Lãnh đạo tự do hay còn được gọi là lãnh đạo ủy quyền. Phong cách lãnh đạo này cho phép các thành viên có quyền đưa ra quyết định và đóng góp ý kiến. Trong tất cả các phong cách lãnh đạo thì phong cách tự do thường có hiệu quả kém nhất.
Các đặc điểm của phong cách lãnh đạo tự do
Phong cách này bao gồm các đặc điểm sau:
- Không có sự can thiệp.
- Lãnh đạo chỉ hỗ trợ và đào tạo
- Quyền quyết định thuộc về nhân viên.
- Không gay gắt với sai lầm.
- Trách nhiệm giải trình thuộc về người lãnh đạo.
Mặc dù tên phong cách này là "tự do" hay "ủy quyền" nhưng nhiều nhà lãnh đạo vẫn cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ các thành viên nếu cần. Họ có thể đưa ra định hướng khi bắt đầu dự án, nhưng sau đó cho phép các thành viên trong nhóm tự thực hiện công việc mà không cần giám sát chặt chẽ.
Phong cách lãnh đạo này đòi hỏi rất nhiều sự tin tưởng. Các nhà lãnh đạo phải chắc chắn các thành viên trong nhóm sở hữu các kỹ năng và kiến thức liên quan để có thể hoàn thành một dự án mà không cần quản lý.
Ưu điểm
Giống như các phong cách lãnh đạo khác, phong cách lãnh đạo tự do cũng có những ưu điểm riêng:
- Khuyến khích phát triển cá nhân. Bởi vì các nhà lãnh đạo rất ít khi can thiệp nên các nhân viên có nhiều cơ hội thực hành. Phong cách lãnh đạo này tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cá nhân trưởng thành và phát triển.
- Khuyến khích sáng tạo và đổi mới. Phong cách lãnh đạo giúp đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Vì không bị quản lý nên nhân viên có quyền tự đưa ra quyết định. Họ có thể ra quyết định nhanh chóng mà không cần chờ đợi hàng tuần để được phê duyệt.
Tuy nhiên để có thể tận dụng được những lợi thế này, thì nhóm của bạn bắt buộc phải đáp ứng một số điều kiện cơ bản. Ví dụ: Nếu nhóm của bạn gồm những người có kỹ năng, giàu kinh nghiệm, có khả năng tự làm việc, thì phương pháp này có thể hiệu quả. Bởi vì họ là các chuyên gia có khả năng làm việc độc lập, nên họ có thể hoàn thành nhiệm vụ mà không cần hướng dẫn rất nhiều.
Ngoài ra, phong cách này sẽ vô cùng hiệu quả nếu các thành viên trong nhóm đều giỏi hơn người lãnh đạo về lĩnh vực họ đang làm.
Phong cách lãnh đạo tự do cũng cho phép các thành viên thể hiện kiến thức và kỹ năng chuyên môn của mình. Ngoài ra, quyền tự chủ này cũng làm cho họ cảm thấy tự do và hài lòng khi làm việc. Thêm vào đó, phong cách tự do có thể hoạt động tốt nhất nếu các thành viên trong tổ chức có động lực và đam mê với công việc.
Nhược điểm
Bởi vì phong cách tự do phụ thuộc quá nhiều vào khả năng cá nhân nên nếu các thành viên thiếu kiến thức và kĩ năng thì chắc chắn hiệu suất công việc sẽ kém đi.
Phong cách lãnh đạo này cũng không phù hợp nếu hiệu quả và năng suất cao là mục tiêu chính. Vì nếu một số người không có kỹ năng làm việc độc lập thì khả năng cao là các dự án sẽ đi chệch hướng và quá thời hạn. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng khủng khiếp.
Dưới đây là một số nhược điểm của phong cách lãnh đạo tự do:
- Vai trò không rõ ràng: Vì các thành viên trong nhóm thường không hoặc ít được hướng dẫn nên trong một số tình huống, phong cách tự do làm cho họ cảm thấy không thực sự chắc chắn về vai trò của mình trong nhóm.
- Ít tham gia: Các nhà lãnh đạo tự do thường bị coi là thiếu trách nhiệm. Điều này có thể dẫn đến thiếu sự gắn kết giữa các thành viên. Vì người lãnh đạo gần như không quan tâm đến những gì đang xảy ra dẫn đến các thành viên đôi khi ít quan tâm và lo lắng cho dự án.
- Trách nhiệm giải trình thấp: Một số nhà lãnh đạo lợi dụng phong cách này như một cách để trốn tránh trách nhiệm. Khi không đạt được mục tiêu, thì mọi nguyên nhân đều được cho là do các thành viên chứ không phải do người lãnh đạo.
- Thụ động: Ở mức độ tồi tệ nhất, lãnh đạo theo kiểu này thể hiện sự thụ động hoặc thậm chí là hoàn toàn né tránh trách nhiệm. Nhiều khi họ sẽ không làm gì cả, không cố gắng thúc đẩy các thành viên mà cũng không công nhận nỗ lực của người khác.
Nếu các thành viên trong nhóm chưa quen với công việc, thì tốt hơn hết người lãnh đạo nên chọn một cách khác để hướng dẫn họ. Sau này nếu các thành viên đã có nhiều kinh nghiệm hơn thì có thể quay trở lại sử dụng cách lãnh đạo tự do.
Lĩnh vực của phong cách lãnh đạo tự do
Nếu bạn có xu hướng tiếp cận lãnh đạo theo kiểu tự do, thì có một số lĩnh vực sẽ rất phù hợp với bạn. Đó là những lĩnh vực cần sự sáng tạo. Ở đó mọi người thường có kỹ năng và tận tâm với công việc chính vì thế kết quả mà họ mang lại sẽ là tốt nhất.
Các nhà lãnh đạo tự do thường rất giỏi trong việc cung cấp thông tin cơ bản khi bắt đầu dự án. Điều này đặc biệt hữu ích cho các nhóm tự quản lý. Bằng cách cung cấp cho các thành viên trong nhóm tất cả những thứ cần thiết ngay từ đầu, sau đó với kiến thức có sẵn, họ có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Ví dụ: Trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm, nếu các thành viên trong nhóm được đào tạo bài bản và có khả năng sáng tạo cao thì họ chỉ cần người lãnh đạo đưa ra định hướng cơ bản là đủ. Vậy trong trường hợp này phong cách lãnh đạo tự do lại mang lại hiệu quả tốt nhất.
Không chỉ riêng thiết kế sản phẩm mà đối với tất cả các lĩnh vực khác, việc sử dụng nhiều phương pháp lãnh đạo khác nhau ở các giai đoạn khác nhau sẽ giúp ích rất nhiều. Ví dụ: lãnh đạo theo kiểu tự do có thể hiệu quả nhất trong giai đoạn đầu. Đó là khi một thiết kế hay ý tưởng đang trong giai đoạn hình thành. Nhưng khi sản phẩm đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn sản xuất thì tốt hơn hết nên sử dụng cách lãnh đạo mà có nhiều sự chỉ đạo và giám sát hơn.
Một nhà lãnh đạo tự do có thể gặp khó khăn trong những tình huống đòi hỏi kỹ năng giám sát cao. Vì vậy nếu trong môi trường làm việc đòi hỏi mọi thứ bắt buộc phải hoàn hảo đến từng chi tiết thì phong cách dân chủ hoặc chuyên quyền có thể sẽ phù hợp hơn.
Còn nếu sử dụng cách tiếp cận tự do trong môi trường đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao như vậy thì có thể dẫn những hậu quả như hiệu suất kém, quá thời hạn, năng suất không đạt yêu cầu,... Đặc biệt, nếu các thành viên trong nhóm không biết mình phải làm gì hoặc không có chuyên môn thì hậu quả có thể tồi tệ hơn thế.
Các nhà lãnh đạo nổi tiếng với phong cách lãnh đạo tự do
Có khá nhiều nhà lãnh đạo theo cách này và người đầu tiên phải kể đến là Steve Jobs. Ông được biết đến là người luôn đưa ra định hướng cho cấp dưới nhưng sau đó lại để họ tự mình thực hiện mà không can thiệp.
Cựu Tổng thống Mỹ Herbert Hoover cũng nổi tiếng về phong cách lãnh đạo tự do. Ông cho phép các cố vấn có kinh nghiệm đảm nhận các nhiệm vụ mà ông thiếu kiến thức và chuyên môn.
Mặc dù thường bị đánh giá là cách lãnh đạo dẫn đến kết quả kém, nhưng lãnh đạo tự do vẫn có thể làm tốt trong nhiều tình huống khác nhau. Nếu bạn có xu hướng trở thành một nhà lãnh đạo tự do thì bạn nên xem xét và sử dụng cách lãnh đạo này một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, trong môi trường đòi hỏi phải quản lý và giám sát nhiều, bạn nên xem xét việc sử dụng phong cách lãnh đạo dân chủ và chuyên quyền để có được kết quả tốt nhất.
Có một kỹ năng bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn thành thạo: Có nó bạn trở nên vượt trội, thiếu nó bạn khó mà thành công