Quản lý Nhà nước các khu công nghiệp: Thành công và bất cập

Các KCN Việt Nam ngày nay đã trở thành một lực lượng công nghiệp mạnh, có đóng góp ngày càng lớn trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước đối với KCN ở Việt Nam,

Ở Việt Nam, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về KCN (bao gồm các khu công nghiệp thông thường, khu chế xuất, khu công nghệ cao) bằng các công cụ quản lý vĩ mô và quyết định những vấn đề chung. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và trực tiếp quyết định những vấn đề thuộc chức trách và thẩm quyền đối với KCN (phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KCN trong từng thời kỳ; phê duyệt các dự án đầu tư, thành lập các KCN; quyết định về hệ thống tổ chức phát triển và quản lý nhà nước các KCN...). Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  tổ chức  phát triển và quản lý nhà nước KCN có các cơ quan quản lý nhà nước về KCN ở cấp trung ương (TW) và cấp tỉnh.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về KCN theo chức năng và thẩm quyền và sự phân công trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn và lãnh thổ.

Để giúp Chính phủ quản lý KCN, ngoài các Bộ, ngành TW và UBND cấp tỉnh, đã hình thành hệ thống Ban quản lý (BQL) KCN cấp tỉnh. Cho đến nay, 32 BQL KCN cấp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập để quản lý hoạt động của KCN trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (trừ những trường hợp đặc biệt để quản lý một KCN chuyên biệt như BQL KCN Việt Nam - Singapore, BQL KCN Dung Quất và BQL khu công nghệ cao (KCNC) Hoà Lạc, BQL KCNC TP Hồ Chí Minh). BQL KCN cấp tỉnh là cơ quan quản lý trực tiếp các KCN trong phạm vi địa lý hành chính của một tỉnh, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, thực hiện cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”.      

Cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ" được thực hiện thông qua việc các Bộ, ngành TW và UBND tỉnh, thành phố ủy quyền cho BQL KCN cấp tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, thương mại, lao động... Một số nội dung quản lý thuộc lĩnh vực chuyên ngành như hải quan, công an, thuế vụ... thực hiện theo phương thức các cơ quan này đặt cơ quan đại diện đủ thẩm quyền giải quyết trực tiếp công việc tại từng KCN hoặc cụm KCN.

Song song với việc ủy quyền, các cơ quan quản lý nhà nước TW chuyển sang tập trung vào công tác quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, xây dựng các quy trình, quy phạm, các định mức kinh tế - kỹ thuật, tăng cường công tác hướng dẫn, tổ chức tập huấn, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và giám sát các BQL KCN cấp tỉnh thực hiện các chức năng quản lý nhà nước được ủy quyền.

BQL KCN cấp tỉnh trực tiếp làm đầu mối và xử lý các vấn đề cụ thể theo quy định, nhưng BQL KCN cấp tỉnh cũng không trực thuộc UBND cấp tỉnh và cũng không trực thuộc bất cứ Bộ, ngành nào ở TW (đó là nét rất riêng biệt, đặc thù về tổ chức của các BQL KCN cấp tỉnh ở thời kỳ trước tháng 9 năm 2000).

BQL các KCN Việt Nam được thành lập cuối năm 1996 là cơ quan đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức phát triển và quản lý các KCN đã được quy hoạch và phê duyệt. BQL các KCN Việt Nam là đầu mối tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến KCN; đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển KCN.

Do hệ thống tổ chức bộ máy quản lý các KCN nói trên có một số điểm bất cập, ngày 17 tháng 8 năm 2000 tại các Quyết định 99/2000/QĐ-TTg (Quyết định 99/TTg) và Quyết định 100/2000/QĐ-TTg (Quyết định 100/TTg), Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại như sau:

- Chuyển giao tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của BQL các KCN Việt Nam về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Chuyển giao các BQL KCN cấp tỉnh về trực thuộc UBND cấp tỉnh.

Về cơ bản, các Bộ ngành TW, UBND cấp tỉnh, BQL KCN cấp tỉnh vẫn thực hiện chức trách, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các KCN như trước đó, theo Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ (Nghị định 36/CP) .

Một số thành công bước đầu

Quá trình xây dựng và phát triển các KCN ở Việt Nam trong thời gian qua đã thể hiện sự đúng đắn trong đường lối phát triển kinh tế của Đảng qua các Văn kiện Đại hội VI, VII, VIII, IX; thể hiện sự chỉ đạo kịp thời và năng động của chính quyền các cấp từ TW đến địa phương; thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn, trở ngại của cán bộ các ngành, các cấp; thể hiện sự chuyển biến có tính cách mạng trong nhận thức và xây dựng tác phong công nghiệp của giai cấp công nhân Việt Nam mới.    

Công tác thể chế hoá chủ trương, ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến KCN đã có những thành công bước đầu đáng ghi nhận. Các cơ quan nhà nước đã từng bước thể chế hoá chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển KCN, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo khung pháp lý cho tổ chức thực hiện phát triển KCN. Quy chế KCN, KCX, KCNC (Quy chế KCN) do Chính phủ ban hành cùng với các luật hiện hành, nhất là các Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài, Bộ Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Thương mại, các Luật thuế đã tạo môi trường pháp lý tương đối rõ ràng và thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động và bảo đảm công tác quản lý nhà nước.  

Kịp thời ban hành danh mục các KCN ưu tiên đầu tư đến năm 2000 trong quy hoạch tổng thể phát triển các KCN đến năm 2010. Quy hoạch phát triển KCN là cơ sở để xem xét, quyết định thành lập từng KCN.

Nhà nước có chính sách đúng và kịp thời trong thu hút đầu tư nước ngoài, khơi dậy và phát huy nguồn nội lực. Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo phát triển KCN từ khâu lập báo cáo khả thi, thành lập, đền bù giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiến hành sản xuất kinh doanh và kịp thời giúp họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Quy chế KCN đã nâng cao vai trò quản lý nhà nước của các ngành, các cấp, đặc biệt là UBND cấp tỉnh, BQL KCN cấp tỉnh đối với KCN, đồng thời tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong Quy chế KCN đã có một số quy định thực hiện cơ chế quản lý theo hướng bỏ dần những thủ tục "xin cho", chuyển sang cơ chế "đăng ký", theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý thông qua việc ban hành các chính sách, tiêu chuẩn, quy định mẫu, tiến hành giám sát hoạt động của doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp chế tài khi doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật.

Cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” đối với KCN đã góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, giải quyết công việc nhanh hơn, bớt quan liêu, giảm sự đi lại, chi phí cho việc thực hiện các thủ tục hành chính kinh tế, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển KCN từ chỗ là nhân tố mới, trong vòng 12 năm đã trở thành lực lượng công nghiệp mạnh; được các doanh nghiệp KCN hoan nghênh, thừa nhận. Đây là cơ chế quản lý đúng, phù hợp.

Là cơ quan mới thành lập, nhiệm vụ quan trọng nhất gắn liền với việc mau chóng thu hút đầu tư “lấp đầy” các KCN, bộ máy và cán bộ các BQL KCN cấp tỉnh được hình thành theo nhu cầu của công việc quản lý. Theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” việc xây dựng cơ cấu tổ chức và lựa chọn cán bộ được chú ý ngay từ khi hình thành, nên tại nhiều nơi, bước đầu đã xây dựng được bộ máy có hiệu lực, dựa trên các cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất tốt, tạo lập được phương thức quản lý tiến bộ, phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Nhìn chung trong thời gian qua, các BQL KCN cấp tỉnh bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển KCN, đã làm tương đối tốt chức năng quản lý nhà nước của mình theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" thông qua việc kiểm soát, điều chỉnh, thúc đẩy phát triển các KCN; tích cực hướng dẫn, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp có thể hoạt động một cách có hiệu quả, giúp đỡ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai dự án, tổ chức các hoạt động đa dạng hỗ trợ doanh nghiệp, được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ghi nhận như một đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh. 

Song hành với quá trình phát triển các KCN ở Việt Nam trong 12 năm qua, công tác quản lý nhà nước các KCN đồng thời cũng là một quá trình tìm tòi, thử nghiệm, do vậy, không tránh khỏi những hạn chế, yếu kém ở mặt này hay mặt khác.

Những bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với KCN

a-  Về việc thể chế hoá chủ trương phát triển KCN

Bên cạnh nhiều việc làm được, trong công tác thể chế hoá chủ trương phát triển KCN, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến KCN còn có những điểm hạn chế sau:

* Chưa có sự thống nhất trong nhận thức và triển khai chủ trương phát triển KCN

KCN là một mô hình kinh tế mới, là sự nghiệp dài hạn trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, góp phần đưa đất nước ta đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp. Trong nhận thức của một số cơ quan dường như chưa thấy rõ vai trò của KCN là công cụ phát triển kinh tế thông qua việc tạo địa bàn thuận lợi để xây dựng các cơ sở công nghiệp mới, phát triển công nghiệp theo quy hoạch và gắn với kiểm soát và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; coi KCN chỉ là “một túi đựng các doanh nghiệp công nghiệp”, nên vẫn có trường hợp thực thi chính sách, tổ chức quản lý KCN như các doanh nghiệp công nghiệp rời, chưa coi trọng phát triển đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội, nhất là khu dân cư, biến các KCN quy mô lớn cận kề các đô thị thành những thành phố công nghiệp. Từ nhận thức này đã dẫn đến chưa có chính sách đầy đủ, minh bạch cho phát triển KCN, trong tổ chức thực hiện lại tuỳ tiện. Hậu quả là việc phát triển KCN đã phức tạp lại càng khó khăn hơn.

* Chính sách còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Hiện nay vẫn tồn tại hai hệ thống pháp luật về đầu tư (pháp luật về đầu tư trong nước và pháp luật về đầu tư nước ngoài), trong khi với cùng điều kiện thương mại như nhau (giá thuê đất, giá thuê cơ sở hạ tầng, chi phí nhân công...) nhưng có sự phân biệt tương đối rõ rệt giữa đầu tư trong nước với đầu tư nước ngoài trong KCN. Vẫn chưa có những khuyến khích đáng kể cho các doanh nghiệp KCN trong nước, nên nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn thực hiện đầu tư ngoài KCN, chưa mặn mà đầu tư vào KCN, dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện quy hoạch phát triển, xử lý chất thải công nghiệp, lãng phí đất và các nguồn lực khác.

Chính sách KCN chưa tính đến các doanh nghiệp đã có và đang hoạt động trước khi có quyết định thành lập KCN, đã làm cho các doanh nghiệp loại này băn khoăn, chưa an tâm mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chính sách ưu đãi  cho các KCN nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn chưa đủ bù đắp cho những chi phí cao và các rủi ro mà các nhà đầu tư phải gánh chịu khi đầu tư vào đây, đã hạn chế thu hút đầu tư vào các địa bàn miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh miền Bắc. Ngược lại, một số khu vực thuộc tam giác động lực kinh tế miền Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai lại phát triển nóng.

Chậm thực hiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực, nên việc cung cấp lao động cho KCN đang xuất hiện nghịch lý thừa lao động giản đơn, nhưng thiếu lao động có tay nghề. Trong số hơn 38 vạn lao động đang trực tiếp làm việc tại các KCN, có không ít lao động được tuyển từ ngoài tỉnh, trong khi đó, tỉnh vẫn còn hàng vạn lao động đang chờ việc làm. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng lao động địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc như chưa có tay nghề hoặc chưa đủ điều kiện tối thiểu về trình độ học vấn để học nghề.

Chính sách đất, đền bù giải phóng mặt bằng, thuế đang triệt tiêu động lực phát triển và làm chậm lại việc thực hiện chủ trương khơi dậy và phát huy nội lực (việc đền bù giải phóng mặt bằng để làm KCN đang là vấn đề nổi cộm, làm chậm quá trình phát triển KCN; việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 10% đối với Công ty phát triển hạ tầng chưa xuất phát từ mục đích hỗ trợ phát triển công nghiệp...). Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự phát triển chưa đồng đều giữa các KCN ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Việc giải quyết nhà ở cho người lao động trong KCN mới dừng lại ở các chính sách chung về đất, về huy động vốn... Vì vậy, vấn đề chưa thể giải quyết được, công nhân phải đi thuê các nhà ở tạm bợ, thiếu các điều kiện sinh hoạt cần thiết, đời sống gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm sức khoẻ; trật tự trị an trên địa bàn thiếu ổn định.

Đến nay, ta chưa có một chiến lược chung về bảo vệ môi trường phù hợp với đối tượng là các KCN, bao gồm cả khung pháp lý, hệ thống quản lý nhà nước và chính sách môi trường KCN. Sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành TW và các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường với các BQL KCN cấp tỉnh, các Công ty phát triển hạ tầng KCN, các doanh nghiệp KCN chưa rõ ràng chặt chẽ, dẫn đến tình trạng thiếu nhất quán trong việc quản lý môi trường KCN.

Khung pháp lý cơ bản cho hoạt động phát triển và quản lý KCN là Quy chế KCN đã bộc lộ nhiều bất cập và trở thành nỗi bức xúc của các doanh nghiệp và các nhà quản lý KCN, nhưng việc sửa đổi diễn ra quá chậm chạp.

Trong thể chế hoá chủ trương thành những chính sách cụ thể và trong thái độ của một số cơ quan nhà nước, vẫn còn biểu hiện phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, nhất là đối với tư nhân cũng như đối với đầu tư nước ngoài, khiến cho tâm lý e ngại đầu tư kinh doanh trong xã hội chưa thực sự được giải toả. Giữa ý tưởng của pháp luật và việc thực hiện trong thực tế còn có khoảng cách. Có lúc, có nơi, một số công chức thực thi nhiệm vụ đã làm méo mó quy định của pháp luật, làm cho các nhà đầu tư nhìn nhận thiếu tích cực về môi trường đầu tư.

b- Về hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các KCN

Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các KCN không hoàn thiện ngay từ khi thành lập BQL các KCN Việt Nam năm 1996. Tuy có tổ chức và rõ đầu mối tổng hợp và phối hợp với các Bộ, ngành TW, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các KCN, nhưng vị trí pháp lý, chức năng, thẩm quyền của một số cơ quan trong hệ thống này vẫn chưa rõ.

Thực hiện cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 99/TTg và Quyết định số 100/TTg ngày 17/8/2000 chuyển BQL các KCN Việt Nam về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chuyển BQL KCN cấp tỉnh về trực thuộc UBND các tỉnh, song việc thực hiện mỗi tỉnh một khác.

Trong Quyết định 99/TTg “về việc tổ chức lại BQL các KCN Việt Nam” không chỉ rõ phải tổ chức lại theo mô hình nào. Theo Quyết định 100/TTg, BQL KCN cấp tỉnh chỉ chịu sự trực thuộc UBND tỉnh ở 4 mặt công việc: tổ chức, biên chế, chương trình kế hoạch và kinh phí.

Tình hình trên dẫn đến sự không thống nhất về tổ chức bộ máy quản lý KCN trên cả nước. Vị trí pháp lý của các BQL KCN cấp tỉnh hiện nay chưa được xác lập rõ ràng, mỗi tỉnh quan niệm một khác. ở TW lại chưa có một cơ quan ngành dọc cấp trên của các BQL KCN cấp tỉnh như hệ thống tổ chức bộ máy quản lý ở các lĩnh vực khác. Mặt khác, do tình hình phát triển KCN và hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN ở mỗi địa phương có khác nhau, số lượng KCN và số lượng dự án đầu tư vào KCN ở các địa phương nhiều khi có sự chênh lệch khá lớn; trong khi đó, các BQL lại có cơ chế quản lý như nhau, với biên chế và kinh phí hoạt động hầu như không chênh lệch nhiều lắm. Sự cào bằng này là bất hợp lý.

Thực tế cho thấy ở nước ta, KCN đã phát triển nhanh và trở thành lực lượng công nghiệp mạnh, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, nhưng chúng ta chưa có một hệ thống tổ chức bộ máy quản lý ngang tầm với nó: Đó phải là một hệ thống đồng bộ, ổn định, hoạt động theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” ở mọi cấp, nhằm tạo điều kiện cho KCN phát triển và phát huy thế mạnh của nó trong nền kinh tế quốc dân.

c-  Về cơ chế quản lý

Hiện đã thiết lập được cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” đối với KCN ở cấp địa phương, nhưng ở TW vẫn chưa thực hiện được cơ chế một đầu mối giải quyết các vấn đề liên quan đến KCN, nên vẫn còn tình trạng đưa đẩy công việc, kéo dài thời gian xử lý hoặc để việc rơi vào im lặng; khi có việc cần có ý kiến "cơ quan chủ quản ngành dọc" của các BQL KCN cấp tỉnh thì không tìm ra cơ quan này là ai...

Thông tin từ các Bộ, ngành TW đến BQL KCN cấp tỉnh chưa thông suốt, thậm chí, có Bộ trong việc ban hành các quy định liên quan đến KCN còn không coi BQL KCN cấp tỉnh là cơ quan quản lý trực tiếp KCN. Một số BQL KCN cấp tỉnh hoạt động còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm; quan hệ công tác giữa BQL KCN cấp tỉnh và một số Sở, ban ngành của tỉnh còn có vướng mắc.

Vẫn còn có cơ quan quản lý nhà nước chưa thông cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” nên chưa tin, chưa mạnh dạn uỷ quyền cho BQL KCN cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý thuộc thẩm quyền.

d-  Về các thủ tục hành chính

Có thể khẳng định, việc hình thành cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ" và sự ra đời của các BQL KCN cấp tỉnh đã góp phần tích cực vào tiến trình cải cách  hành chính; bước đầu đã đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc phát triển KCN và đã được chính các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoan nghênh.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn quá nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, bất hợp lý, gây phiền hà cho nhà đầu tư. Việc thực hiện một số thủ tục hành chính vẫn phải qua nhiều cửa và vẫn còn nhiều tầng nấc.

Chính phủ yêu cầu thực hiện chính sách mở cửa, nhưng việc thực thi còn nhiều bất cập, làm nản lòng các nhà đầu tư.

e-  Về xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển KCN

Đến nay, chúng ta đã có quy hoạch đầu tư phát triển các KCN đến năm 2000 trên phạm vi toàn quốc và đang bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2010. Quy hoạch này chủ yếu được dựa trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh, có trường hợp chưa kết hợp được quy hoạch ngành với quy hoạch lãnh thổ, trên cơ sở của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như của các vùng và địa phương. Quy hoạch phát triển KCN mới nêu được tên, địa điểm và diện tích chiếm đất, chưa có nội dung kinh tế - kỹ thuật được xác lập trên cơ sở khoa học.

Phương pháp, nội dung xây dựng quy hoạch chưa được nhận thức rõ đối với từng loại hình KCN, dẫn đến việc có ý kiến cho rằng, việc phát triển KCN trong trời gian qua là nhanh và nhiều hoặc “lạm phát” KCN làm cho các địa phương do dự, chùn bước.

Tình hình phát triển KCN trong một số năm qua đã có những biểu hiện phá vỡ cân đối, thành lập quá nhiều KCN tập trung ở một số vùng, trong khi khả năng thu hút đầu tư  hạn chế, dẫn đến việc không phát triển kịp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cần thiết cho hoạt động của các KCN và đáp ứng nhu cầu của quá trình đô thị hoá quá nhanh ở những vùng này, tạo nên sự cạnh tranh không đáng có trong thu hút đầu tư giữa các KCN trong cùng địa phương và giữa các địa phương với nhau, không phát huy được hiệu quả của nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng...

Việc đầu tư phát triển KCN thiếu sự phối hợp theo một quy hoạch thống nhất giữa các địa phương trong mỗi vùng; hầu như địa phương nào cũng có KCN với chức năng tương tự như nhau, nên không tận dụng được lợi thế so sánh của mỗi địa phương, phá vỡ và không tuân thủ theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.

g- Về vận động xúc tiến đầu tư vào KCN

Các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư không chỉ có chức năng kiểm soát, điều chỉnh mà còn có chức năng vận động, xúc tiến đầu tư; và đây cũng chính là một điểm yếu trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư  nói chung và công tác quản lý nhà nước đối với KCN nói riêng.

Thực tế là, trong hầu hết các luận chứng kinh tế kỹ thuật xây dựng các KCN và các báo cáo nghiên cứu khả thi, việc tiếp thị và vận động đầu tư mới dừng ở mức độ chung chung, chưa nêu rõ được thị trường, đối tác cần vận động đầu tư, nên khi triển khai rất lúng túng, có trường hợp hoàn toàn thụ động trông chờ.

Các cơ quan quản lý nhà nước của ta chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Do thiếu đầu mối quản lý chung, nên các hoạt động vận động xúc tiến đầu tư vào các KCN được tiến hành gần như tự phát, chủ yếu là do các công ty phát triển hạ tầng tiến hành. Nhìn chung, ở các KCN mà công ty xây dựng hạ tầng có liên doanh với nước ngoài, hoặc do nước ngoài đầu tư 100% vốn, công tác này thường được tổ chức chu đáo hơn, còn các công ty phát triển hạ tầng trong nước về mặt này còn nhiều yếu kém.

Trong khi đó, có một số việc xử lý chưa tốt đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại được phản ánh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, càng gây không ít hoài nghi về chính sách nhất quán và thiện chí của Nhà nuớc ta, tác động không tốt đến việc vận động, thu hút đầu tư nước ngoài.

Việc nghiên cứu thực trạng công tác quản lý nhà nước các KCN, chỉ ra những mặt được, chưa được và nguyên nhân của chúng, chính là cơ sở để đề ra những bước đi và giải pháp mới đúng đắn hơn./.

  • Tags: