Với việc triển khai bài bản, đồng bộ, Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) luôn đảm bảo thu nhập, đời sống, sức khỏe nữ công nhân viên chức lao động, khẳng định vai trò lãnh đạo, sản xuất trong thời kỳ đổi mới của Vinataba.
Đây là nhận định được nêu tại tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH về Công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị 03/CT-TLĐ về Phong trào thi đua Giỏi việc nước - đảm việc nhà trong nữ công nhân viên chức lao động (2010-2020) do Công đoàn Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam vừa tổ chức mới đây.
Chú trọng chăm lo, bảo vệ lao động nữ
Hiện nay, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) có hơn 2.340 lao động nữ, chiếm 30,6% tổng số lao động. Nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nhìn chung đáp ứng mọi công việc được giao, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của người phụ nữ trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, giữ gìn nét truyền thống người phụ nữ Việt Nam, đóng góp tích cực vào phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trên mọi mặt công tác.
10 năm qua, bằng những việc làm cụ thể, Ban Nữ công Công đoàn các đơn vị của Vinataba đã nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của lao động nữ, tham mưu với Ban Chấp hành trong việc phối hợp tham gia sắp xếp lao động hợp lý, phù hợp với trình độ chuyên môn, tay nghề, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình nữ công nhân viên chức lao động; đảm bảo chế độ chính sách cho lao động nữ.
Công tác tổ chức kiểm tra và khảo sát việc thực hiện các chế độ, chính sách với lao động, được các cấp công đoàn quan tâm kịp thời. Các đơn vị luôn chú trọng công tác cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ.
Vì thế, 100% đơn vị có Thỏa ước lao động tập thể. Chế độ chính sách về tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi xã hội bình đẳng giữa nam và nữ, thu nhập của người lao động tăng trưởng cao bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt 14%; 100% công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phụ khoa cho nữ; thực hiện đúng quy định về chế độ nghỉ thai sản... các đơn vị đóng đủ BHXH, BHYT cho nữ cán bộ CNVCLĐ; một số đơn vị mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động.
Bên cạnh đó các đơn vị không bố trí lao động nữ vào các công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc có thai từ tháng thứ 7 được chuyển làm công việc nhẹ hơn theo đúng quy định của Bộ Luật lao động. Công đoàn Vinataba cho vay vốn phát triển kinh tế phụ gia đình đối với những lao động nữ gặp khó khăn. Các chị em đã sử dụng vốn vay để kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt có thêm thu nhập trang trải chi phí trong gia đình. Các đơn vị đều tặng quà nữ nhân ngày 8/3, 20/10, khen thưởng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” hàng năm.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ
Cùng với chú trọng chăm lo, bảo vệ quyền lợi lao động nữ, việc nâng cao chất lượng nhân lực nữ cũng được Công đoàn phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) Tổng công ty coi trọng. Các cấp công đoàn trong toàn Tổng Công ty đã phát động sâu rộng trong lao động nữ phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn khuyến khích tạo điều kiện về thời gian, kinh phí đào tạo để lao động nữ tự học tập, tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lao động nữ, công tác quy hoạch luôn được quan tâm, tạo điều kiện. Chất lượng đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được nâng cao cả về trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác, được lãnh đạo các cấp tin tưởng.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ Tổng công ty: có 01 đồng chí là Phó Bí thư, Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty; 19 đồng chí (tỷ lệ 48%) là trưởng, phó phòng ban Tổng công ty và tương đương. 05 đồng chí là Bí thư, Chủ tịch, Phó Giám đốc đơn vị.
Ở cương vị lãnh đạo, các chị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ trong quản lý, điều hành, cùng lãnh đạo đơn vị chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh đạt kết quả cao.
Theo ông Nhâm Minh Thuận, Phó Tổng giám đốc, Trưởng Ban VSTBPN, thực hiện mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tổng Công ty và các đơn vị đã làm tốt công tác rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ, để làm căn cứ đào tào, bồi dưỡng phát huy năng lực của mình.
Đặc biệt là phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của Ban VSTBPN Tổng công ty và Ban VSTBPN tại các đơn vị trong công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Quan tâm, đào tạo, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ trong cấp ủy Đảng, lãnh đạo công tác chuyên môn, công đoàn các cấp để phát huy những cán bộ nữ có năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Bà Ngô Hải Yến - Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Thuốc lá Thăng Long cho biết: Tại công ty nam nữ bình đẳng trong tham gia quản lý, bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào các chức danh quản lý, bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo cơ quan, tổ chức; bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội về đào tạo, bồi dưỡng, thăng tiến và phát triển đối với nữ cán bộ công nhân viên chức lao động. Đồng thời, Công ty thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo bình đẳng giới đối với nữ cán bộ công nhân viên chức với nam cán bộ công nhân viên chức trong quy hoạch, tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng tại Công ty.
Tất cả những yếu tố này đã làm nên những con số trong Công ty thuốc lá Thăng Long: Nữ tham gia cấp ủy Đảng: 03/42, chiếm tỷ lệ 7,14% (trên tổng số cấp ủy); Nữ giữ chức vụ quản lý trong Công ty: 01 người chiếm 10% ( trên tổng số cán bộ quản lý); Nữ cán bộ cấp Trưởng, phó phòng ban, phân xưởng và tương đương: 10 người chiếm tỷ lệ 16,7% (trên tổng số cán bộ Trưởng, phó phòng ban, phân xưởng và tương đương.
Còn theo ông Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Công đoàn Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Đảng ủy - Hội đồng Thành viên, Ban Giám đốc Công ty Thuốc lá Sài Gòn, đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ và cán bộ nữ tham gia quản lý nhằm phát huy tài năng trí tuệ, nâng cao địa vị xã hội, các cán bộ nữ ở mọi lĩnh vực.
Nhiều năm qua lực lượng lao động nữ của Công ty luôn được Đảng bộ đánh giá là lực lượng nòng cốt, góp phần rất lớn vào sự phát triển ngày càng vững mạnh của Công ty. Đến nay số nữ cán bộ được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng của Công ty đạt 29% trên tổng số cán bộ trưởng, phó phòng ban, phân xưởng tương đương.
Tỷ lệ nữ cán bộ viên chức lao động có trình độ chuyên môn từ trung học, cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 42,8% so với tổng số lao động nữ. Hàng năm, có trên 90% lao động nữ đạt danh hiệu lao động giỏi, trong đó có nhiều nữ đạt chiến sỹ thi đua cơ sở nhiều năm liền, chiến sỹ thi đua cấp Bộ và được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của cấp trên. Số nữ cán bộ viên chức lao động được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng chiếm 28.9% số Đảng viên toàn Đảng bộ.
Với những kết quả đạt được của các tập thể nữ, cá nhân nữ CNVCLĐ trên các lĩnh vực công tác, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học... hàng năm có từ 80% đến 90% nữ CNVCLĐ các đơn vị đạt lao động giỏi, nhiều chị được nhận Huân chương lao động hạng ba, bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương Việt Nam.
Tổng kết 10 năm phong trào phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” (2010-2020): Công đoàn Tổng Công ty khen thưởng cho 25 tập thể, 53 cá nhân, Công đoàn Công Thương Việt Nam khen thưởng 3 tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào.
Với phong trào “Lá lành đùm lá rách”, “uống nước nhớ nguồn”, cùng với CNVCLĐ trong Tổng công ty, nữ CNVCLĐ đóng góp phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng, xây tặng nhà tình thương, tình nghĩa và các hoạt động từ thiện khác... Tổng số tiền hoạt động từ thiện trong 10 năm (2011-2020) là trên 125,74 tỷ đồng. Ngoài ra Tổng công ty còn hỗ trợ 2 huyện Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và Huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ, tổng số tiền trên 61,33 tỷ đồng.