Quản lý thuế thu nhập cá nhân tại cục thuế tỉnh Nghệ An: thực trạng và giải pháp

Bài báo Quản lý thuế thu nhập cá nhân tại cục thuế tỉnh Nghệ An: thực trạng và giải pháp do Nguyễn Thị Lam Hiền (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) - PGS.TS. Thái Thị Kim Oanh (Trường Đại học Vinh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có vai trò rất quan trọng trong tổng thu ngân sách, là loại thuế trực thu cơ bản trong nền kinh tế của các nước trên thế giới và được coi là loại thuế quan trọng nhất để thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. Do đó, công tác quản lý thuế TNCN phải luôn được chú trọng, nhằm đảm bảo mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và mục tiêu công bằng xã hội. Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã rất chú trọng đến hoạt động quản lý thuế TNCN, với kết quả số thu về thuế TNCN có xu hướng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, tỷ trọng số thu thuế TNCN trong tổng thu NSNN chỉ chiếm khoảng 3-5% tổng số thu. Điều này cho thấy tỷ trọng còn thấp so với cả nước và so với tiềm năng của địa bàn tỉnh. Vì vậy, bài viết nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế TNCN tại Cục Thuế tỉnh Nghệ An.

Từ khóa: thuế thu nhập cá nhân, quản lý thuế thu nhập cá nhân, tỉnh Nghệ An.

1. Đặt vấn đề

Thuế TNCN là một trong những công cụ chủ yếu của Nhà nước nhằm huy động một bộ phận của cải trong xã hội nhằm tạo ra nguồn thu cho NSNN. Vai trò đặc trưng và cơ bản nhất của thuế TNCN là góp phần thực hiện công bằng xã hội, giảm phân hóa giàu nghèo, giúp Nhà nước tái phân phối sản phẩm xã hội. Thuế TNCN điều tiết trực tiếp vào thu nhập của cá nhân cùng với tính chất lũy tiến của thuế TNCN đã thu hẹp khoảng cách về thu nhập của các cá nhân có mức thu nhập chênh lệch nhau. Thuế TNCN không chỉ là công cụ huy động nguồn thu NSNN, thực hiện công bằng cho xã hội mà còn là một trong những công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Ngoài ra, thuế TNCN còn góp phần giúp Nhà nước kiểm soát thu nhập, phát hiện thu nhập bất hợp pháp. Chính vì vậy, việc quản lý thuế TNCN là một trong những nhiệm vụ bắt buộc mà các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các cơ quan quản lý thuế cần phải tăng cường thực hiện có hiệu quả.

2. Cơ sở lý thuyết về công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân 

Quản lý thuế TNCN là hoạt động quản lý hành chính của Nhà nước đối với các đối tượng nộp thuế nhằm đạt được các mục tiêu nhất định trong khoảng thời gian nhất định trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Quản lý thuế TNCN là quá trình tác động của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý thông qua các công cụ quản lý nhằm đạt được mục tiêu trong từng giai đoạn nhất định.

Quản lý thuế TNCN có các mục tiêu cơ bản sau:

Tăng cường tập trung, huy động đầy đủ và kịp thời số thu cho NSNN trên cơ sở không ngừng nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu. 

Góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật cho các tổ chức kinh tế và dân cư. 

Phát huy tốt nhất vai trò của thuế TNCN trong nền kinh tế.

Quản lý thuế TNCN của các cơ quan có thẩm quyền phải tuân theo các nguyên tắc nhất định như: Tuân thủ pháp luật; Đảm bảo tính hiệu quả; Thúc đẩy ý thức tự tuân thủ của người nộp thuế (NNT); Công khai, minh bạch; Tuân thủ và phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Khung phân tích

Quản lý thuế TNCN là sự tác động có chủ đích của các cơ quan chức năng trong bộ máy Nhà nước đối với quá trình tính và thu thuế TNCN nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách và đạt được các mục tiêu Nhà nước đặt ra. Vì vậy, khung phân tích cho nghiên cứu sẽ được thiết lập và phản ánh được cơ chế tác động giữa các nhân tố ảnh hưởng, nội dung quản lý thuế TNCN và mục tiêu mà công tác quản lý thuế TNCN cần đạt được thể hiện ở Hình 1.

Hình 1: Khung phân tích của quản lý thuế thu nhập cá nhân

 

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp tổng hợp, thu thập thông tin, so sánh và phân tích. Phương pháp tổng hợp dùng để tổng hợp các số liệu báo cáo, thống kê tại Cục Thuế tỉnh Nghệ An. Phương pháp thu thập thông tin tham khảo tài liệu, hệ thống lý luận chung dựa trên các nguồn thông tin từ các tài liệu trong ngành Thuế như các báo cáo chuyên ngành, luận văn nghiên cứu trước về công tác quản lý thuế TNCN, các sách, báo, tạp chí thuế,… Đồng thời sử dụng phương pháp so sánh để so sánh các chỉ tiêu theo các chuẩn mực, như so sánh thực tế với kế hoạch, so sánh các chỉ tiêu theo thời gian. Phương pháp phân tích sử dụng trong việc làm rõ các hạn chế, các vấn đề cần xử lý và xác định nguyên nhân của các hạn chế trong công tác quản lý thuế TNCN tại Cục Thuế tỉnh Nghệ An.

4. Thực trạng công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế tỉnh Nghệ An

4.1. Kết quả đạt được

Quản lý đăng ký thuế TNCN

Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã triển khai sử dụng các phần mềm đăng ký mã số thuế cá nhân nhằm hỗ trợ đăng ký thuế, góp phần giúp cơ quan chi trả thu nhập giảm bớt chi phí, công sức đi lại, thời gian liên hệ nhiều lần với cơ quan thuế, đồng thời giúp ngành Thuế giảm bớt sự quá tải trong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công. Thêm vào đó, Cục Thuế tỉnh cũng tăng cường rà soát thông tin NNT trên các ứng dụng định kỳ hàng tuần để theo dõi, đánh giá và kịp thời đôn đốc các đối tượng bổ sung hoặc thay đổi, cập nhật thông tin phục vụ cho công tác quản lý, đảm bảo kiểm soát, nắm bắt kịp thời người nộp thuế, để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế. Tổ chức triển khai việc rà soát MST cá nhân, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các bộ phận liên quan, có gắn với công tác kiểm điểm, đánh giá thi đua.

Quản lý kê khai và nộp thuế TNCN

Hiện nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại cơ quan Cục Thuế Nghệ An và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Giai đoạn 2021-2023, tỉ lệ khai thuế qua mạng đều đạt mức 99%. Đây là một kết quả tích cực, cho thấy công tác quản lý đã được chú trọng, đạt được nhiều tiến bộ.

Bảng 1. Tình hình nộp hồ sơ khai thuế TNCN giai đoạn 2021-2023

Năm

Số hồ sơ khai thuế đúng hạn

Số hồ sơ khai thuế quá hạn

Tổng hồ sơ khai thuế phải nộp

Tỉ lệ hồ sơ khai thuế đúng hạn

2021

7.715

102

7.817

96,3%

2022

9.216

239

9.455

97,5%

2023

10.434

218

10.652

98%

                                                                                      Nguồn: Cục Thuế tỉnh Nghệ An

Tỷ lệ hồ sơ khai thuế đúng hạn có sự tăng trưởng qua các năm: từ 96,3% trong năm 2021 lên 97,5% trong năm 2022 và tăng lên 98% trong năm 2023. Đây là một tỉ lệ khá cao, là tín hiệu tích cực của công tác quản lý hồ sơ khai thuế, cho thấy ý thức thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT dần được cải thiện.

Quản lý quyết toán thuế, hoàn thuế TNCN

Quản lý quyết toán thuế TNCN:

Thực hiện tổ chức các đợt tập huấn, hỗ trợ giải đáp vướng mắc trực tiếp tại cơ quan thuế giúp cho NNT thực hiện quyết toán thuế được nhanh chóng, tránh sai sót và chậm trễ. Bên cạnh đó, triển khai tổng hợp, biên tập tài liệu hướng dẫn quyết toán thuế một cách ngắn gọn và dễ hiểu, sau đó đăng tải lên website của Cục Thuế Nghệ An để mọi người dân đều có thể tra cứu. Công tác tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế đến nay gần 100% các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Nghệ An được thực hiện bằng hình thức điện tử. Trong 3 năm qua, số lượng hồ sơ quyết toán đã nộp ngày càng tăng lên. Năm 2021 số hồ sơ đã nộp là 1.080 hồ sơ và tăng lên 1.202 hồ sơ vào năm 2022, tức tăng 11%. Chỉ tiêu này đạt 1.587 hồ sơ vào năm 2023, tăng 385 hồ sơ so với năm 2022 và bằng 132% so với cùng kỳ năm 2023.

Quản lý hoàn thuế:

Cục Thuế tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp tham mưu, chỉ đạo nghiệp vụ thuế, thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc hoàn thuế. Với các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, các phòng thanh tra kiểm tra, phải khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra hoàn thuế, đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của NNT theo đúng đối tượng và thời hạn được quy định. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thuế trong xử lý hoàn thuế TNCN. Số lượt hoàn thuế TNCN có sự biến động trong giai đoạn này. Năm 2021, số lượt hoàn thuế là 2.005, giảm 69 trường hợp, tương ứng giảm 3,3% so với năm 2020. Đến năm 2022, số lượt hoàn thuế là 2.752, tăng 747 trường hợp, tương ứng tăng 37,2% so với năm 2021 và tăng hơn so với năm 2020.

Quản lý thanh tra, kiểm tra thuế TNCN

Cục Thuế tỉnh đã triển khai linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro và tập trung vào một số nội dung quan trọng nhằm đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật thuế, phân loại NNT đưa vào diện những đối tượng có dấu hiệu gian lận thuế và chấn chỉnh những tồn tại trong công tác quản lý thuế TNCN. Mọi quy trình đều được đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, khách quan và toàn diện. Số cuộc thanh tra, kiểm tra thực tế tăng qua các năm và hầu như đạt được mức kế hoạch đề ra; số tiền thuế TNCN truy thu được cũng tăng dần qua từng năm. Năm 2021, thực hiện được 1.207/1.219 cuộc, đạt 99% kế hoạch. Qua thanh tra, kiểm tra đã truy thu được 7,382 tỷ đồng. Năm 2022, thanh tra, kiểm tra hoàn thành được 1.212 cuộc, vượt 7% so với kế hoạch. Số tiền thuế TNCN truy thu được là 7,973 tỷ đồng. Năm 2023, kết quả thực hiện thanh tra, kiểm tra được 1.341 cuộc, đạt 100% kế hoạch. Qua thanh, kiểm tra đã truy thu, truy hoàn được 8,064 tỷ đồng.

Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế TNCN

Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế TNCN, giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế đảm nhiệm chính và có sự phối hợp, hỗ trợ của các phòng, ban liên quan.

Bảng 2. Tình hình nợ thuế TNCN giai đoạn 2021-2023

Chỉ tiêu

2021

2022

2023

Số thuế TNCN còn nợ đến cuối năm (Triệu đồng)

18.795

18.349

22.788

Số thuế TNCN còn nợ đã thu được (Triệu đồng)

15.036

15.597

20.509

Tỷ lệ % thu hồi nợ

80%

85%

90%

                                                                                           Nguồn: Cục Thuế tỉnh Nghệ An

Cục Thuế tỉnh thường xuyên thực hiện rà soát, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng, phân loại nợ thành nhiều nhóm khác nhau, xác định các khoản nợ có thể hoặc không thể thu hồi. Số nợ có khả năng thu chiếm chủ yếu trong tổng nợ thuế TNCN (trên 79% so với tổng số nợ). Bên cạnh đó, số nợ khó thu vẫn còn cao, chiếm trên 11% trong giai đoạn này. Nợ chờ xử lý chiếm tỉ lệ thấp, không đáng kể trong tổng số nợ thuế TNCN. (Bảng 2)

Công tác tuyên truyền và hỗ trợ NNT

Công tác hỗ trợ người nộp thuế đã được triển khai tích cực với nhiều hình thức như: trả lời thắc mắc bằng văn bản, trả lời qua chuyên mục Hỏi - Đáp của Etax, tổ chức đối thoại trực tiếp với NNT, hỗ trợ tư vấn qua điện thoại, qua email… Cục Thuế Nghệ An đã xây dựng và ban hành quy chế quy định trình tự, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”. Thông qua công tác hỗ trợ đã kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của NNT trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Cục Thuế Nghệ An vinh dự là đơn vị được Tổng cục Thuế tặng Cờ "Đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác thi đua tuyên truyền" nhờ việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ tuyên truyền người nộp thuế qua nhiều hình thức, phương tiện khác nhau. (Bảng 3)

Bảng 3. Kết quả tuyên truyền, hỗ trợ NNT giai đoạn 2021-2023

Chỉ tiêu

2021

2022

2023

Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của Cục Thuế

3.186 tin, bài

3.863 tin, bài

3.889 tin, bài

Tuyên truyền trên đài phát thanh, truyền hình của tỉnh

10 số

15 số

16 số

Hỗ trợ giải đáp vướng mắc bằng văn bản

199 văn bản

232 văn bản

235 văn bản

Hỗ trợ giải đáp vướng mắc bằng phương thức điện tử

1.115 lượt

1.415 lượt

1.467 lượt

Tổ chức hội nghị đối thoại và tập huấn cho NNT

11 buổi

17 buổi

18 buổi

                                                                                             Nguồn: Cục Thuế tỉnh Nghệ An

4.2. Hạn chế và nguyên nhân

4.2.1. Hạn chế

Thứ nhất, đối tượng nộp thuế và nguồn thu nhập của người nộp thuế vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công thì cơ quan thuế có thể kiểm soát qua đơn vị chi trả thu nhập. Song với các nguồn thu từ các cá nhân hành nghề tự do như ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, hay một số ngành nghề đặc thù như giáo viên dạy thêm ngoài giờ, bác sĩ mở phòng khám, bán hàng qua mạng,… rất khó để quản lý triệt để.

Thứ hai, một số thủ tục trong đăng ký thuế, khai nộp thuế, hoàn thuế TNCN còn chưa thuận lợi cho người nộp thuế. Việc khấu trừ tại nguồn của một số tổ chức chi trả chưa triển khai tốt, nhiều khoản chi trả thu nhập phải thực hiện khấu trừ tại nguồn theo quy định nhưng đơn vị chi trả lại không thực hiện khấu trừ kịp , dẫn tới việc truy thu thuế TNCN gặp khó khăn. Việc xử lý hồ sơ hoàn thuế vẫn còn chậm, công tác rà soát, đối chiếu các thông tin về NNT để giải quyết hồ sơ hoàn thuế gặp nhiều khó khăn do quy trình phức tạp.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra thuế chưa thường xuyên. Với số lượng NNT lớn gây khó khăn việc xác định thu nhập chịu thuế một cách chính xác. Lực lượng cán bộ thực hiện chức năng kiểm tra thuế còn mỏng, chưa được đẩy mạnh đào tạo chuyên môn, trong khi các hành vi trốn thuế, lậu thuế ngày càng tinh vi, khó nắm bắt.

Thứ tư, công tác quản lý nợ thuế TNCN vẫn còn thiếu chủ động. Số nợ khó thu vẫn còn cao cho thấy cơ quan thuế chưa quyết liệt với nhóm nợ này, biện pháp cưỡng chế vẫn chưa đủ mạnh nên chưa thu đủ và kịp thời số nợ vào ngân sách.

Thứ năm, bộ máy quản lý thuế TNCN ở Cục Thuế tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập. Nhiệm vụ giữa các phòng ban vẫn còn đan xen, một số chức năng của bộ máy cơ quan thuế còn cồng kềnh, chưa phân định rõ ràng gây chồng chéo nhiệm vụ. Một số phòng ban còn thiếu nhân lực chất lượng cao, số ít cán bộ thiếu công tâm, ứng xử kém gây khó khăn cho NNT.

4.2.2.  Nguyên nhân hạn chế

Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT tuy được thực hiện liên tục nhưng chưa thật sự thu hút, hấp dẫn với người dân.

Thứ hai, các công tác trong quy trình quản lý thuế TNCN còn chưa đồng bộ.

Thứ ba, năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức của cán bộ công chức thuế cũng là một trong những nguyên nhân gây nên các hạn chế nêu trên.

Thứ tư, việc ứng dụng CNTT vào quản lý thuế TNCN chưa đạt hiệu quả cao.

Thứ năm, bộ máy quản lý thuế TNCN chưa có sự phối hợp giữa Cục Thuế tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng khác trên địa bàn.

Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, cơ sở pháp lý trong quản lý thuế TNCN còn chưa hoàn thiện. Hệ thống chính sách thuế chưa bao quát hết các ĐTNT cũng như các nguồn thu thuế TNCN.

Thứ hai, hiểu biết của một bộ phận người dân về thuế TNCN còn thấp. Nhận thức về quyền và nghĩa vụ trong việc nộp thuế của một số ít cá nhân còn hạn chế nên ý thức tự giác chấp hành các luật thuế, các chính sách thuế chưa cao.

Thứ ba, tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua có nhiều biến động nhất là hậu quả của Covid-19. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân gặp khó khăn, mức thu nhập của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.

5. Một số đề xuất nhằm tăng cường công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế tỉnh Nghệ An

Thứ nhất, Cục Thuế tỉnh cần tiếp tục triển khai, mở rộng việc cấp mã số thuế TNCN cho NNT, hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin cá nhân NNT và hồ sơ giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc một cách hợp lý.

Thứ hai, định kỳ hàng tháng, Cục Thuế tỉnh cần lập danh sách tiền thuế nợ và công khai thông tin đối tượng nợ thuế TNCN trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ, nợ thuế, không thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Thứ ba, nâng cao năng lực và phẩm chất của cán bộ công chức thuế. Thường xuyên tổ chức kiểm tra năng lực chuyên môn cho các cán bộ thuế làm nghiệp vụ để có biện pháp nâng cao trình độ, bố trí công việc cho hợp lý. Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra công vụ đột xuất để kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ tư, Cục Thuế tỉnh Nghệ An cần đẩy mạnh công tác kiểm tra thuế trên tất cả các khâu từ đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế. Lập kế hoạch kiểm tra bám sát tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm, tập trung phân tích đánh giá và phân loại những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm pháp luật thuế.

Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng và triển khai các ứng dụng hỗ trợ, phục vụ cho quản lý thuế TNCN từ khâu đăng ký MST đến việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế,… đồng thời kết hợp với việc mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, nhằm hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế.

6. Kết luận

Thuế TNCN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề vĩ mô của nền kinh tế. Quản lý thuế TNCN là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý tài chính nhà nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả về mặt chủ quan và khách quan, công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân ở Cục Thuế tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều điểm hạn chế, bất cập. Do đó, công tác này cần được đặc biệt quan tâm và cần được nhìn nhận ở tầm vĩ mô, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế TNCN, góp phần tăng thu NSNN, đảm bảo công bằng xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thuế tỉnh Nghệ An, Báo cáo Tổng kết công tác thuế năm 2021, 2022, 2023.
  2. Phan Hữu Nghị, Nguyễn Thị Bất (đồng chủ biên, 2020), Giáo trình Thuế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  3. TS. Phan Hữu Nghị (2021), Giáo trình Quản lý Thuế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Thu Hương (2016), Hoàn thiện công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế tỉnh Bắc Giang, Luận văn thạc sĩ kinh tế - Học viện Tài chính, Hà Nội.
  5. Quốc hội (2007), Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04.2007/QH12, Hà Nội.
  6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2020), Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, Hà Nội.
  7. Nguyễn Thu Thủy (2021), Giải pháp tăng cường quản lý thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP. Hà Nội, Luận văn thạc sĩ kinh tế - Học viện Tài chính, Hà Nội.

Personal income tax management at the Nghe An Provincial Tax Department: Current situation and solutions

Nguyen Thi Lam Hien1

Assoc.Prof.Ph.D Thai Thi Kim Oanh2

1Nghe An General Friendship Hospital

2Vinh University

Abstract:

Personal income tax (PIT) is a critical component of total budget revenue and a key direct tax in economies worldwide, essential for promoting social equity. Effective PIT management is necessary to achieve both revenue generation for the state budget and equitable taxation. Recently, the Nghe An Provincial Tax Department has focused on strengthening PIT management, with PIT revenues showing an upward trend year-over-year. However, PIT currently accounts for only 3-5% of the province’s total budget revenue - a relatively low proportion compared to national figures and the province’s potential. This paper examined and evaluates the current state of PIT management at the Nghe An Provincial Tax Department and proposes solutions to enhance PIT administration and maximize revenue potential.

Keywords: personal income tax, personal income tax management, Nghe An province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2024]

Tạp chí Công Thương