Nếu cứ tiêu chuẩn hóa phụ nữ làm điện, làm cơ khí nếu không xốc vác, mạnh mẽ thì cũng quyết đoán, ồn ào, thì rõ ràng chị Hồ Thị Dung công tác tại tổ điện ngày thuộc bộ phận Điện của Công ty TNHH NatSteelVina không thể đáp ứng các “tiêu chí” đó. Bởi từ khi đặt bước chân đầu tiên vào trụ sở Công ty đến nay đã hơn 20 năm, Dung luôn là một người phụ nữ nhẹ nhàng, dịu dàng và khiêm tốn.
Nghĩ mãi vẫn không thể hình dung ra được, giọng nói ấy, lối trò chuyện ấy, nét dịu dàng ấy mà đã hơn 20 năm nay làm thợ với thứ đồ nghề quen thuộc là búa, là kìm, là bút thử điện…
Thợ điện nữ duy nhất
Vậy mà Dung đã gắn bó với tổ điện của Công ty TNHH NatSteelVina kể từ khi rời ghế nhà trường cho đến nay, hơn nữa, còn với một tình yêu cứ dày lên theo năm tháng cùng tinh thần trách nhiệm và sự hài lòng khó dấu. Giống như là số phận vậy vì cũng chính tại nơi đây chị đã gặp một nửa của mình, đó là người cán bộ kỹ thuật chín chắn, trưởng thành… Đến bây giờ, vào NatSteelVina mà hỏi ai cũng đọc vanh vách tên Cường – Dung của cặp đôi vợ chồng làm chung một cơ quan này, ngoài ra, còn có một số điều đặc biệt khác.
Trước hết, nhắc tới Hồ Thị Dung công nhân bộ phận Điện là ai cũng nhắc tới vai trò nữ duy nhất trong tổ Điện ngày của bộ phận Điện trong Công ty. Sản xuất thép vốn ít nữ, cả Công ty có hơn 20 nữ mà chủ yếu là làm văn phòng, riêng tổ điện thì thời hoàng kim là có 6 nữ, nhưng 2 năm lại đây thì các chị về hưu hết, chỉ còn lại duy nhất chị Hồ Thị Dung. Công việc hàng ngày của 18 người trong tổ Điện của chị Dung là quấn động cơ, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị điện, từ sáng đến chiều cứ đều đều làm không hết việc. Là nữ duy nhất, chị Dung chỉ thua anh em nam giới đồng nghiệp mỗi khoản… trèo thang thôi chứ ngoài ra là bình đẳng, thậm chí có phần còn thành thạo hơn bởi vì chị được làm đúng ngành nghề đã học.
Nhớ lại cảm giác tự hào vì được nhận vào làm việc ở Công ty, cho đến nay, trong sâu thẳm suy nghĩ của mình, chị Hồ Thị Dung vẫn luôn cảm thấy mình cực kỳ may mắn. Đất Thái Nguyên khi đó thiếu gì người tìm việc, vậy mà chị lại được Công ty TNHH NatSteelVina liên doanh với nước ngoài tiếp nhận, được vào làm công nhân tổ điện.
Rồi trẻ trung, xinh xắn, lại là “mì chính cánh” Dung là mục tiêu theo đuổi của rất nhiều đối tượng trong và ngoài Công ty, vậy mà chị lại xiêu lòng trước anh Cường, làm ở ca công nghệ – người hơn chị đến 7 tuổi. Duyên số thật khó giải thích, sau hơn 2 năm đi làm, chị Dung anh Cường nên vợ nên chồng!
Họ có với nhau một cô con gái và một cậu con trai. Con gái vừa thi đỗ đại học, còn con trai đang học cấp II. Với đặc thù làm ca ngày nên chị Dung có điều kiện chăm sóc con cái hơn vì anh Nguyễn Duy Cường chồng chị ngoài vị trí Trưởng ca Công nghệ, còn tham gia công đoàn Công ty. Đã làm công nhân ai cũng đều vất vả, nhà chị thì cả hai vợ chồng đều như vậy, bản thân chị Dung cũng công tác công đoàn trong bộ phận nên cũng chẳng rảnh hơn ai, nhưng chị Dung đã chọn lùi lại để cho ông xã có thêm cơ hội phát triển công tác.
Ai cũng cảm nhận được điều này bởi vì chị Dung luôn thành tâm lo lắng, bảo ban, làm bạn cùng con cái, rồi đối nội đối ngoại hai bên hài hòa, vui vẻ. Anh Cường chồng chị cũng nhìn ra sự chia sẻ, gánh vác của vợ nên rất trân trọng chị, luôn cố gắng san sẻ với chị trách nhiệm về con cái, ngoài ra còn ủng hộ chị chăm sóc gia đình bên vợ. Có cảm giác rằng họ là một cặp trời sinh vì luôn hướng về nhau và về gia đình với điều kiện cho phép nhất có thể.
Công ty là nhà, là tổ ấm
Hơn 20 năm làm ở bộ phận điện của Công ty, chị Hồ Thị Dung cũng như tất cả người lao động đều chứng kiến sự thay đổi, phát triển của Công ty, nhất là những đổi thay, hiện đại hóa, nâng cấp về công nghệ. Dù là nữ nhưng chị Dung không bao giờ cho phép mình tụt hậu, lối mòn trong chuyên môn. Đối với những dây chuyền công nghệ mới đi vào hoạt động, Công ty NatSteelVina sẽ mời thầy giáo về tập huấn, mời các lãnh đạo trong phòng bổ trợ cho công nhân. Tương tự như vậy với những kiến thức chuyên môn kỹ thuật và an toàn bảo hộ lao động. Đây là một hoạt động thường xuyên, liên tục và gần như bắt buộc của NatSteelVina.
Có lẽ chính vì vậy nên chị Hồ Thị Dung càng thêm yêu công việc của mình hơn bởi sự mới mẻ, đầy khám phá thông qua những yêu cầu mới của nhiệm vụ. Hơn nữa, chị nhận thấy cảm hứng hăng say tìm tòi, làm chủ công nghệ mới phục vụ cho công tác chuyên môn lan truyền mạnh mẽ không chỉ trong bộ phận điện của chị mà còn ở tất cả các bộ phận khác trong Công ty. Điều này đã khiến chị không thể nào đứng ngoài cuộc!
Không dùng fb, cũng ít sử dụng zalo, chị Dung thật thiếu hiện đại so với những phụ nữ cùng lứa tuổi. Nhưng thế giới nội tâm của chị ngoài tình yêu, trách nhiệm với công việc, là vô vàn những câu chuyện dành cho gia đình, những dạy dỗ, dặn dò cô con gái, những quan tâm, chia sẻ đúng lúc với cậu con trai và luôn ủng hộ cho chồng yên tâm công tác. Rồi cả gia đình, bố mẹ hai bên nữa chứ. Mỗi bình minh đến là mỗi ngày tình yêu thương, viên mãn với cuộc sống trong chị lại lớn dần lên.
Thế nên khi hỏi chị về những điểm thuận lợi khi hai vợ chồng làm cùng Công ty, chị nghĩ một lúc rồi mới nói ra: Nhiều lắm nhưng lúc này chỉ nhớ thứ đơn giản nhất. Đó là những phát sinh trục trặc trong chuyên môn phải tăng ca, những người phụ nữ khác còn phải lo giải thích và tìm sự thông cảm nơi gia đình, còn mình thì không cần phải nói nhiều chỉ cần gọi điện thôi là anh đã hiểu.
Quá tuyệt vời!
Cuộc sống gia đình còn gì phải phàn nàn nữa khi mà hai vợ chồng luôn rất hiểu và thông cảm cho nhau. Đối với chị Hồ Thị Dung, phạm trù gia đình của chị còn mở rộng hơn nữa, đó là Công ty TNHH NatSteelVina, nơi mà cả anh và chị đi qua thời thanh xuân tươi trẻ. “Phải nói là mình được rất nhiều từ ngôi nhà này, một công việc yêu thích, một người chồng yêu kính và một cuộc sống đầy yêu thương” – đó chính là lời chia sẻ gây xúc động nhất mà có lẽ rất ít phụ nữ có thể nói ra. Vì khi nói ra điều ấy, là họ luôn hạnh phúc vô cùng!