Những năm gần đây, việc phát triển du lịch gắn với xây dựng các sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch được đặc biệt chú trọng, đặc biệt tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó không chỉ giúp bà con ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá được truyền thống văn hóa đặc sắc của tỉnh và thu hút nhiều hơn lượt khách đến tham quan du lịch tại nơi đây.
Nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của mình qua các hoạt động văn hóa - du lịch. Thông qua những tuần hàng, lễ hội văn hóa hay chương trình kích cầu du lịch đã thu hút rất nhiều khách tiêu dùng trong nước và quốc tế đến trải nghiệm trực tiếp sản phẩm.
Đây cũng là một trong những kênh phân phối tiềm năng, đã hỗ trợ rất nhiều cho việc phát triển thương mại và tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Điển hình, tỉnh Hà Giang đã lựa chọn 8 nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực hỗ trợ sản xuất phục vụ du lịch như: Chè, mật ong, dược liệu, thực phẩm chế biến, sản phẩm đan lát, dệt may, thủ công mỹ nghệ, chế tác, sản phẩm rượu, Hồng không hạt.
Đồng thời, khai thác một số sản phẩm du lịch mới, khác biệt để tạo điểm nhấn, như: Khảo sát, lựa chọn một số cơ sở sản xuất công nghiệp đủ điều kiện đưa vào tua du lịch lồng ghép thăm quan các danh lam, thắng cảnh; cung cấp hình ảnh, nội dung thông tin đến các doanh nghiệp lữ hành để đưa vào chương trình du lịch sát với mùa vụ từng địa phương...
Tỉnh Tuyên Quang cũng có các hoạt động tập trung nguồn lực bảo tồn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương nâng cao giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch. Từ đây, các đặc sản của Tuyên Quang như cam sành Hàm Yên, măng khô Tuyên Quang, thịt trâu gác bếp hay rượu ngô Na Hang,… đã được người dân khắp cả nước biết đến.
Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đưa hoạt động "Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi” trở thành hoạt động thường niên. Qua đó, tập trung giới thiệu sản phẩm du lịch độc đáo gắn trải nghiệm thực tế tại vườn cây ăn quả với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; hình thành tour, tuyến mới nhằm thu hút du khách.
Tại các địa phương, việc triển khai các hoạt động văn hóa, lễ hội, yếu tố văn hóa du lịch hết sức quan trọng, đem lại giá trị gia tăng rất lớn cho tiêu thụ sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm chưa phát huy hết tiềm năng, công tác xúc tiến, quảng bá chưa thực hiện thường xuyên khiến nhiều sản phẩm đặc thù, thế mạnh chưa được quảng bá, giới thiệu đầy đủ, kịp thời tới khách du lịch... Do đó, cần có những định hướng và chính sách phù hợp hơn để biến tiềm năng đó thành lợi thế hữu hình, để thực sự giúp các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiêu thụ rộng khắp.
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế ở khu vực này, ngày 14 tháng 10 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Triển khai Chương trình, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ban ngành và các địa phương có nhiều hoạt động nhằm hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào việc tiêu thụ sản phẩm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, sử dụng các hoạt động văn hóa du lịch sẽ trở thành một trong những giải pháp hiệu quả và bền vững.