Với sự tham gia của các chuyên gia, các đơn vị quản lý thị trường địa phương, các Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và môi trường…và đơn vị có liên quan, tại Hội thảo các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về hiện trạng công tác quản lý, xử lý, tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng, chia sẻ các kinh nghiệm của các địa phương trong công tác xử lý, tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác này nhằm đáp ứng được các mục tiêu về bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại Hội thảo bà Đỗ Phương Dung – Phó Cục trưởng Cục ATMT cho biết Bộ Công Thương đang tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm hướng tới một nền sản xuất giảm phát thải và gắn với bảo vệ môi trường. Tại Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 08/9/2020, cũng nhấn mạnh, kiểm soát các nguồn thải và xử lý các vấn đề môi trường cấp bách từ các hoạt động thương mại và công nghiệp là trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn tới.
Sản xuất và kinh doanh các loại hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp với qui mô ngày càng lớn
Thực tế bên cạnh những kết quả tích cực thời gian qua trong phát triển thương mại, phục hồi sản xuất trong nước và xuất khẩu, hoạt động sản xuất và kinh doanh các loại hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp với qui mô ngày càng lớn, trong nhiều ngành hàng. Hàng giả, hàng kém chất lượng, không chỉ xuất hiện tại các chợ, trung tâm thương mại trên cả nước... mà còn được phát hiện trên môi trường điện tử như web, sàn giao dịch thương mại.
Đánh giá về thực trạng hoạt động quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng trình bày tại Hội thảo, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công thương cho biết: thời gian qua Hoạt động quản lý tiêu hủy của một số địa phương cơ bản thực hiện đảm bảo an toàn môi trường và tiết kiệm chí phí. Việc quản lý môi trường trong lĩnh vực này ở nước ta đang thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường mới năm 2020 và các văn bản quy định, hướng dẫn có liên quan; Một số địa phương đã cập nhật, áp dụng thực hiện đầy đủ, đúng quy định những chính sách mới trong xử lý quản lý tiêu hủy hàng hóa vi phạm như lưu kho, thành lập hội đồng phân loại, chọn hình thức tiêu hủy, đơn vị chức năng xử lý….đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.
Một số địa phương xử lý tiêu hủy bằng nhiều hình thức, phương pháp: đốt, tái chế và đồng xử lý. Theo Viên Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công thương Hiện phương pháp đồng xử lý đang được áp dụng ở một số thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội…. là giải pháp cần được khuyến khích đáp ứng phát triển kinh tế tuần hoàn…
Cần nhanh chóng xây dựng chính sách quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường
Theo Phó Cục trưởng Cục ATMT thời gian qua việc quản lý, xử lý hàng hóa vi phạm bị thu giữ gặp nhiều khó khăn do vấn đề kinh phí, sự tham gia, phối hợp giữa nhiều đơn vị khác nhau, đặc biệt là hệ thống pháp luật quy định về việc quản lý, xử lý, tiêu hủy các loại hàng hóa vi phạm đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường hiện chưa đồng bộ. Việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng trong quá trình phát hiện, thu giữ đã và đang là vấn đề được quan tâm của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và các quy định liên quan hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công thương đồng thời chỉ ra những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường từ hoạt động quản lý, xử lý, tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Cụ thể như:còn sự chồng chéo, thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên quan đối với việc thực thi quản lý, xử lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; Số lượng doanh nghiệp, cơ sở xử lý môi trường được cấp phép của Bộ TN&MT ở một số địa phương còn thiếu, nhiều địa phương không có cơ sở xử lý chất thải nguy hại gây khó khăn trong phương án xử lý tiêu hủy của các cơ quan chức năng;
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân loại, tái chế chất thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ đồng đốt còn chưa phổ biến ở nhiều địa phương hoặc chưa có quy định, hướng dẫn của Bộ, ngành về phân loại, xử lý cụ thể đối với từng nhóm hàng hóa (là hàng giả, hàng kém chất lượng) nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…; Đặc biệt là khó khăn kinh phí ngân sách phục vụ cho công tác quản lý, giám định, xử lý tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng.. cũng là những thách thức hạn chế trong thực tiễn.
Trình bày tương đối chi tiết về các Chính sách hiện hành về quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường cũng như các kết quả điều tra khảo sát về hoạt động này thời gian qua, tại Hội thảo Cục ATMT đồng thời chỉ ra những nguyên nhân khiến cho công tác này vẫn còn những tồn tại trong bảo vệ môi trường như thiếu: các quy định hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý, tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng yêu cầu bảo môi trường theo từng nhóm hàng hóa; chính sách quản lý, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các hàng hóa còn giá trị sử dụng và không gây nguy hại tới sức khỏe con người và môi trường, quy định phân loại theo chất thải; thiếu quy định hướng dẫn đối với việc cho phép xử lý tái chế, tận dụng làm nguyên liệu, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm kinh phí tiêu hủy,giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Theo đó, Cục ATMT đề xuất cần nhanh chóng xây dựng chính sách quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện việt nam
Từ kết quả của Hội thảo Cục ATMT tổng hợp, kiến nghị các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện dự thảo chính sách về xử lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, cũng như theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.