời, phối hợp thực hiện kế hoạch tiếp công dân, đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM. Tổ chức đối thoại với người dân trong các vụ việc trọng điểm, đạt kết quả tốt.
Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành, giải quyết kịp thời các bức xúc, phản ánh, kiến nghị của công dân ngay từ khi mới phát sinh, không để tạo thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.
“Kiên quyết không để xảy ra tình trạng đoàn thanh tra bị tố cáo vòi vĩnh, tham nhũng hay bị bắt quả tang nhận hối lộ. Đó là danh dự, phẩm giá của ngành và của cán bộ thanh tra”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Thứ tư, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra cần phải làm tốt công tác quản lý, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, đặc biệt là công tác đánh giá cán bộ.
Xây dựng độ ngũ cán bộ thanh tra “vừa hồng, vừa chuyên”, “liêm chính, bản lĩnh”, có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm có cả đức và tài. Cần thu hút được nhiều cán bộ giỏi, xuất sắc để nâng tầm công tác thanh tra.
Đồng thời chỉ đạo việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động trong ngành thanh tra, nhất là cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.