Những quan điểm ủng hộ và phản bác phát triển trò chơi trực tuyến (game online) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Với tư cách là người đại diện cho cơ quan lập pháp trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Trò chơi trực tuyến đã bị xã hội coi là một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn tới tình trạng bạo lực ở trẻ em. Vậy phải chăng, game online nên bị cấm, thưa ông?
Những tác động tiêu cực của trò chơi trực tuyến đã được nói rất nhiều, những dẫn chứng cực đoan về tác hại của game online là không thiếu. Nhưng theo tôi, cũng phải khẳng định trò chơi trực tuyến có những ưu điểm của nó, mặt tích cực của nó. Thứ nhất với những kịch bản tốt, trò chơi trực tuyến có thể cung cấp cho người chơi, đặc biệt là thanh thiếu nhi những kiến thức, hiểu biết về lịch sử, văn hoá thế giới… Thứ hai là trò chơi góp phần rèn luyện cho người chơi phản xạ linh hoạt trước những tình huống trong trò chơi, góp phần rèn luyện kỹ năng sống cho người chơi. Thứ ba, khi chơi những trò lành mạnh với thời gian vừa phải thì người chơi bớt thời gian để có những hành vi không thích hợp khác. Chơi cái này thì khỏi chơi trò khác có hại.
Có ý kiến so sánh tác hại của game online với rượu, thuốc lá, thậm chí là với ma tuý. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi cho rằng thật cực đoan khi so sánh game online với ma tuý. Ma tuý là có hại, ai cũng biết nhưng game online như tôi đã nói ở trên nếu có những kịch bản trò chơi tốt, quản lý giờ chơi tốt thì cũng có tác động tích cực. Và thực tế trên thế giới cũng không nước nào coi game online như ma tuý mà bỏ tù những người chơi game online cả. Vấn đề là mình quản lý game online như thế nào. Hơn nữa, xã hội cũng phải quen dần với rất nhiều thứ diễn ra trên Internet tới mức con người có thể miễn dịch để tự kiểm soát được hành vi.
Ví dụ ở nước ngoài có những phố “đèn đỏ” với đủ loại hoạt động chẳng hay ho gì nhưng nó vẫn tồn tại, như để tiêm vào xã hội một "liều vacxin" để xã hội quen dần và khi trẻ lớn lên có thể miễn dịch với những loại hình như thế. Với game online nếu so sánh với ma tuý và những chất gây nghiện khác là không đúng, cường điệu và không thấy được nguyên nhân gây ra hiện tượng nghiện game online ở trẻ em là gì và chữa bằng cách như thế nào. Dù muốn hay không thì game online này vẫn thường xuyên có ở trên mạng, dù doanh nghiệp trong nước có sản xuất hay không thì các nhà sản xuất trên thế giới vẫn cung cấp lên mạng, người lớn và trẻ em vẫn chơi nên không thể cư xử với nó như với chất gây nghiện.
Vậy theo ông chúng ta nên ứng xử thế nào đối với trò chơi trực tuyến?
Giải pháp trước hết phải phân loại trò chơi trực tuyến để xác định trò nào hợp với lứa tuổi nào. Hai là, phải có những biện pháp để ngăn chặn trò chơi trực tuyến có nội dung xấu, thậm chí Chính phủ Việt Nam có thể bàn thảo với chính phủ các nước khác đưa vấn đề này lên Liên Hợp Quốc hoặc tổ chức UNESCO để có những khuyến nghị, khuyến cáo, thậm chí là những quy định đối với các nhà cung cấp mạng để họ cũng góp phần ngăn chặn những trò chơi có nội dung xấu, bạo lực ở trên mạng. Khi có liên kết giữa các chính phủ thì chắc chắn sẽ làm được. Ba là, phải quản lý những nhà cung cấp dịch vụ trò chơi, những nhà sản xuất trò chơi ở Việt Nam để họ phải có trách nhiệm cao hơn về nội dung các kịch bản mà mình cung cấp. Muốn làm được điều này nên theo hướng của Luật Xuất bản, quy định chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về nội dung mình sản xuất ra, hàng năm đăng ký kế hoạch sản xuất, nếu cần bổ sung thì xem xét bổ sung, hậu kiểm thật tốt. Những chủ doanh nghiệp vi phạm phải chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm để họ có tinh thần trách nhiệm cao hơn.
Đối với các đại lý Internet, phải quản lý họ bằng những quy định về thời gian chơi, trong ngày làm việc đối với trẻ em là từ 18-20h, người lớn chỉ hạn chế đến 22h, ngày nghỉ hoặc chủ nhật có thể nới rộng hơn nhưng số lần chơi phải cách quãng nhau.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng không nên khống chế các đại lý Internet bởi quản lý trẻ em không phải là trách nhiệm của họ?
Nói về các quán Internet thì trong điều kiện hiện nay họ cũng phải có trách nhiệm để quản lý trẻ em cùng với gia đình chứ không thể thoái thác được. Ví dụ thấy các em chơi những trò quá bạo lực thì không cho chơi, các em chơi say mê quá giờ thì phải nhắc nhở bởi việc giáo dục trẻ là trách nhiệm chung của mọi người chứ không phải của riêng những người sinh ra các cháu. Những người lớn đều phải có trách nhiệm. Nếu chỉ chạy theo lợi ích kinh tế, lý luận rằng gia đình thả con thì tôi cứ cho nó chơi thoải mái để thu tiền thì đó là hành vi thiếu trách nhiệm.
Nhưng rõ ràng việc kiểm soát được không dễ bởi hiện nay chưa có những quy định về quản lý giờ chơi?
Theo tôi, có cách tương đối dễ là có thể ngắt máy có dịch vụ trò chơi này ở các cửa hàng Internet khi đến giờ chứ không nên yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ cắt máy chủ bởi làm vậy là tạo nên rào cản cho doanh nghiệp Việt Nam và gây khó cho họ vì sau 23h, các nhà cung cấp dịch vụ trên thế giới vẫn cung cấp. Hơn nữa, các nhà cung cấp của Việt Nam không chỉ cung cấp cho trong nước mà còn cho các nước khác, 23h là khuya với Việt Nam nhưng với nước khác nó lại là giờ chơi. Dựng nên rào cản như vậy là không nên.
Đặc biệt, trong việc quản lý dịch vụ này thì gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng ta phải hình dung Internet như không khí, không ai có thể chặn nó được, đặc biệt là chặn bằng biện pháp kỹ thuật lại càng không ổn. Tốt nhất là giống như chúng ta đưa con đi chơi ở ngoài đường, gặp khí lạnh thì quàng khăn, gặp bụi thì phải đeo khẩu trang chứ không thể ngăn gió, bụi được. Internet cũng thế thôi. Bố mẹ phải quản lý được con trẻ, không nên thả cho chơi rồi có việc gì lại đổ tại xã hội. Muốn vậy, trước hết với trẻ chưa đến tuổi có thể tự chủ được thì phải chơi dưới sự kiểm soát của bố mẹ, ví dụ có gia đình có nhiều phòng nhưng máy vi tính chỉ ở 1 phòng, bố làm việc, con chơi bên cạnh. Như vậy trẻ chơi đến giờ nào, trò chơi gì là kiểm soát được.
Lẽ thông thường người ta thường lên án trò chơi mà ít người nghĩ tới trách nhiệm của cha mẹ trong việc để cho con chơi game online. Quan điểm ông về việc này?
Tôi cho rằng ở đây đối với cha mẹ, pháp luật cũng phải có sự điều chỉnh, có chế tài với họ. Ví dụ: cha mẹ để cho con nghiện Internet hay quá say mê với trò chơi trực tuyến, sao nhãng học tập, sao nhãng lao động… cần phải được đưa đi tham gia những lớp bồi dưỡng kỹ năng làm bố làm mẹ, kỹ năng quản lý trẻ em có cấp chứng chỉ hẳn hoi để có sự trưởng thành về nhận thức. Nhiều ông bố bà mẹ hiện nay chỉ sinh ra con chăm con, còn rất nhiều kiến thức mới về giáo dục, kiểm soát con lại thiếu. Bố mẹ cần được học các lớp như vậy, nhất là những người ở gia đình con cái quá ham game hoặc có hành vi không thích hợp với xã hội, bố mẹ cũng cần phải học để biết.
Liệu có phải liều vacxin cho game online này là giáo dục từ gia đình, thưa ông?
Tất nhiên từ gia đình vẫn là trước hết, đặc biệt là ở nhà cha mẹ nên hiểu cho đúng về game online để hướng dẫn con trẻ. Nếu cha mẹ nào chưa hiểu đúng thì nên tham gia những lớp tập huấn để tăng sự hiểu biết về game. Nhưng các đoàn thể cũng phải có trách nhiệm trong việc này, nên tổ chức những cuộc trao đổi giữa các bạn trẻ với nhau, trong học sinh với nhau bởi có tới 2/3 học sinh tiểu học chơi game online; tổ chức trao đổi nhận thức cho đúng về những mặt tích cực, tiêu cực của game online để có những xử lý cho đúng. Hiện sinh hoạt của các tổ chức chưa thu hút được thanh thiếu niên, nhiều nơi còn hình thức, bàn những phong trào to lớn mà chưa đi vào các vấn đề cụ thể.
Ngoài ra, xã hội cũng cần tăng cường điểm vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên bởi thiếu những trò vui chơi bổ ích khác thì trẻ em rất dễ bị cuốn hút vào game.
Xin cảm ơn ông!
Quản lý trẻ chơi game online: Gia đình là trước hết
TCCT
Chúng ta phải hình dung Internet như không khí. Tốt nhất là khi gặp khí lạnh thì quàng khăn, gặp bụi thì phải đeo khẩu trang chứ không ai có thể ngăn gió, bụi được...", ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết nói.