Phục vụ sản xuất dầu thực vật - Chọn tạo và khu vực hóa giống lạc VD-2

Theo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ của Công ty Dầu thực vật-Hương liệu-Mỹ phẩm Việt Nam (Vocarimex) thì tới năm 2005, cần tăng diện tích trồng lạc lên 380.000ha và năm 2020 lên 450.000ha.

Mục tiêu nghiên cứu là nhằm chọn tạo các giống lạc mới có năng suất cao và hạt to hơn giống VD-1 (là giống quốc gia đang được trồng rộng rãi ở các tỉnh phía Nam), giống ngắn ngày (thời gian sinh trưởng khoảng 85-95 ngày), ít nhiễm bệnh.

   Xuất phát từ đòi hỏi bức thiết của sản xuất, phối hợp với Viện Nghiên cứu quốc tế các cây trồng vùng nhiệt đới (ICRISAT), Trung tâm Đậu đỗ Hà Nội, được sự hỗ trợ của Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Viện Nghiên cứu Dầu thực vật- Hương liệu- Mỹ phẩm Việt Nam đã chọn tạo thành công và đưa ra sản xuất đại trà giống lạc mới VD-2. Các kết quả nghiên cứu được thực hiện trong thời gian từ năm 1994-2002.

    I. Vật liệu và phương pháp:

     1. Vật liệu: Giống lạc VD-2 (dòng OPI 9404) được chọn tạo từ năm 1994 (từ tổ hợp lai Lỳ Đức Hòa x USA 54) theo phương pháp phả hệ. Trong đó, giống Lỳ Đức Hòa được chọn làm mẹ và giống USA 54 của Viện ICRISAT được chọn làm bố.

     2. Phương pháp nghiên cứu:

     - Thực hiện theo phương pháp của Viện ICRISAT

     - Phân tích hàm lượng và chất lượng dầu được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Hóa dầu béo, phân tích của Viện. Trị số của HLD được quy về độ ẩm hạt 5%.

    3. Địa điểm: Huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), các huyện: Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Hòa Thành (Tây Ninh), huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), huyện Giồng Trôm (Bến Tre), huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc (Đồng Nai), Krông Ana, Cư M' gra, Ea H'Leo, Cư Jut (Đắc Lắc).

     4. Kỹ thuật canh tác: Chăm sóc theo quy trình của Viện nghiên Dầu thực vật-Hương liệu-Mỹ phẩm Việt Nam.

      II. Kết quả và thảo luận:

      1. Kết quả khảo nghiệm trên diện hẹp:

       Vụ Đông Xuân 1995-1996: Kết quả khảo sát cho thấy, 2 dòng lai OPI 9404 và 9422 có thời gian sinh trưởng ngắn (90 ngày), đạt năng suất cao nhất. Năng suất trung bình tại 2 điểm dòng lai này vượt trội so với giống Lỳ đối chứng (2717 kg/ha), đồng thời còn có khối lượng 100 hạt cao, tỷ lệ nhân, tỷ lệ hạt chắc cao.

      Vụ mùa 1996 và Đông Xuân 1996-1997: Năng suất trung bình 2 vụ cao nhất ở dòng OPI 9404, vượt giống Lỳ đối chứng 18%. Dòng OPI 9404 có KL.100 hạt cao hơn giống Lỳ đối chứng (37g) và tỷ lệ hạt chắc cao nhất. Từ vụ Đông-Xuân 1997-1998, dòng OPI 9404  được đặt tên là VD-2, tham gia vào các thí nghiệm so sánh giống chính quy ở các địa bàn khác nhau.

   Vụ Đông-Xuân 1997-1998:

    Kết quả khảo sát 11 giống tại 5 điểm cho thấy, giống VD-2 đạt năng suất cao nhất, vượt 32% so với đối chứng và khối lượng 100 hạt ổn định và có hàm lượng dầu cao hơn so với giống Lỳ địa phương từ 9-20%, đồng thời có tỷ lệ nhân cao (trên 78%). Ngoài ra, giống VD-2 còn có tính kháng nấm A.flavus cao.

   Kết quả phân tích thành phần axít béo của giống lạc VD-2 trên cho thấy, hàm lượng axít oleic chiếm 42,35% và axít linoleic là 35,36%, tổng hàm lượng 2 axít này là 77,71%.

   Vụ Đông-Xuân 1999-2000 và Vụ Đông-Xuân 2000-2001:

    Giống VD-2 được thí nghiệm trên diện hẹp trong 3 thí nghiệm với các bộ giống nhập từ Senegal, ICRISAT và từ Trung tâm Đậu đỗ Hà Nội đạt năng suất cao từ 15-50% so với các giống đối chứng. Ngoài ra, giống VD-2 có khả năng kháng trung bình đối với bệnh đốm lá và bệnh rỉ sắt.

   2. Kết quả thử nghiệm trên diện rộng:

      Năm 1998-2002, giống VD-2 đã được trồng thử nghiệm trên diện rộng tại 11 điểm thuộc 6 tỉnh: Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đắc

Lắc, Bến Tre. Kết quả cho thấy, giống VD-2 có năng suất cao, vượt giống địa phương đối chứng từ 5-22%. Ngoài ra, giống VD-2 sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, vỏ mỏng, tỷ lệ nhân và hạt chắc cao.

   3. Kết quả thử nghiệm một số biện pháp kỹ thuật canh tác cho giống

      VD-2

      Kết quả thử nghiệm đã xác định bón phân Bo ở mức 0,5 kg-2 kg/ha làm tăng số quả/bụi, tỷ lệ nhân, tỷ lệ hạt chắc và tăng năng suất từ 6-7% một cách có ý nghĩa.

       Kỹ thuật phủ nylon làm tăng năng suất so với đối chứng không phủ là 27%. Thử nghiệm chế phẩm điều hòa sinh trưởng P.333 (paclobutrazol) phun ở thời điểm 50 ngày sau khi gieo với nồng độ là 0,24% và tăng năng suất 20% và chiều cao cây giảm.

   4. Quy trình thâm canh giống VD-2: cho năng suất vượt giống địa phương là 15%.

     5. Khu vực hóa giống VD-2 : Giống VD-2 với các đặc tính  năng suất cao, hạt lớn, tính thích ứng rộng, thích hợp với các mùa vụ, vùng đất khác nhau, được nông dân các nơi ưa chuộng. Giống VD-2 đang được nhân rộng và phát triển trong sản xuất. Hiện tại, diện tích trồng giống VD-2  tại các địa phương tương đối lớn, riêng huyện Gò Dầu chiếm khoảng 600 ha.

    III. Kết luận:

   - Giống lạc VD-2 (dòng OPI 9404) được chọn tạo từ năm 1994 từ tổ hợp lai Lỳ Đức Hòa x USA 54. VD-2 thuộc dạng hình thực vật Spanish, lá có màu xanh nhạt, cây cao trung bình 39-52cm, vỏ láng, vỏ quả mọng, hơi có mỏ, vỏ lụa mầu hồng sáng, tỷ lệ nhiễm nấm A.flavus thấp, có khả năng kháng trung bình đối với bệnh đốm lá và bệnh rỉ sắt, hàm lượng dầu cao (49,2%).

   - Giống lạc VD-2 trồng khảo nghiệm trên diện hẹp, đạt năng suất cao, vượt đối chứng VD-1 từ 15-50% và có kích cỡ hạt lớn.

   - Giống lạc VD-2 trồng thử nghiệm trên diện rộng tại nhiều địa phương ở phía Nam như: Huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), các huyện: Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Hòa Thành (Tây Ninh), Đức Hoà, Đức Huệ (Long An), Giồng Trôm (Bến Tre), Long Thành, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc (Đồng Nai), Đắc Lắc. Qua trồng thử nghiệm cho thấy, giống lạc VD-2  đều đạt năng suất cao, vượt giống VD-1 từ 15-42%.

    Kết quả khảo nghiệm kỹ thuật ở giống lạc VD-2 cho thấy: Bón phân Borac với liều lượng 0,5 kg/ha, năng suất tăng 6-7% và lợi nhuận tăng 1.260.000 đ/ha. Sử dụng kỹ thuật phủ nylon đã làm tăng năng suất 27% so với không phủ, đem lại lợi nhuận 3.137.000 ha. Khi phun chế phẩm điều hòa sinh trưởng P.333 làm tăng năng suất 20% so với đối chứng. Mô hình thâm canh trên giống VD-2 đã cho năng suất tăng 15% so với thực tiễn của nông dân.

   - Giống VD-2 với các đặc tính năng suất cao, hạt lớn, tính thích ứng rộng, thích hợp với các mùa vụ, vùng đất khác nhau, được nông dân các tỉnh ưa chuộng, đang được nhân rộng và phát triển trong sản xuất. Hiện tại, chỉ  tính riêng huyện Gò Dầu, diện tích trồng giống VD-2 chiếm khoảng 600 ha. Tin rằng, giống VD-2 sẽ đạt tiêu chuẩn quốc gia và được sản xuất trên diện rộng, là một giống mới bổ sung vào nguồn giống, đáp ứng nhu cầu sản xuất dầu thực vật./.

  • Tags: