P.V: Xin Ngài Tham tán Thương mại đánh giá tổng quát về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt hợp tác về lĩnh vực công nghiệp giữa Việt Nam và Ba Lan trong thời gian qua?
Ngài Zbigniew Pawlik: Thực vậy, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Ba Lan đã có từ lâu. Song, từ khi Liên Xô tan rã, đặc biệt là khối Đông Âu, trong đó có Ba Lan, thì quan hệ hợp tác giữa hai nuớc có phần giảm sút. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1993, trao đổi hàng hóa giữa hai nuớc đã tăng dần, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan tăng nhanh hơn xuất khẩu từ Ba Lan sang Việt Nam. Năm 2005, giá trị trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và Ba Lan so với năm 2004 có sự tăng truởng chậm. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt gần 243,0 triệu USD (năm 2004 đạt 201,1 triệu USD). Xuất khẩu đạt khoảng 54,0 triệu USD, nhập khẩu đạt gần 190,0 triệu USD, mức thâm hụt ngoại thương là 136,0 triệu (năm 2004 là 125,2 triệu USD). Sự giảm dần của thâm hụt ngoại thương là hệ quả của sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu từ Ba Lan sang Việt Nam và sự tăng trưởng rất nhỏ của xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan. Sự gia tăng xuất khẩu các mặt hàng: Máy móc, thiết bị phục vụ công nghiệp đóng tàu trong khuôn khổ Hiệp định Tín dụng của Chính phủ Ba Lan đã có ảnh hưởng quyết định cho sự gia tăng này.
Trong 2 năm trở lại đây, xuất khẩu từ Ba Lan sang Việt Nam vẫn phát triển theo hướng biến động cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Xếp vị trí thứ nhất là các mặt hàng: máy móc, thiết bị và nguyên liệu cho công nghiệp đóng tàu; Kế đến là sản phẩm sữa bột (năm 2005, xuất khẩu sữa bột sẽ bằng khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu từ Ba Lan sang Việt Nam, trong khi năm 2002, con số này lên tới 50%). Ngoài các mặt hàng truyền thống (như máy móc, thiết bị cho các ngành Công nghiệp Đóng tàu, Khai thác mỏ, sữa bột, sôcôla, tân dược...), Ba Lan còn xuất sang Việt Nam một số lượng lớn gỗ vụn dùng để sản xuất ván ép nhân tạo và máy xây dựng, thiết bị điện, mỹ phẩm và các mặt hàng chăm sóc sắc đẹp.
So với năm 2004, thì năm 2005 đã có thay đổi trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Nhập khẩu giày dép và hàng may mặc vượt lên vị trí dẫn đầu (Những năm trước đây, hai mặt hàng này chỉ giữ vị trí số 4 và 3). Giữ vị trí thứ 3 là mặt hàng cà phê (nhập ở dạng hạt tươi, sau đó được các công ty Ba Lan chế biến và xuất khẩu sang các nước XHCN cũ). Nhập khẩu gạo, lúc trước ở vị trí số 2 hiện đã xuống vị trí thứ 4. Kế tiếp sau là nhập khẩu các mặt hàng: Mỳ ăn liền, gia vị và nhiều mặt hàng khác (cao su, thảm, đồ gỗ, các mặt hàng mây tre, chè xanh, hạt tiêu, quế...).
Từ ngày 01.01.1999, Hiệp định Tín dụng của Chính phủ Ba Lan trị giá 70 triệu USD giành cho phát triển công nghiệp đóng tàu đã đi vào hoạt động. Theo điều kiện trong Hiệp định và một số sửa đổi đã xác định trên văn bản, việc ký hợp đồng sử dụng khoản tín dụng trên đã được kết thúc vào ngày 04 tháng 01 năm 2005 và việc thực hiện hợp đồng đã kết thúc vào cuối năm 2005.
P.V: Theo Ngài, những lĩnh vực nào của Việt Nam sẽ được các nhà đầu tư Ba Lan quan tâm?
Ngài Zbigniew Pawlik: Xét dưới góc độ thời gian kết thúc thực hiện các hợp đồng sử dụng tín dụng trong Hiệp định Tín dụng của Chính phủ Ba Lan đã đến gần và kết quả là sự giảm mạnh của xuất khẩu từ Ba Lan sang Việt Nam, trong thời gian dài gần đây, Đại sứ quán Ba Lan đã có sáng kiến tổ chức các cuộc đàm thoại giữa các công ty Ba Lan và các công ty Việt Nam và các cơ quan nhà nước giữa hai Chính phủ về việc cung cấp khoản tín dụng tiếp theo cho Việt Nam. Kết quả của các cuộc đàm thoại này là Tập đoàn Đóng tàu Việt Nam “Vinashin” và Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam qua trung gian là Bộ Tài chính Việt Nam đã đề xuất vào cuối năm 2004 với Đại sứ Ba Lan tại Hà Nội về khả năng cung cấp tín dụng phục vụ việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện 200 MW; Tiếp tục phát triển ngành Đóng tàu Việt Nam .
Năm 2005, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận cụ thể về điều kiện khoản tín dụng trên và chúng tôi hy vọng, Hiệp định Tín dụng mới này sẽ được ký kết vào quý II hoặc quý III trong năm 2006. Hiện nay, theo đánh giá của chúng tôi, các mặt hàng xuất khẩu có triển vọng của Ba Lan sang thị trường Việt Nam là:
- Thiết bị, máy móc cho các ngành: Khai thác than, chế biến quặng bô xít,
- Xây dựng và vật liệu xây dựng.
- Các mặt hàng nông nghiệp và thực phẩm.
- Các mặt hàng gia dụng.
- Mỹ phẩm và các mặt hàng chăm sóc sắc đẹp.
P.V: Với những kết quả đạt được, xin Ngài cho biết triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong những năm tới?
Ngài Zbigniew Pawlik: Cho tới thời điểm hiện nay, vẫn chưa có sự quan tâm của các công ty Ba Lan trong lĩnh vực đầu tư tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đã có những tín hiệu về sự gia tăng đầu tư ngày càng nhiều và trên phạm vi rộng của những người Việt Nam đang định cư tại Ba Lan. Hiện tại, hai dự án xây dựng dây chuyền công nghệ sản xuất cửa sổ nhựa và dây chuyền sản xuất các loại vữa xây dựng đang được triển khai và hoạt động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất gần TP. Hồ Chí Minh. Chắc chắn trong thời gian tới, sẽ xuất hiện nhiều dự án đầu tư của Ba Lan tại thị trường Việt Nam, quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực không ngừng phát triển, bởi vì Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện hơn, thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Ba Lan.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn Ngài.