Phòng vệ thương mại "trợ lực" toàn diện cho sản xuất, xuất khẩu

Năm 2024, việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được triển khai hiệu quả để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất, xuất khẩu, giúp doanh nghiệp giữ vững thị trường nội địa và mở rộng thị trường quốc tế.
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại (bao gồm 21 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại). Trong đó, đang có 17 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó có 17 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực

Áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước

Trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, thời gian qua, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước.

Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến nay, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại (bao gồm 21 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại). Trong đó, có 17 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực.

Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và việc làm của hàng triệu lao động, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Cụ thể, tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại ước đạt 475.000 tỷ đồng (năm 2023) với số lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp khoảng trên 36.000 người. Thu ngân sách hàng năm từ thuế phòng vệ thương mại đạt từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng. Đồng thời, bảo vệ các ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam như: ngành sản xuất thép (14 biện pháp); thực phẩm (5 biện pháp); hóa chất (4 biện pháp); vật liệu xây dựng (2 biện pháp). Thuế chống bán giá, chống trợ cấp thu nộp ngân sách hàng năm hơn 1.000 tỷ đồng.

Ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài

Năm 2024, có dấu hiệu gia tăng đáng kể về số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Đến nay, đã có 272 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm: các vụ điều tra chống bán phá giá (149 vụ việc), các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (39 vụ việc) và chống trợ cấp (30 vụ việc).

Tính riêng năm 2024, có 27 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta. Trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Indonesia là các thị trường có xu hướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam (Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam).

Đặc biệt, năm 2024, các nước trên thế giới có xu hướng điều tra kép chống bán phá giá/chống trợ cấp. Đối với Việt Nam ta ghi nhận tổng số 5 vụ việc kép đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, điều tra chống trợ cấp lên tới 6 vụ việc trong năm 2024. 

2024 tiếp tục là một năm "bận rộn" trong công tác ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại taij thị trường nước ngoài
2024 tiếp tục là một năm "bận rộn" trong công tác ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài

Bộ Công Thương đã kịp thời hoàn tất xử lý một số vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ năm 2023 và một số vụ việc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần được xử lý trong năm 2024. Cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã hỗ trợ trong việc cung cấp thông tin hướng dẫn trả lời bản câu hỏi; nghiên cứu lập luận tại các giai đoạn cụ thể của từng vụ việc; đồng thời, nghiên cứu các kết luận và gửi thư tham vấn với cơ quan điều tra nước ngoài. 

Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ

Năm 2024, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi và tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; tuyên truyền, phổ biến nguy cơ tiềm ẩn và quyết tâm của Chính phủ trong việc chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; đưa ra các giải pháp, phương án tư vấn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm tránh bị các nước khác điều tra phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Qua đó giúp phát hiện và xử lý đối với doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam.

Cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó

Công tác cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng được Bộ Công Thương tiếp tục triển khai tích cực, thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại (danh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý) gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi. Đồng thời, theo dõi biến động xuất khẩu của hơn 50 mặt hàng có nguy cơ cao bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc điều tra chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bộ đã đưa ra danh sách cảnh báo 17 mặt hàng để các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể.

Theo đó, công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực, nhờ đó các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thy Thảo