Để biết thêm thông tin về những kết quả đạt được của lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên trong 05 năm qua và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Đình Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên (Cục QLTT Thái Nguyên).
PV: Sau 05 năm thành lập Cục QLTT Thái Nguyên (Quyết định số 3657/QĐ-BCT ngày 11/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương), Cục QLTT Thái Nguyên đã đạt được kết quả gì trong xây dựng lực lượng, đơn vị, thưa ông?
Ông Tạ Đình Dũng:
Thực hiện chủ trương lực lượng QLTT là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, được quản lý thống nhất, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, ngày 11/10/2018 theo Quyết định 3657/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, Cục QLTT Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại từ Chi cục QLTT tỉnh Thái Nguyên.
Sau 05 năm kể từ khi mô hình tổ chức mới được thành lập, theo chủ trương tinh gọn bộ máy, cùng với lực lượng QLTT cả nước, thì Cục QLTT Thái Nguyên đã có những thay đổi đáng kể trong công tác xây dựng lực lượng như: Tinh gọn cơ cấu tổ chức từ 10 Đội QLTT giảm xuống còn 05 Đội QLTT, đến nay Cục QLTT Thái Nguyên cơ cấu gồm: Ban Lãnh đạo Cục, 03 phòng chuyên môn và 05 Đội QLTT trực thuộc, với số lượng biên chế 87 công chức, trong đó công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 25 người, chiếm 28,7%; công tác đào tạo, bồi dưỡng được Đảng uỷ - Ban Lãnh đạo Cục quan tâm, tạo điều kiện cho công chức được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị đáp ứng tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn vị trí việc làm.
Đến nay 100% công chức đạt trình độ Đại học trở lên, trong đó tỷ lệ học trên Đại học đạt 30 %; tỷ lệ công chức có bằng Trung cấp, Cao cấp lý luận chính trị là: 59 người, chiếm 67,8%; cơ sở vật chất (trụ sở, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác,…) được quan tâm, đến nay 100% các Đội QLTT đều có phương tiện ô tô phục vụ công tác, có 2/5 Đội QLTT được đầu tư xây dựng mô hình trụ sở cấp Đội theo mô hình thống nhất chung toàn quốc. Các mặt công tác về chế độ, chính sách, tiền lương, quy hoạch, khen thưởng, điều động đều được thực hiện công khai, dân chủ. Đặc biệt không có tình trạng phải giải quyết khiếu nại trong nội bộ đơn vị và không có công chức vi phạm phải xử lý kỷ luật theo quy định.
PV: Để chứng tỏ tính ưu việt của mô hình tổ chức lực lượng QLTT theo ngành dọc, xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong 5 năm qua Cục QLTT Thái Nguyên trong công tác kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước… ?
Ông Tạ Đình Dũng:
Kể từ khi thành lập mô hình tổ chức, Cục QLTT Thái Nguyên đã luôn bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thái Nguyên để triển khai hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền. Hằng năm, căn cứ định hướng chương trình kiểm tra của Tổng cục QLTT và căn cứ tình hình thị trường, yêu cầu công tác QLTT tại địa phương, Cục QLTT Thái Nguyên đã yêu cầu các QLTT trực thuộc rà soát, tổng hợp, đề xuất các nội dung dự kiến của kế hoạch kiểm tra và xây dựng dự thảo Kế hoạch kiểm tra định kỳ trình Tổng cục QLTT phê duyệt. Đồng thời, căn cứ diễn biến tình hình thị trường Cục trưởng chỉ đạo quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề về lĩnh vực, ngành, mặt hàng có nguy cơ tiềm ẩn diễn biến phức tạp để kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Kết quả kiểm tra, xử lý giai đoạn từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm Cục QLTT Thái Nguyên đã thực hiện kiểm tra, xử lý trên 2.000 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước và trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trung bình trên 6 tỷ đồng (số thu nộp NSNN năm sau đều tăng cao hơn năm trước). Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng đã kiểm tra, xử lý hơn 600 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước và trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy là hơn 6,6 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ việc xử lý được đánh giá có kết quả điển hình trong lực lượng QLTT toàn quốc.
Mặt khác, thông qua hoạt động công vụ, Cục QLTT Thái Nguyên đã áp dụng đầy đủ các ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: Hệ thống quản lý cán bộ; hệ thống xử phạt vi phạm hành chính; hệ thống quản lý văn bản; hệ thống thư điện tử; cổng thông tin điện tử Cục QLTT các tỉnh, thành phố; các phần mềm kế toán, tài chính, tài sản chuyên ngành; hệ thống phòng họp trực tuyến được trang bị đồng bộ từ Tổng cục QLTT đến Cục QLTT các tỉnh, thành phố và từ Cục QLTT đến các đội QLTT trực thuộc... Đây được xem như là một bước hiện thực hóa cuộc cách mạng chuyển đổi số vào hoạt động công vụ của lực lượng QLTT cả nước nói chung và lực lượng QLTT Thái Nguyên nói riêng.
Một số vụ việc điển hình:
Vụ việc thứ nhất: Ngày 11/01/2022 dưới sự chỉ đạo của Cục QLTT Thái Nguyên. Đội QLTT số 2 phối hợp cùng Đoàn kiểm tra liên ngành 389 thành phố Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra đối với địa điểm sản xuất (thực phẩm, mỹ phẩm) tại Tổ 2, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên thuộc Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Gem Korea do ông H.A.T làm Giám đốc Công ty. Qua quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm vi phạm là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng với tổng trị giá hàng hóa vi phạm là trên 7 tỷ đồng. Sau khi chuyển giao vụ việc sang Công an thành phố Thái Nguyên theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân ông H.A.T với số tiền là 170.000.000 đồng và tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm nói trên. Đây là vụ việc được Tổng cục QLTT trao giải thưởng “Ấn chỉ vàng” tại Hội nghị tổng kết công tác QLTT năm 2022.
Vụ việc thứ hai: Ngày 22/6/2021, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 5 phối hợp với Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với một Doanh nghiệp xăng dầu tại địa bàn xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Qua quá trình kiểm tra, xác minh, làm rõ, phát hiện Doanh nghiệp này đã có các hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tang vật vi phạm gồm 15.696 lít xăng RON 95-III có tổng trị giá: 318.000.960 đồng. Vụ việc đã được trình Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp, số tiền xử phạt là: 544.193.760 đồng.
PV: Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục QLTT Thái Nguyên sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Tạ Đình Dũng:
Là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong thời gian tới Cục QLTT Thái Nguyên sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, xác định con người nhân tố quan trọng nhất, với thông điệp đề ra “Xây dựng con người đổi mới sáng tạo: Động lực then chốt phát triển bền vững”, Cục QLTT Thái Nguyên tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn lực hiện có.
Thứ hai, tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh Thái Nguyên và căn cứ tình hình thị trường tỉnh để triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong thực thi công vụ. Tăng cường hoạt động trao đổi thông tin với các Doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để nắm bắt các phương thức thủ đoạn của các đối tượng vi phạm. Lập dữ liệu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ đưa vào quản lý một cách có hệ thống.
Thứ ba, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn tỉnh góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; chú trọng trong công tác chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chống hàng giả vào bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bằng các hình thức đa dạng hơn, phong phú hơn, đặc biệt gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi nhiệm vụ; nâng cao công tác thông tin truyền thông; tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin để xây dựng phương án kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, mặt hàng, tụ điểm, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả theo tình hình thực tế trên từng địa bàn và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ năm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực của công chức trong việc thực thi công vụ; động viên khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.